Người lao động đóng BHXH theo mức tiền lương nào?
Theo ý kiến của cử tri tỉnh Bình Dương gửi đến Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII, hiện nay có bất cập là mức lương tối thiểu của người lao động, đặc biệt là công nhân rất thấp so với mức lương tổng (có phụ cấp thêm), trong khi đó mức lương tối thiểu này được dùng để người lao động tham gia BHXH và là cơ sở để tính các khoản trợ cấp (trong đó có trợ cấp thai sản) và lương hưu sau này, như vậy sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động khi nghỉ hưu.
Cử tri tỉnh Bình Dương đề nghị nên điều chỉnh mức lương tối thiểu hiện hành hoặc chỉ áp dụng việc tính nộp BHXH trên tổng tiền lương để người lao động được đảm bảo quyền lợi sau này.
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trả lời ý kiến cử tri tỉnh Bình Dương như sau:
Theo quy định tại khoản 2 Điều 94 Luật BHXH năm 2006 thì: “Đối với người lao động đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tiền lương, tiền công tháng đóng BHXH là mức tiền lương, tiền công ghi trong hợp đồng lao động”.
Khoản 1 Điều 90 và điểm d khoản 1 Điều 23 Bộ Luật Lao động năm 2012 quy định “tiền lương bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác” và hợp đồng lao động phải có nội dung “mức lương, hình thức trả lương, thời hạn trả lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác”.
Đối chiếu với quy định của Bộ Luật lao động năm 2012 và Luật BHXH nêu trên thì từ ngày 1/5/2013, tiền lương tháng đóng BHXH đối với người lao động đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định là mức tiền lương ghi trong hợp đồng lao động bao gồm mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.
Như vậy, theo quy định của pháp luật hiện hành thì mức tiền lương làm căn cứ tính đóng và hưởng BHXH đã được quy định dựa trên cơ sở tổng thu nhập từ tiền lương của người lao động tham gia BHXH.
End of content
Không có tin nào tiếp theo