Người hai lần đặt cược ghế Tổng giám đốc
Cam kết từ chức trong… lễ nhậm chức
“Tất cả những gì tôi có được ngày hôm nay, từ của cải, chức vụ, đến cả vợ, con, đều là nhờ Thăng Long” - ông Hiếu mở đầu ngắn ngọn. Mà đúng thế thật. Từ khi còn là chàng kỹ sư cầu hầm lơ ngơ vừa rời trường Đại học Giao thông - Vận tải, trở thành người của Thăng Long đúng năm Xí nghiệp Liên hợp cầu Thăng Long khánh thành cây cầu Thăng Long lịch sử (năm 1985) cho đến nay, ông “chưa một ngày rời Thăng Long” - theo cách nói của ông.
Từ một kỹ thuật viên, đến Đội phó, Đội trưởng, Phó giám đốc, rồi Phó tổng giám đốc và nay là Tổng giám đốc, ông đều được ghi nhận ở Thăng Long. Đến cả người vợ hiền và gia đình ấm cúng, cũng là do công việc ở Thăng Long mà nên duyên
Thời điểm ấy, tình hình hoạt động của Tổng công ty không tốt, sức mạnh nội bộ không thống nhất, nên dù quyết tâm cao, ông vẫn có những lo lắng nhất định. Nhưng với suy nghĩ sẵn sàng để người giỏi hơn làm việc, ông đã không ngần ngại mang cương vị Tổng giám đốc được nhiều người mơ ước ấy ra để cam kết.
Sau này, ông Hiếu vẫn nhớ như in câu nói ngắn gọn của Thứ trưởng Ngô Thịnh Đức khi gặp lại: “Ừ, cậu làm được”. Không có mỹ từ nào, nhưng ông bảo, thế là ấm lòng, là biết được niềm tin mà mọi người dành cho mình.
Sau gần 5 năm, lần thứ hai, ông lại mang ghế… Tổng giám đốc ra “đặt cược” với tiến độ dự án. Tháng 8/2011, Bộ trưởng Đinh La Thăng họp với các đơn vị về việc đẩy nhanh tiến độ Dự án 3B, đường vành đai 3 giai đoạn 2 (cầu vượt đoạn gần đường Khuất Duy Tiến), do Tổng công ty Xây dựng Thăng Long là tổng thầu thi công, ông cũng cam kết với Bộ trưởng sẽ về đích đúng hạn, thậm chí vượt tiến độ, nếu không, “trên bàn Bộ trưởng sẽ có đơn từ chức của tôi”.
Về Công ty, anh em cũng băn khoăn thay cho ông. Bởi lẽ, lâu nay các dự án giao thông về đúng tiến độ đã là mừng, nói gì vượt tiến độ. Các khó khăn đủ bề, nhất là về vốn và mặt bằng luôn là nỗi khiếp sợ của các đơn vị thi công. Thậm chí, có người biết việc, gọi điện cho ông, nói “mát” rằng, chắc ông định chơi trội, định trở thành “người hùng”.
Nhưng với hàng chục năm gắn bó với các công trình cầu trên cả nước, lại được trui rèn, trưởng thành qua từng vị trí công việc về làm cầu, ông Hiếu khẳng định, cam kết đó hoàn toàn có cơ sở.
“Tôi đưa ra hai điều kiện về việc ứng thêm 10% vốn và thưởng tiến độ để có kinh phí huy động thiết bị, máy móc, được Bộ trưởng đồng ý, nên tôi cam kết sẽ làm được. Ngay sau đó, Công ty sắp xếp lại cán bộ, đầu tư máy móc, thiết bị cho Dự án. Đến giờ, có thể nói chắc chắn rằng, Dự án 3B đường vành đai 3 sẽ về đích đúng hạn, thậm chí trước thời hạn 30/6/2012”, ông Hiếu cho biết.
Đột phá trong đột phá
Thực ra, đó không phải là lần đầu tiên Tổng công ty Xây dựng Thăng Long đạt được quyết tâm vượt tiến độ. Ngay trước Tết Nhâm Thìn, Tổng công ty cũng đã thông xe kỹ thuật cầu Phù Đổng, dù ngày 30/6/2011, Công ty mới được bàn giao nốt 400 m mặt bằng cuối cùng và theo cam kết, phải 20 tháng kể từ khi được giao toàn bộ mặt bằng, Công ty mới phải bàn giao công trình. Theo Tổng giám đốc Phan Quốc Hiếu, đó là nhờ quản lý tiến độ theo quy trình khoa học, chặt chẽ, có thưởng, phạt nghiêm minh.
Ngay như ở Dự án đường vành đai 3B giai đoạn 2 nói trên, Tổng công ty đã thưởng gần 500 triệu đồng tiền vượt tiến độ, đồng thời cũng phạt nhiều đơn vị chậm tiến độ. Mới đây nhất, hôm mùng 8 tháng Giêng, lãnh đạo Tổng công ty đã mang 50 triệu đồng xuống tận công trường, thưởng cho công nhân Công ty Hải Ánh do đã xuất quân ngày mùng 4 Tết và bắt tay làm việc ngay, thực hiện vượt tiến độ đúc, vận chuyển và lắp ráp dầm cầu.
Chính việc “thưởng mang tới tận tay, phạt thông báo tận nơi” ấy đã tạo động lực thực sự để cán bộ, kỹ sư, công nhân làm việc hiệu quả nhất.
Nhưng mấu chốt để vừa đạt được tiến độ, vừa đảm bảo chất lượng, theo ông Hiếu, quan trọng nhất vẫn là con người. Tâm đắc với căn dặn của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng với cán bộ, công nhân công ty, rằng “xây dựng xong những chiếc cầu là quý, nhưng chưa quý bằng đào tạo nên đội ngũ cán bộ, công nhân tinh thông nghề nghiệp”, ông bảo, phải mạnh dạn sử dụng đội ngũ trẻ, tạo điều kiện để họ tiếp cận công nghệ hiện đại.
Khi còn là cán bộ của công ty tư vấn thiết kế, ông đã tham gia thiết kế thành công dầm thép 50 m đầu tiên ở Việt Nam, sau đó lại được điều sang Công ty Cơ khí 4 để trực tiếp chế tạo dầm thép ấy, sử dụng cho công trình cầu Việt Trì, ông rất hiểu tầm quan trọng của khoa học, kỹ thuật trong ngành làm cầu.
Đó là cơ sở để lãnh đạo Công ty quyết định, trong năm 2012, ngoài mục tiêu giữ ổn định hoạt động sản xuất, nâng cao một bước đời sống cán bộ, nhân viên, Công ty sẽ tiếp tục cử nhiều cán bộ trẻ đi tu nghiệp nước ngoài, đặc biệt là sang Nhật Bản tiếp thu kỹ thuật làm dầm thép và hầm ngầm, để đón đầu những công trình mới của Tổng công ty.
“Đại hội XI của Đảng đã xác định 3 khâu đột phá, gồm hạ tầng, cơ chế và nhân lực. Chính vì thế, đầu tư cho cán bộ, kỹ thuật trình độ cao của ngành giao thông để có được những công trình hạ tầng tốt nhất chính là đột phá trong đột phá, cũng sẽ là hướng đi bền vững của ngành”, Tổng giám đốc Phan Quốc Hiếu tâm huyết.
Có lẽ, không phải hoài nghi về chia sẻ đó của vị Tổng giám đốc. Bởi lẽ, đến nay, Công ty đã và đang tiếp tục áp dụng những chính sách rất thực tế nhằm khuyến khích đội ngũ cán bộ kỹ thuật có trình độ cao. Tổng công ty Thăng Long có nhà tập thể dành cho cán bộ kỹ thuật, tất nhiên là thuê… miễn phí; được bố trí toàn bộ kinh phí tu nghiệp, được tạo các bản khoán riêng để có thêm thu nhập chính đáng…
Nốt trầm người thợ cầu
Tên tuổi của Xí nghiệp Liên hiệp cầu Thăng Long xưa, nay là Tổng công ty Xây dựng Thăng Long đã gắn với nhiều cây cầu danh tiếng trên cả nước, như cầu Chương Dương, Bến Thủy, Việt Trì, cầu Sông Gianh, cầu Kiền, Yên Lệnh, Trung Hà và gần đây như Vĩnh Tuy, Thanh Trì, cả những cây cầu trên nước bạn Lào… Góp mình trong hành trình đó gần 30 năm, Tổng giám đốc Phan Quốc Hiếu không khỏi có những băn khoăn, trăn trở.
Ấy là những sự cố xảy ra đây đó trên công trường, do sự chủ quan, sự hạn chế trong quản lý mà ông từng nhiều lần trực tiếp đi xử lý. Là đời sống còn khó khăn của người thợ cầu, như câu nói của người đi trước, “ráo mồ hôi là hết tiền”, lại luôn rong ruổi đó đây. Như bản thân ông, mỗi ngày cũng chỉ ngồi giải quyết công việc ở văn phòng tối đa đến 10 giờ sáng, còn lại là đi kiểm tra ở công trường.
Ông bảo, đến giờ, câu nói ấy vẫn chưa hết “vận” vào người thợ cầu, bởi cách tính đơn giá xây dựng cơ bản hiện nay chưa tương xứng với trí tuệ, mồ hôi của người kỹ sư, công nhân làm cầu. Ví như, một công trình từ khi có chủ trương đầu tư, đến khi hoàn thành, ít cũng 5 – 6 năm. Với mức lạm phát vài năm qua, thì đơn giá lúc hoàn thành đã “chấp” mọi phương pháp tính trượt giá của các cơ quan chuyên môn.
“Cuộc sống của người làm cầu còn nhiều vất vả, nên chuyện tôi cam kết từ chức nếu không hoàn thành công việc cũng chỉ là bình thường, là mở đường để người khác có thể làm tốt hơn giúp đơn vị đi lên. Thử tính xem, không lo được cuộc sống ổn định cho gần 4.600 cán bộ, nhân viên của chúng tôi, thì chí ít cũng ảnh hưởng tới cuộc sống của gấp 3 lần số ấy, gồm cả vợ, con họ. Nếu làm không được, thì từ chức mà cuộc sống của họ tốt lên, tại sao lại không làm?”, Tổng giám đốc Phan Quốc Hiếu như trầm hơn.
Theo baodautu.vn
End of content
Không có tin nào tiếp theo