Người đẹp ‘thi chui’ hoa hậu: Luật bất cập, phạt chưa ‘rát’
Theo Điều 6 của Quyết định số 37/2006/QĐ-BVHTT về Quy chế tổ chức thi Hoa hậu, điều kiện và hồ sơ đề nghị cho thí sinh đi dự thi hoa hậu quốc tế bao gồm: đã đạt danh hiệu tại các cuộc thi Hoa hậu trong nước, có giấy mời của ban tổ chức cuộc thi, thông thạo tiếng Anh, được một đơn vị Việt Nam có đủ điều kiện quy định làm đại diện, chịu trách nhiệm về các thủ tục có liên quan và đưa đi dự thi.
Cục Nghệ thuật biểu diễn chịu trách nhiệm cấp phép cho thí sinh dự thi hoa hậu quốc tế. Bởi vậy, có thể hiểu nôm na một người đẹp đi thi hoa hậu “chui” nghĩa là cô ấy âm thầm đi thi mà chưa nhận được giấy phép từ Cục.
Quy định này thực ra có căn cứ bởi tại nhiều cuộc thi, dù đi thi với tư cách cá nhân, thí sinh đến từ Việt Nam vẫn sẽ đeo dải băng ghi tên nước Việt Nam. Điều này mặc nhiên rằng cô ấy chính là đại diện cho nhan sắc Việt. Nếu không được cấp phép, không đảm bảo đủ tiêu chuẩn “mang chuông đi đánh xứ người” xui xẻo một khi thí sinh có hành động, phát ngôn không đúng… sẽ ảnh hưởng quốc thể lắm chứ?
Nhưng theo tôi, trách nhiệm kiểm tra hồ sơ cá nhân của các thí sinh đăng ký tham dự có đủ tiêu chuẩn, có đáp ứng yêu cầu của cuộc thi hay không trước tiên thuộc về ban tổ chức. Giả định xảy ra trường hợp xấu nhất, một cô gái đã từng “bán hoa”, đã có tiền án, tiền sự đăng quang hoa hậu, chắc rằng đối tượng bị lên án sẽ là ban tổ chức cuộc thi đó vì sự tắc trách của họ.
Hiện nay, tại Việt Nam, một năm diễn ra biết bao cuộc thi hoa hậu thì các cuộc thi hoa hậu ở nước ngoài cũng nhan nhản như vậy. Ngoài năm cuộc thi được coi là chính quy nhất thế giới như: Hoa hậu thế giới, Hoa hậu hoàn vũ, Hoa hậu quốc tế, Hoa hậu siêu quốc gia và Nữ hoàng du lịch quốc tế cần có lời mời chính thức từ đơn vị tổ chức và sự hỗ trợ từ cơ quan giữ bản quyền tại Việt Nam, đa phần các cuộc thi còn lại đều theo hình thức đăng ký, nộp đủ lệ phí và đi thi.
Bởi vậy, quy định cấp phép của Cục biểu diễn nghệ thuật vô hình chung lại nâng tầm cho những cuộc thi sắc đẹp có quy mô quá nhỏ lẻ, vẩn vơ, chỉ mang tính chất giải trí. Đơn cử như trường hợp người đẹp Quế Vân bị phạt sau khi giành ngôi vị Á hậu 1 tại cuộc thi Hoa hậu người Việt Thế giới 2013 diễn ra tại Long Beach, California (Mỹ). Cuộc thi này chỉ có vỏn vẹn 21 thí sinh. Và theo lời Quế Vân thì cô cũng không biết cần phải xin phép: “Tôi chỉ nghĩ đơn giản đây là một sinh hoạt văn hóa gắn kết người Việt trên toàn thế giới. Chính vì thế tôi cứ hồn nhiên tham gia”.
Mỗi năm, chỉ riêng tại Mỹ, không đếm được có bao nhiêu cuộc thi sắc đẹp của cộng đồng hải ngoại chỉ mang tính chất giải trí, tổ chức để bán vé thu tiền. Ai đi thi cũng được. Nếu yêu cầu những thí sinh Việt Nam phải có giấy phép từ Cục Biểu diễn nghệ thuật để tham gia những cuộc thi tự phát như thế này thì không hợp lý. Thiết nghĩ, nên có quy định rõ ràng về việc cấp phép, ví dụ chỉ công nhận và cấp phép cho các cuộc thi đã được tổ chức từ 5 lần trở lên, đã có uy tín nhất định còn những cuộc thi mới tự phát thì không nên.
Thêm một điều bất cập nữa từ quy định cấp phép của Cục đó là thời gian cấp phép quá lâu. Như trường hợp của người đẹp Huỳnh Thúy Anh sau khi nhận được lời mời từ ban tổ chức Miss Intercontinental 2014 tại Đức, cô và quản lý đã chủ động liên hệ với đại diện Cục Biểu diễn nghệ thuật để xin phép được đi thi. Tuy vậy, sau thời gian chờ đợi, người đẹp không nhận được phản hồi từ Cục. Do ngày dự thi đã đến, cô không thể chờ được nữa nên quyết định khăn gói lên đường. Hoàn toàn hợp lý nếu như các người đẹp lo sợ nhận được giấy phép thì có thể cuộc thi đã diễn ra xong rồi.
Năm 2014 có vẻ như là năm mà phong trào đi thi hoa hậu “chui”của các người đẹp Việt cực kỳ nở rộ. Theo tôi, một trong những yếu tố quan trọng để các người đẹp can đảm đi “thi chui” là do mức phạt tiền của Cục đưa ra từ 22,5 – 30 triệu đồng, hay thậm chí cấm diễn một thời gian vẫn còn chưa “rát”.
So với số tiền 5.000 USD phí tham dự, 2.000 USD để chuẩn bị đi thi mà Cao Thùy Linh tự bỏ tiền túi ra để tham gia cuộc thi Miss Grand International 2014 tại Thái Lan, thì số tiền nộp phạt vì “thi chui” quả thực chẳng đáng là bao. Cấm diễn một thời gian nhưng danh hiệu đạt được vẫn còn có, nó sẽ là bệ phóng rất tốt cho các người đẹp trên con đường sự nghiệp sau này.
Nhìn xa hơn nữa, các người đẹp Việt khi tham gia các cuộc thi hoa hậu quốc tế quy mô nhỏ, dàn thí sinh không mấy xuất sắc, mức độ cạnh tranh thấp, lại có cơ hội giành giải cao. Và nếu may mắn đoạt một giải thưởng nào đó, thì khi trở về nước, bỗng nhiên họ có danh tiếng. Thậm chí, đi “thi chui” về bị phạt còn có thể gây được scandal, càng dễ nổi tiếng hơn. Bởi vậy mới thấy mức phạt hời hợt của Cục biểu diễn nghệ thuật vô tình đã làm các người đẹp nhờn luật.
Đã đến lúc các cơ quan có thẩm quyền cần xem xét sửa đổi và bổ sung quy định dự thi hoa hậu quốc tế để các công dân Việt Nam có thể tự do và được tạo điều kiệu tốt hơn khi tham gia tranh sắc, tranh tài trên các đấu trường nhan sắc toàn thế giới.
Nếu nhìn nhận một cách tích cực thì dù có đi “thi chui” nhưng rất nhiều người đẹp cũng đã đoạt giải cao, góp phần tôn vinh vẻ đẹp Việt như trường hợp gần đây nhất là người đẹp Diệu Linh đã giành hai giải thưởng Hoa hậu Đông Nam Á và Thí sinh trang phục dân tộc đẹp nhất tại Hoa hậu du lịch quốc tế 2014 (Malaysia).
End of content
Không có tin nào tiếp theo