Người Malaysia bi quan, 60% người Việt giảm chi tiêu
Theo kết quả khảo sát mới nhất từ Công ty nghiên cứu Nielsen, tại thời điểm này người tiêu dùng Malaysia tự ti nhất trong khu vực, với niềm tin tiêu dùng trong quý 4-2014 dưới mức trung bình toàn cầu.
Có 4/6 nước tham gia khảo sát gồm Thái Lan, Malaysia, Việt Nam và Indonesia cho rằng quốc gia họ đang trải qua một cuộc suy thoái kinh tế. Vì thế tất cả đều hạn chế thói quen chi tiêu.
Người dân Thái Lan, Malaysia, Indonesia lo ngại nhiều nhất, trong khi Singapore và Philippines chia sẻ nỗi sợ về an ninh việc làm.
"Nhìn chung, niềm tin tiêu dùng trong khu vực vẫn tương đối ổn định", theo nhận định của chuyên gia Vishal Bali thuộc bộ phận Consumerisation Practice của Nielsen tại Đông Nam Á, Bắc Á và Thái Bình Dương.
"Người tiêu dùng Đông Nam Á vẫn tiếp tục đưa quốc gia họ nằm trong nhóm nước tự tin nhất thế giới. Chỉ trừ Malaysia rớt xuống mức tệ nhất tính từ quý 2-2009 vì người dân cảm thấy áp lực khi chính phủ áp dụng thuế hàng hóa và dịch vụ (GST) bắt đầu từ cuối năm 2015, và sự thiếu chắc chắn về khả năng tác động của loại thuế này lên giá cả hàng hóa và chi phí sinh hoạt".
Tuy nhiên, hơn 6/10 người tiêu dùng ở Malaysia (65%) và Philippines (62%) đang chi tiêu ít hơn cho việc mua sắm quần áo mới, trong khi có 60% người Việt Nam và 56% người Thái Lan cắt giảm hoạt động vui chơi giải trí để giảm chi tiêu hộ gia đình.
Ở các nước Đông Nam Á khác, người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu ở mảng nâng cấp công nghệ, chuyển sang dùng các thương hiệu tạp hóa rẻ tiền hơn, tiết kiệm xăng và điện, giảm nghỉ lễ…
Dù niềm tin tiêu dùng nhìn chung ổn định nhưng người dân Đông Nam Á vẫn bày tỏ lo ngại về các vấn đề an ninh, việc làm, sức khỏe nền kinh tế và những hệ lụy từ việc chi tiêu thận trọng của chính mình. "Đó là cảm giác tránh nợ phổ biến trong khu vực đến từ tình hình hạn chế tiêu tiền mạnh tay".
Kết quả nghiên cứu của Nielsen cũng tương đồng với cuộc khảo sát riêng biệt của Hãng phát hành thẻ tín dụng MasterCard hồi đầu tháng 1-2015 cho thấy mức độ tin cậy ở châu Á nhìn chung giảm sút, nhất là Malaysia. Tuy nhiên, trừ Malaysia, phần còn lại của Đông Nam Á vẫn có kết quả cao hơn mức trung bình thế giới, đặc biệt là Indonesia.
End of content
Không có tin nào tiếp theo