Chân dung

Người khôi phục nghề tranh thêu tay truyền thống xứ Thanh

(DNHN) Mở đầu năm mới 2013, chúng tôi được chị Vũ Thị Hợp - Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân thêu Thanh Xuân (phường Nam Ngạn, thành phố Thanh Hóa) dẫn dắt đến phòng tranh thêu do bàn tay chị và công nhân làm ra.

Mỗi bức tranh là một màu sắc, mỗi công trình mỹ thuật độc đáo, đậm đà bản sắc dân tộc. Tranh con đường làng quê thân thuộc, lũy tre làng rợp bóng, tranh thành nhà Hồ uy nghiêm và những bông sen ngát thơm, chim hạc đầy uy linh…

Những bức tranh thêu của chị Hợp không chỉ có mặt ở trong tỉnh, trong nước mà nhiều năm qua đã bay sang nhiều nước tận trời Âu: Nga, Mỹ, Tiệp Khắc và nhiều nước châu Á khác: Nhật Bản, Hàn Quốc..

Tranh thêu mang thương hiệu Thanh Xuân đã mở ra làng nghề khá độc đáo. Cho đến thời điểm này, cả thành phố Thanh Hóa và trong tỉnh không có mấy làng thêu tranh độc đáo như Doanh nghiệp Thanh Xuân. Vì hết thảy những bức tranh thêu ở đây đều chứa đựng biết bao công sức của người thợ tài hoa và đã khắc đậm cả không gian, thời gian mà chị Hợp đã dày công mở nghề.

 

 



40 năm về trước chị Hợp đã “bén duyên” với nghề lúc nào không hay. Từ một cô học viên xinh đẹp chị đã trở thành cô giáo của HTX thêu Thanh Xuân. Được sự tín nhiệm cao của ban lãnh đạo HTX, chị cùng với một số giáo viên đã nhận đào tạo cho 1.000 xã viên, nhờ niềm đam mê với nghề, cùng với đôi bàn tay khéo léo, tỉ mỉ đến từng đường thêu, sợi chỉ, chị đã cùng 1.000 xã viên làm nên những sản phẩm thêu tuyệt mỹ, làm đến đâu thì đều được thị trường Liên Xô, Đông Âu tiêu thụ tới đó. Đến những năm 90 khi Liên Xô và một số nước Đông Âu sụp đổ, không chỉ thị trường tranh thêu lâm vào bế tắc mà cả những nghề truyền thống khác cũng nan giải tìm đầu ra, rất nhiều xã viên chán nản bỏ nghề. Nghề thêu có nguy cơ bị mai một dần.

Nhận thấy nghề thêu có nguy cơ bị thất truyền, năm 1998 chị Hợp đã quyết tâm khôi phục lại nghề bằng cách tách ra thành lập Doanh nghiệp tư nhân thêu Thanh Xuân (lấy lại tên HTX cũ). Đến năm 2006 Doanh nghiệp chính thức đi vào hoạt động. Đây là năm có bước ngoặt và dấu ấn lớn trong cuộc đời của chị. Từ đây chị đã có “sân chơi riêng” cho mình, được thỏa sức với niềm đam mê sáng tạo nghệ thuật. Đúng như lời chị nói “Tôi khôi phục lại nghề chỉ vì niềm đam mê quá lớn với nó”.

Ngày đầu thành lập, Doanh nghiệp gặp vô vàn khó khăn, thử thách. Công việc đầu tiên chị làm là tìm đầu ra cho sản phẩm, một mình chị vào Nam ra Bắc để tìm bạn hàng, đi đến đâu chị cũng đều nhận được cái lắc đầu từ đối tác. Không nản lòng, chị quyết tâm tìm đến Công ty XQ Đà Lạt, đây là Công ty có tiếng trong lĩnh vực thêu tranh nghệ thuật nhưng để thuyết phục họ đứng ra thu mua sản phẩm thì quả là điều không phải dễ dàng, chị buộc phải trải qua thử thách nữa đó là phải thêu được một bức tranh theo yêu cầu khách hàng và đẹp lòng mọi người. Chị kể “Hôm đó nhận hàng về, đến 2h sáng mà vẫn chưa nghĩ ra cách nào để làm, hoang mang, lo lắng tưởng như sắp bỏ cuộc nhưng nghĩ đến hai chữ “nghề thêu” chị đã tìm ra “công thức mới”. Chị đã thêu bức tranh hoàn mỹ khiến cho đối tác rất hài lòng và chính thức ký kết hợp đồng. Công ty đã giải quyết được một vấn đề quan trọng là thị trường tiêu thụ, còn điều chị quan tâm nữa là nguồn nhân lực, những người bạn năm xưa của chị giờ không còn mấy người mặn mà với thêu thùa hoặc do hoàn cảnh gia đình, họ buộc phải kiếm nghề khác, việc tìm người mới khiến chị nhiều đêm trăn trở. Cuối cùng chị quyết định mở lớp dạy nghề, ngày nào chị cũng đứng lớp, dạy cho công nhân từng đường kim sợi chỉ, các thao tác pha chế màu, vẽ, săm, in mầu, soạn chỉ, chỗ nào đòi hỏi kỹ thuật cao thì chị đều đứng ra làm. Với sự nỗ lực không mệt mỏi, chị và đội ngũ công nhân đã “sinh ra những đứa con tinh thần” đầu tiên được thị trường trong nước và thế giới đón nhận.

Giờ đây, xưởng thêu của chị Hợp có hơn 100 nhân công lao động chính thức, lao động thời vụ nằm rải rác ở các huyện, xã: Như Thanh, Như Xuân, Quảng Xương, Sầm Sơn, Thiệu Hóa, Đông Hải, Quảng Hưng… hàng năm thu về từ 2 -3 tỷ đồng, mức thu nhập bình quân của người lao động từ 2 -3 triệu đồng.. Những người làm tại cơ sở chính của chị đều là con em thương bệnh binh, những người khuyết tật (câm, điếc). Chị tâm sự: “các em ở đây ai cũng có hoàn cảnh đáng thương, dù khuyết tật nhưng các em thêu đẹp lắm”. Với những hành động mang tính nhân văn cao cả đó, chị đã được các cấp lãnh đạo tỉnh khen thưởng, nhận được nhiều sự động viên khích lệ từ bạn bè, đồng nghiệp, xã hội. Điều đặc biệt, Doanh nghiệp vừa mới thành lập năm 2006 thì đến năm 2007 đã vinh dự được nhận Huy chương vàng về Chất lượng sản phẩm tại Hội chợ Thương mại TP. Hồ Chí Minh, đạt giải sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu năm 2008 tại Hải Phòng. Năm 2009 đạt cúp vàng do tỉnh Thanh Hóa trao tặng.

Năm mới 2013, chị Hợp đã nhận được quyết định của Trung ương Hiệp hội Làng nghề Việt Nam phong chị là Nghệ nhân nghề thêu. Đây không chỉ là niềm tự hào của chị, gia đình mà còn là niềm tự hào, niềm vui chung của cả Tỉnh. Chắc chắn rằng tương lai của những năm tiếp theo chị Hợp sẽ không dừng lại ở đây mà còn phấn đấu nhân cấy thêm nhiều nghề mới, đưa những bức tranh đậm đà bản sắc xứ Thanh bay xa, bay cao khắp trời Âu – Á.

 

 

Nguyên Huệ - Phương Giang

                                                                           

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo