Người Hồi ở Trung Quốc gia nhập quân nổi dậy Syria
Theo tờ báo trên, hai nhóm người Duy Ngô Nhĩ ly khai ở Tân Cương đã tổ chức đưa người sang Syria từ tháng 5 năm nay, đó là Phong trào Hồi giáo Đông Thổ Nhĩ Kỳ và Hiệp hội Thống nhất và giáo dục Đông Thổ Nhĩ Kỳ.
Dẫn lời các cơ quan chống khủng bố Trung Quốc, Thời báo Hoàn cầu cho biết: “Sau khi nhận lệnh từ al-Qaeda, các phần tử khủng bố từ Trung Quốc đến Syria, được cung cấp vũ khí và chiến đấu ở tuyến đầu cùng al-Qaeda và các nhóm cực đoan khác”.
Quân nổi dậy Syria tại Idlib.
Dù thông tin về các chiến binh nước ngoài tham chiến tại Syria thường xuất hiện nhưng đây là lần đầu tiên người Hồi ở Trung Quốc được đề cập. Các chiến binh người Duy Ngô Nhĩ này lâu nay vẫn đấu tranh đòi ly khai cho khu tự trị Tân Cương, ở Tây Bắc Trung Quốc, để thành lập nhà nước Hồi giáo riêng.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi ngày 29-10 xác nhận thông tin của Thời báo Hoàn cầu và kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ để đối phó với các nhóm ly khai ở Tân Cương. “Những nhóm này không chỉ phá hoại an ninh quốc gia Trung Quốc mà còn đe dọa hòa bình và ổn định của các nước khác” – ông Hồng nhấn mạnh trong một cuộc họp báo thường kỳ.
Theo chuyên gia chống khủng bố Li Wei của Trung Quốc, các chiến binh Duy Ngô Nhĩ từng có mặt trong cuộc xung đột ở Chechnya và Afghanistan, đồng thời duy trì ảnh hưởng trong cộng đồng Hồi giáo từ Đông Nam Á đến Trung Đông.
Trong khi đó, Đại sứ Syria tại Trung Quốc Imad Moustapha nói không rõ về hoạt động của các nhóm vũ trang người Duy Ngô Nhĩ song khẳng định nhiều chiến binh nước ngoài đến Syria và giao chiến dọc biên giới nước này với Thổ Nhĩ Kỳ với sự dung túng của Ankara. Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ tại Trung Quốc Murat Salim Esenli lập tức lên tiếng phủ nhận cáo buộc trên.
Tìm kiếm nạn nhân sau khi bị ném bom ở Idlib.
Cùng ngày 29-10, một vụ đánh bom xe bên ngoài một hiệu bánh ở khu Jaramana ngoại ô Damascus làm 10 người thiệt mạng và 41 người khác bị thương. Vụ đánh bom thứ hai ở quận al-Hajar al-Aswad hiện vẫn chưa rõ thương vong, đài truyền hình Syria cho biết.
Lệnh ngừng bắn do Liên Hiệp Quốc nỗ lực làm trung gian nhân lễ Eid al-Adha, kết thúc trong ngày 29-10, đã hoàn toàn đổ vỡ với hàng loạt vụ đánh bom và không kích trên cả nước. Theo đài BBC, có đến hơn 420 người thiệt mạng trong 4 ngày “ngừng bắn”.
Hồng Lĩnh (Theo Người Lao Động)
End of content
Không có tin nào tiếp theo