Người dân vẫn lơ là, chủ quan với dịch sốt xuất huyết
Diễn biến phức tạp
Từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã ghi nhận trên 100 ổ dịch sốt xuất huyết với hơn 500 ca mắc. Đáng lo ngại, những tuần gần đây, ca bệnh tiếp tục gia tăng, trung bình mỗi tuần có 15 - 20 ca được ghi nhận. Mới nhất, ổ dịch tại phường Phúc La (quận Hà Đông) với 8 ca mắc đã được khống chế. Một số địa bàn có dịch bệnh sốt xuất huyết diễn biến phức tạp vẫn là Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Hà Đông, Đống Đa, Hoàng Mai… TS Nguyễn Nhật Cảm, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho biết: "Hầu hết các ổ dịch được phát hiện đều gần các công trình xây dựng, chợ, mương nước hay khu nhà trọ sinh viên. So với năm ngoái, số ca mắc giảm 50%, nhưng chúng tôi đang rất lo lắng bởi dịch bệnh đang có những diễn biến bất thường".
Theo các chuyên gia dịch tễ, thời tiết đang vào mùa hanh khô đã tạo điều kiện cho ổ muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết phát triển. Điều đáng lo, nhiều người dân sử dụng bừa bãi hóa chất diệt muỗi, khiến muỗi bị kháng thuốc. Vì vậy, ở một số địa bàn, khi phun thuốc diệt muỗi, cán bộ y tế dự phòng phải tăng nồng độ thuốc. Trung tâm Y tế dự phòng cũng đã báo cáo Sở Y tế về tình hình sốt xuất huyết hiện nay, lực lượng này sẵn sàng "chiến đấu", dập dịch 24/24 giờ.
Người dân nên hợp tác
Để chuẩn bị đối phó với thời kỳ đỉnh dịch sốt xuất huyết, Hà Nội đã tổ chức hai chiến dịch vệ sinh môi trường. Chiến dịch đầu tiên thực hiện hồi tháng 5, tháng 6 với việc ra quân vệ sinh môi trường, phun hóa chất diệt muỗi tại 60 phường, xã trọng điểm. Chiến dịch thứ 2 vừa hoàn thành trong tháng 8, tháng 9. Chiến dịch thứ 3 đang được triển khai trên diện rộng toàn thành phố. Tuy nhiên, trong lúc ngành y tế đang căng sức chống chọi với nhiều loại dịch bệnh nguy hiểm thì người dân lại tỏ ra lơ là, chủ quan. Thậm chí, nhiều người bất hợp tác với cán bộ y tế dự phòng khi lực lượng này đến điều tra ổ dịch, diệt bọ gậy, loăng quăng. "Khi thấy chúng tôi đến, có hộ gia đình chốt chặt cửa không cho vào, họ bảo nhà họ để họ tự lo" - một cán bộ Trung tâm Y tế dự phòng cho biết.
Theo ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế, với tiêu chí "không lăng quăng, không muỗi, sẽ không có sốt xuất huyết", mọi người cần nhận thức được tầm quan trọng trong việc phòng chống bệnh sốt xuất huyết. "Chỉ một lần chích, muỗi vằn mang mầm bệnh đã có thể truyền bệnh sốt xuất huyết cho người. Vì vậy, việc phòng chống sốt xuất huyết là trách nhiệm chung của toàn xã hội. Chúng tôi mong muốn, người dân cũng như chính quyền địa phương có trách nhiệm hơn và hợp tác chặt chẽ với ngành y tế để công tác phòng chống dịch bệnh được thực hiện có hiệu quả" - ông Hạnh nói.
Ông Hạnh cũng khuyến cáo, bên cạnh việc phòng chống, người dân cần chú ý theo dõi để phát hiện và điều trị bệnh kịp thời. Khi có những triệu chứng như sốt cao đột ngột, đau đầu, đau bụng, cơ thể mệt mỏi, xuất huyết dưới da làm lộ những chấm nhỏ màu đỏ, đốm... nên đến khám ngay tại các cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.
Từ đầu năm đến nay, số ca mắc sốt xuất huyết trong cả nước tăng 35,5% so với cùng kỳ năm ngoái (40.000 trường hợp), trong đó có 26 trường hợp tử vong. Các trường hợp tử vong đều được chẩn đoán ở mức độ nặng, thường gặp ở lứa tuổi dưới 15 (chiếm 76,9%) và giới nữ (chiếm 80,8%). |
Thảo Nguyên (Theo KTĐT)
End of content
Không có tin nào tiếp theo