Người giỏi vẫn đang rời bệnh viện công
Tuy không còn hấp dẫn mãnh liệt như trước đây nhưng mỗi khi một bệnh viện (BV) tư mới ra đời, lãnh đạo các BV công nay vẫn thấp thỏm, lo mất thêm nhân lực giỏi ở những vị trí chủ chốt, quan trọng.
Theo Sở Y tế TP.HCM, trong năm 2013, 71 bác sĩ ở các BV thuộc sở, chưa kể BV quận, huyện, xin nghỉ việc vì nhiều lý do khác nhau.
Hàng loạt bác sĩ nghỉ việc
Một báo cáo của BV Đa khoa khu vực Củ Chi cuối năm 2013 gửi Sở Y tế TP.HCM cho biết BV này biết trước nguy cơ: “Hiện nay BV Đa khoa khu vực Củ Chi có sự biến động lớn về nhân sự. Một số bác sĩ điều trị và một số trưởng, phó khoa - phòng có trình độ sau đại học (chuyên khoa 1, chuyên khoa 2), trong đó nhiều người là đảng viên, đồng loạt nộp đơn xin nghỉ việc để nhận việc tại BV Xuyên Á chuẩn bị hoạt động”.
Ban giám đốc BV Đa khoa khu vực Củ Chi nhiều lần mời các bác sĩ nói chuyện, động viên ở lại làm việc nhưng không kết quả. Đến tháng 12-2013 có năm bác sĩ trình độ sau đại học nộp đơn xin nghỉ việc và 15 bác sĩ khác được BV Xuyên Á thương lượng về làm việc.
Tháng 3-2014, BV Đa khoa khu vực Củ Chi tiếp tục “kêu cứu” Sở Y tế về tình hình viên chức nghỉ việc hàng loạt. Theo đó, chỉ trong ba tháng đầu năm 2014, BV Đa khoa khu vực Củ Chi có thêm bốn bác sĩ nghỉ việc, trong đó có một bác sĩ phó khoa ngoại tổng quát.
Ngày 1-4-2014 đánh dấu một “kỷ lục”: 34 cán bộ viên chức của BV có quyết định nghỉ việc, trong đó có 21 bác sĩ. Trong số 21 bác sĩ nghỉ việc có 15 bác sĩ có trình độ chuyên khoa 2 và chuyên khoa 1 (có bốn người là trưởng khoa phòng, phó khoa).
Nếu tính cả điều dưỡng, kỹ thuật viên, trong hai năm 2013-2014 BV Đa khoa khu vực Củ Chi có khoảng 60 y bác sĩ xin nghỉ việc để qua BV Xuyên Á. Theo bác sĩ Nguyễn Minh Thành - giám đốc BV Đa khoa khu vực Củ Chi, lý do đơn giản là BV Xuyên Á trả lương cao hơn nhiều.
Nhưng ngay cả một số BV chuyên khoa có thu nhập khá cũng không giữ nổi bác sĩ có trình độ chuyên môn giỏi. Giữa năm 2014, một TS.BS có bề dày kinh nghiệm gần 25 năm làm việc ở khoa hồi sức sơ sinh, là trưởng khoa giỏi của BV Nhi Đồng 1 đã xin nghỉ việc về “đầu quân” cho BV Quốc tế Hạnh Phúc (Bình Dương).
Trước đó, hai trưởng khoa khác của BV Nhi Đồng 1 xin nghỉ việc, trong đó có một người về BV Quốc tế Thành Đô. Tương tự, một số trưởng, phó khoa ở BV Nhi Đồng 2 đã xin nghỉ việc ra làm việc cho BV tư nhân...
BV Cấp cứu Trưng Vương cũng đã có nhiều bác sĩ có trình độ chuyên môn giỏi, giữ chức vụ trưởng khoa xin nghỉ để làm việc cho BV An Sinh, BV Triều An.
Hầu hết những cán bộ chủ chốt, có trình độ chuyên môn giỏi ra làm việc cho BV tư nhân đều được bố trí những vị trí tương tự hoặc cao hơn với thu nhập rất khá. Có người được trả tới 100-150 triệu đồng/tháng.
Những giải thích đa dạng
Một bác sĩ từng làm việc ở BV Cấp cứu Trưng Vương cho biết ông sắp xếp các yếu tố dẫn đến sự rời bỏ BV công của mình như sau: môi trường làm việc không còn phù hợp (60%); tuổi lớn, đã có sức ì, nên tạo điều kiện cho đàn em phát triển (20%); muốn thử sức trong điều kiện làm việc khác (20%).
