Xã hội

Người Hà Nội nô nức lên chùa trong đêm Giao thừa

Đã trở thành thông lệ, người Hà Nội bao giờ cũng lên chùa làm lễ trong đêm Giao thừa. Không chỉ đơn thuần là cầu tài cầu lộc, mà quan trọng hơn, đó là cách để mỗi người cảm thấy thư thái, nhẹ nhàng mong chờ một năm mới an lành.

Dạo một vòng chùa Quán Sứ, Trấn Quốc, chùa Linh Ứng, theo ghi nhận, đều thấy các điểm thờ tự này trang hoàng đèn nến sáng trưng, mở cửa từ sớm đón khách du xuân lễ chùa cầu phúc, cầu an lành, may mắn cho gia đình.

Tại chùa Quán Sứ, bên cạnh những ông, bà lớn tuổi là từng đôi nam, thanh nữ tú vào chùa lễ phật cầu an. Bác Khoa, (phường Đông Mác) đi lễ tại chùa cho biết, năm nào cũng vậy, cứ tối trừ tịch là cả nhà bác gồm con trai, con gái, dâu rể, các cháu tụ họp lại để cùng đi lễ chùa.

Bác nói: “Tôi không buôn bán cũng chẳng kinh doanh, đi lễ chùa không cầu tài cầu lộc gì cho mình, chỉ cầu xin bình an cho toàn gia tộc. Tôi muốn các con, các cháu cùng đi, không phải là đi cho vui, mà để cho các con, nhất là các cháu hiểu được đây là truyền thống văn hóa của dân tộc, hiểu được rằng “bình an” là điều vô cùng hệ trọng và cần thiết. Quan trọng hơn, đi chùa để tâm mình được an, tâm có an thì đời mới an được.”

Tại chùa Linh Ứng (Trương Định, Hoàng Mai) cùng hàng ngàn Phật tử khác, bà Đỗ Thị Tuyết ở Cẩm Hội, Hai Bà Trưng, Hà Nội cùng cả gia đình đến cầu phúc cầu an. Bà Tuyết cho biết, nhà cũng không cách xa chùa nên muốn đến chùa làm lễ cầu phúc, tạ ơn, cầu an lành. Sau đó về cúng Giao thừa rồi mừng tuổi cho các con, cháu; và các con, cháu cũng sẽ mừng tuổi và chúc Tết ông bà.

Đầu năm mới, ước nguyện của bà Tuyết là cầu xin cho cả gia đình mạnh khỏe, gặp nhiều may mắn. Một đôi bạn trẻ đến từ phố Trần Khát Chân cho biết: Năm ngoái, sau khi xem xong pháo hoa, bọn em phải chen mãi tới gần 2 giờ sáng mới vào được đến sân chùa. Năm nay, bọn em rút kinh nghiệm vào đây sớm đi lễ chùa rồi xem pháo hoa. Đây là mong muốn của hai bọn em”.

Sư cụ Thích Đàm Thu, trụ trì chùa Linh Ứng cho biết từ trước Tết gần nửa tháng, nhà chùa lúc nào cũng đông nghịt người đến làm lễ tạ năm cũ và đăng ký giải hạn. Cũng như các năm trước, 10 giờ đêm là nhà chùa làm Lễ cúng giao thừa, cầu cho cho quốc thái dân an.

Sư cụ cho hay: Người Việt Nam thường cúng giao thừa đúng 12 giờ đêm, nhưng ở chùa, giao thừa vào lúc 11 giờ, vì đây là giao giữa giờ Hợi và giờ Tý. Các Phật tử đến lễ rất đông, kể cả sau giao thừa tại nhà, cũng có rất đông người đến chùa cầu bình an. Nhà chùa tổ chức khóa Lễ cho các Phật tử đón giao thừa, cầu cho quốc thái dân an, mọi người no ấm.

 

 

Đoàn Huế (Theo TTXVN)

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo