Người không cầm tiền
Đón đầu thị trường
Gặp Nguyễn Trọng Khang tại TP.HCM, cái se lạnh cuối năm của đất phương Nam khiến anh thoải mái hẳn dù có rất nhiều công việc cần giải quyết ở chi nhánh miền Nam của MK Group.
“Tôi thích nơi này, nếu không có sự cố, có lẽ gia đình tôi đã định cư ở TP.HCM”, anh bảo vậy.
Là một trong những người thuộc thế hệ du học sinh cuối cùng theo chương trình đào tạo liên kết giữa Việt Nam và Liên Xô, khi liên bang tan rã, thay vì ở lại, đi buôn như phần lớn những người cùng cảnh ngộ, Nguyễn Trọng Khang lại chọn con đường trở về Việt Nam, kiên trì, học tiếp vì lý do: “Dù đã học xong, tôi vẫn muốn trở về sống tại quê hương”.
Thích sống tại Việt Nam nhưng số phận lại đưa Nguyễn Trọng Khang sang Malaysia làm việc năm năm ròng và sau đó là sang Mỹ, học thạc sĩ quản trị kinh doanh tại Đại học Boise State.
Anh cho biết, đây là quá trình anh nắm bắt cơ hội để tích lũy kiến thức nền tảng cho mình. “Không thể phủ nhận Việt Nam còn đi sau các nước phát triển trên thế giới, tôi chọn cách đi ra ngoài để có thể thấy điều gì đang là xu hướng và cơ hội cho mình”, Khang nói thêm.
Trở về Việt Nam, anh và gia đình chọn TP.HCM làm đất lập nghiệp để có thể sống trong không gian năng động của thành phố này. Chân ướt chân ráo, vợ anh không may bị giật túi xách trên đường.
Điều này khiến gia đình anh quyết định về Hà Nội nhưng lại làm tăng quyết tâm trong anh. Anh bảo, thói quen giao dịch tiền mặt và mang theo nhiều tiền mặt trong người cũng là một trong những lý do dẫn đến hiện tượng cướp giật túi xách ngày đó xảy ra khá nhiều.
Bên cạnh đó, tại các khách sạn lớn, tòa nhà..., công tác bảo vệ phòng đều dựa vào khóa thủ công, rất ít nơi áp dụng thẻ từ. Công ty MK của Nguyễn Trọng Khang ra đời với mục đích đón đầu thị trường thẻ tại Việt Nam, vì lẽ đó.
Xây chuyên sâu, tạo khác biệt
Khát khao của người làm chủ kết hợp với yếu tố thị trường hấp dẫn như thế giúp Nguyễn Trọng Khang tìm được những người cùng chí hướng. Đó là những người bạn cùng học với anh tại Mỹ, sẵn sàng góp vốn cùng anh gây dựng sự nghiệp.
Bốn năm sau ngày khởi nghiệp, 2003, Nguyễn Trọng Khang đã có thể đưa vào sử dụng nhà máy sản xuất các loại thẻ như: thẻ chip, thẻ SIM, thẻ cào, thẻ từ, thẻ cảm ứng... đáp ứng mọi nhu cầu về bảo mật và an toàn của các tổ chức quốc tế do MK Smart, công ty thành viên MK Group, điều hành.
Với vốn đầu tư hơn 150 tỷ đồng, Công ty Cổ phần Thông minh MK hiện là nhà sản xuất thẻ lớn nhất Việt Nam, có khả năng sản xuất hơn 100 triệu thẻ/năm và cá thể hóa tới 60.000 thẻ/ngày. Đáng chú ý là dây chuyền sản xuất này được Tổ chức MasterCard và Visa cấp chứng nhận dành cho những nhà sản xuất và cung cấp, cá thể hóa thẻ tài chính.
“Điều này đồng nghĩa với việc những chiếc thẻ “made in Việt Nam” này có thể sử dụng trên toàn thế giới với khả năng bảo mật tương đương với các nhà sản xuất lớn của thế giới”.
“Chúng tôi không kinh doanh thẻ, mà là kinh doanh giải pháp”, Nguyễn Trọng Khang khẳng định. Theo “ông vua thẻ” của Việt Nam này, sản xuất chỉ là phần thô, muốn cạnh tranh trên thị trường thế giới, phải dùng đến phần “tinh” là những giải pháp bảo mật đi kèm với sản phẩm thẻ.
Đó chính là lý do Nguyễn Trọng Khang chú trọng đầu tư cho công tác nghiên cứu. Không chỉ ở Việt Nam, anh tổ chức các nhóm nghiên cứu, phát triển sản phẩm vệ tinh đặt ở Nga, Nam Phi, Thụy Điển... để khai thác chất xám và công nghệ của thế giới.
“Trong thế giới phẳng, không nghiên cứu chuyên sâu, không tạo được khác biệt thì khó lòng bứt phá”, anh khẳng định.
Nỗi lo tiềm năng không khai phá
Theo Nguyễn Trọng Khang, cũng chính nhờ khác biệt mà công ty thu hút được đầu tư từ các quỹ tài chính lớn như IDG, Mekong... “Ngành công nghiệp thẻ ở Việt Nam chỉ mới ở giai đoạn bắt đầu, 70% dân số vẫn chưa biết dùng đến các dịch vụ tài chính.
Ở khía cạnh ngân hàng, công tác xác thực bảo mật vẫn còn có quá nhiều kẽ hở khi dựa vào CMND... Mọi tiềm năng đều còn chờ người khai phá”, anh nhận định.
Bên cạnh thẻ thông minh cho ngân hàng, số lượng thuê bao di động tại Việt Nam hiện nay cũng là một thị trường hấp dẫn cho những đơn vị sản xuất như MK. Đáng tiếc, 70% SIM card Việt Nam đang có mặt trên thị trường đều nhập khẩu từ Trung Quốc. “Thị trường hấp dẫn nhưng cũng tồn tại rất nhiều thách thức”, Nguyễn Trọng Khang chia sẻ.
Vì điều này mà ngay trong giai đoạn kinh tế được xem là khó khăn như hiện nay, anh vẫn không ngừng đầu tư vào phát triển công nghệ. Anh bảo, ước mơ của anh là có thể đưa ra thị trường những SIM card 1 SIM nhưng 2 số, lưu hơn 1.000 danh bạ và tích hợp luôn cả thanh toán điện tử...
Nhưng, để tiến đến được điều này, MK phải thuyết phục được những nhà cung cấp dịch vụ. Hơn 20% thị phần SIM card tiêu thụ trong nước đã thuộc về MK Group nhờ bước đi chiến lược và thuyết phục là công nghệ. Vẫn còn đó nhiều con đường cho MK phát triển, không chỉ ở Việt Nam mà còn ở thế giới, bởi Nguyễn Trọng Khang tin khi mình đã mang đến sản phẩm tốt cho thị trường, không lý nào mình lại bị chối từ.
Theo DNSG
End of content
Không có tin nào tiếp theo