“Yếu tố thu nhập không tác động nhiều đến quyết định nghỉ việc của tôi” - bác sĩ này khẳng định.
Một bác sĩ có thâm niên trong lĩnh vực gây mê hồi sức sau khi xin nghỉ việc ở BV Nhi Đồng 2 về làm việc cho BV Quốc tế Hạnh Phúc mấy năm nay cho biết lý do nghỉ ở BV công là vì chị muốn thử thách khả năng của mình trong lĩnh vực mới.
“Ở đây ít họp hành, BV giao toàn quyền quyết định về chuyên môn cho bác sĩ, miễn sao bệnh nhân được khỏe mạnh, an toàn và được phục vụ tốt. Tôi rất thích cách làm việc này, thấy mình được làm chuyên môn nhiều hơn, không mất quá nhiều thời giờ cho công tác quản lý như trước” và “Sang đây tôi được trả đồng lương xứng đáng với những gì tôi cống hiến” - chị nói.
Chưa kể, ở BV tư, những người lớn tuổi như chị không phải bận tâm nhiều về việc “đến hạn hưu”, hợp đồng lao động diễn ra đơn giản: “Đến khi nào mình chán họ hoặc họ chán mình thì thôi”.
Sau câu chuyện thu nhập là những trăn trở về chuyên môn. Rời BV Đa khoa tỉnh Thanh Hóa năm 2006 khi đang ở vị trí phó trưởng khoa phẫu thuật thần kinh để chuyển sang BV Đa khoa tư nhân Hợp Lực, bác sĩ Nguyễn Thanh Vân đơn giản muốn thay đổi và tìm bước tiến mới.
Hơn 20 năm trong nghề, ông đã có chút “danh phận” ở BV công để tự tin và thoải mái ở lại. Nhưng những thiết bị chẩn đoán, điều kiện làm việc mà nhà đầu tư BV Đa khoa tư nhân Hợp Lực có đã thu hút ông.
“BV tư lúc ấy có nhiều thiết bị mà BV công chưa có, như thiết bị CT đa dãy, máy chụp cộng hưởng từ, máy siêu âm 3D, 4D, X-quang kỹ thuật số... Cơ chế hồi đó cũng không cho bác sĩ công - tư giao lưu, muốn khẳng định hoặc có bước tiến chuyên môn xa hơn, chúng tôi rất cần sự hỗ trợ của thiết bị mới. Vì vậy, tôi chấp nhận đi để thử sức ở môi trường mới.
Tám năm qua, tôi nghĩ mình đã quyết định đúng khi được tự do tìm tòi, tự do làm việc, có nơi thể hiện kinh nghiệm chuyên môn”- bác sĩ Vân chia sẻ.
GS.TS Nguyễn Thanh Liêm, giám đốc BV Đa khoa Vinmec (Hà Nội), từng làm giám đốc BV Nhi Trung ương gần 10 năm. Ông cho biết hầu hết trụ cột hiện nay của Vinmec đều từ BV công sang, trong đó có những người rất trẻ đã là phó trưởng khoa của BV Bạch Mai, có bác sĩ là trụ cột lĩnh vực ngoại của BV Xanh Pôn (Hà Nội).
“BV tư cũng có những áp lực, ví dụ những tai biến nhỏ hay vừa thì ở BV công ít người khiếu nại, còn ở đây chỉ cần một thái độ không niềm nở, một chút không hài lòng là hôm sau đã bị phàn nàn tơi bời trên mạng xã hội, uy tín BV bị ảnh hưởng ngay.
Rất nhiều bác sĩ của chúng tôi nói khi họ chuyển sang BV tư, áp lực ấy buộc họ hoàn thiện hơn, phải đọc sách, học thầy, học bạn để kỹ thuật tốt hơn. Dù mất không ít thời gian để hội nhập nhưng họ đều gọi đó là cuộc lột xác của bản thân”.
“Ở Pháp có đến 50% số BV là tư nhân, ở Mỹ con số này lên đến 80%, nhân lực y khoa ở BV công hay tư đều là phục vụ bệnh nhân. Khi số lượng BV tư tăng lên, thu hút được bệnh nhân thì mới có cạnh tranh công - tư về chất lượng dịch vụ.
Tôi rất mong cơ quan quản lý nhà nước tạo cơ chế cho hệ thống BV tư, chúng tôi cũng phục vụ người bệnh nhưng Nhà nước không phải đầu tư trang thiết bị, con người, trả lương...” - ông Liêm nói.
Thu nhập của bác sĩ ở BV tư cùng trình độ chuyên môn không khác biệt nhiều, nhưng ở BV công phải theo khung bậc của Nhà nước. Chỉ một số ít bác sĩ ngoại khoa có thu nhập cao hơn các bác sĩ khác nếu người đó rất giỏi, làm phẫu thuật, thủ thuật nhiều và tham gia mổ dịch vụ.
Đa số bác sĩ làm ở BV công, nhất là bác sĩ nội khoa, có thu nhập thua xa bác sĩ ở BV tư.
Toàn ngành y tế TP.HCM có khoảng 44.000 người, trong đó 85% nhân lực làm việc ở cơ sở y tế công, 15% nhân lực làm việc ở cơ sở y tế tư. Toàn TP có 106 BV, trong đó có 39 BV ngoài công lập.
Xin cơ chế thu hút đặc thù
Theo đề án quy hoạch phát triển nguồn nhân lực y tế thời kỳ 2011-2020 và định hướng đến năm 2025 của ngành y tế TP.HCM, khủng hoảng nhân lực làm cho dòng chảy nhân lực ngày càng nhanh và mạnh hơn từ khu vực y tế công sang y tế tư; từ hệ thống dự phòng sang hệ thống điều trị; từ vùng sâu, vùng khó khăn về đô thị.Theo đề án, dự báo hằng năm nhu cầu tuyển thêm nhân lực để bù đắp số người về hưu, nghỉ việc, chuyển công tác (ước tính khoảng 5%), và để tăng trưởng (ước tính khoảng 5%) cộng với 10% số cán bộ y tế làm việc trong lĩnh vực y tế tư nhân thì số cán bộ y tế cần thêm hằng năm là 20%, tương ứng khoảng 7.394 người.Một trong những phương án đề xuất là xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù để thu hút nguồn nhân lực y tế có chất lượng cao (bác sĩ nội trú, thạc sĩ, tiến sĩ...), có năng lực và kinh nghiệm về công tác tại các cơ sở y tế công lập.
UBND TP.HCM đã có chủ trương đẩy mạnh đào tạo bác sĩ bằng việc tăng chỉ tiêu tuyển sinh cho ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch. Năm 2014, trường này tuyển sinh 1.000 sinh viên, sắp tới sẽ tăng chỉ tiêu lên 1.200 sinh viên/năm.
Như vậy, trong khoảng 5-6 năm tới, nguồn nhân lực y tế của TP sẽ cơ bản đáp ứng đủ cho các BV. Khi đó có thể còn diễn ra sự cạnh tranh rất lớn về nhân lực khi xin việc.Ở góc độ quản lý con người, việc giữ được cán bộ giỏi ở BV công có rất nhiều yếu tố. Nếu nói vì thu nhập thấp mà cán bộ giỏi nghỉ việc là chưa đúng, do đa số bác sĩ có thu nhập thêm từ phòng mạch ngoài giờ. Khi có cán bộ chủ chốt, bác sĩ giỏi nghỉ việc, phải xem xét yếu tố môi trường làm việc, xem họ có được tạo điều kiện nghiên cứu, học tập, giảng dạy không...Có bác sĩ từng nói nếu giám đốc A còn làm việc, họ sẽ ở lại BV vì giám đốc cũ đã tạo môi trường làm việc tốt, ổn định, giám đốc khác về mà không giữ được môi trường làm việc như cũ, họ sẽ đi.Nguồn nhân lực y tế giỏi của TP không phải là quá ít. Khi một cán bộ giỏi ra đi, BV công đó sẽ có khó khăn nhất định trong một thời gian nhưng không đến nỗi quá hẫng hụt nếu vận dụng tốt nguyên tắc “lớn hơn 1” đối với những vị trí quan trọng của BV.Trong tương lai, nếu Bộ Y tế, Bộ Nội vụ có quy định tạo điều kiện cho người có trình độ chuyên gia làm việc cùng lúc ở cả BV công và tư thì nguồn nhân lực giỏi sẽ được tận dụng tối đa để phục vụ người bệnh dù họ đến khám chữa bệnh ở đâu.TS.BS TĂNG CHÍ THƯỢNG (phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM)
Theo Tuổi Trẻ
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo