Chân dung

Người mở màn cho thế hệ đại gia Việt

Thị trường chứng khoán ghi nhận nhiều doanh nhân sở hữu hàng ngàn tỷ đồng nhưng người mở màn cho thế hệ đại gia này chính là ông Trương Gia Bình.

Người khai màn

Trước năm 2006, thị trường chứng khoán vẫn còn là mới mẻ với đại bộ phận người dân và giới kinh doanh, nhưng kể từ khi VN-Index bứt phá mạnh, các cổ phiếu niêm yết tăng giá chóng mặt, gấp đôi, thậm chí gấp 3 giá trị tài khoản của nhà đầu tư thì thị trường chứng khoán phổ biến tới mức bà bán ra ngoài đường cũng biết đến cổ phiếu.

Ngày đó, giới đầu tư thuộc lòng những cổ phiếu “đời đầu” như SAM, REE, STB, ITA và đặc biệt là FPT.

Cổ phiếu FPT của Tập đoàn FPT (ngày đó là Công ty cổ phần đầu tư công nghệ FPT) chào sàn ngày 13/12/2006 với 60,8 triệu cổ phiếu, tương đương 608 tỷ đồng giao dịch trên sàn chứng khoán Tp.HCM. Đây được xem là sự kiện nổi bật trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

FPT là công ty thứ 68 niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán và là doanh nghiệp đầu tiên trong lĩnh vực công nghệ thông tin lên sàn. Vì vậy, FPT nhanh chóng nhận được sự quan tâm của nhà đầu tư.

Ông Trương Gia Bình  (Ảnh internet)

Kết thúc phiên giao dịch ngày 13/12, cổ phiếu FPT đóng cửa ở mức giá 400.000 đồng/cp, khá cao so với mức giá khoảng 300.000 đồng trên thị trường OTC trước đó.

Cùng với FPT, nhiều cổ phiếu khác đua nhau tăng mạnh trong năm 2006. Cổ phiếu bứt phá khiến thị trường chứng khoán Việt Nam được chú ý. Tới lúc này, danh sách những người giàu nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam mới được công bố. Và ông Bình là người "mở hàng" cho danh sách này.

Đứng đầu FPT, và cũng là người đứng đầu danh sách 100 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam, ông Trương Gia Bình, Tổng giám đốc kiêm Chủ tịch Hội đồng Quản trị FPT lúc đó sở hữu 5,12 triệu cổ phần. Tính theo giá khớp lệnh ngày 29/12/2006 (460.000 đồng), ông Bình nắm trong tay tài sản chứng khoán gần 2.400 tỷ đồng.

Ông Bình cùng nhiều sếp lớn của FPT như ông Lê Quang Tiến, Bùi Quang Ngọc “án ngữ” trong Top 3 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam trong năm đầu tiên danh sách này được công bố. 

Sang năm 2007, thị trường chứng khoán ghi dấu nhiều sự bứt phá của đại gia “cũ” như ông Đặng Thành Tâm, ông Nguyễn Duy Hưng, ông Trần Kim Thành. Bên cạnh đó, một số đại gia mới cũng xuất hiện đầy ấn tượng như ông Phạm Nhật Vượng, ông Trần Đình Long, ông Doãn Tới.

Vì vậy, dù cổ phiếu FPT vọt lên mức giá 610.000 đồng/CP vào ngày 12/3/2007 nhưng tài sản của ông Bình vẫn khiêm tốn hơn rất nhiều so với nhiều đại gia khác. Cụ thể, với 1.701,985 tỷ đồng, ông Bình chỉ đứng ở vị trí thứ 8. 3 vị trí đầu trong trong Top những người giàu nhất sàn chứng khoán là ông Tâm, ông Vượng và ông Long.

Sang năm 2008, “tân binh” Đoàn Nguyên Đức “làm mưa, làm gió” trên sàn chứng khoán. Cổ phiếu HAG tăng mạnh giúp ông Đức có cơ hội sở hữu khối tài sản khổng lồ lên tới 6.160 tỷ đồng. Cái tên Trương Gia Bình nhanh chóng “nguội” khi ông Bình rớt xuống vị trí thứ 10. Kể từ khi FPT chào sàn, giá trị cổ phiếu FPT mà ông Bình nắm giữ sụt giảm mạnh theo năm. 

Sau đó, ông Bình bị đánh bật ra khỏi Top 10 người giàu nhất sàn chứng khoán. Tại thời điểm cuối năm 2013, ông Bình đứng ở vị trí thứ 15 với tổng tài sản 921,254 tỷ đồng. Năm 2012, ông Bình thậm chí còn bị rớt xuống thứ hạng 18 trong Top các đại gia sở hữu tài sản lớn nhất sàn chứng khoán.

Bao giờ cho đến ngày xưa?

Trong nhiều năm trở lại đây, bộ ba Phạm Nhật Vượng, Đoàn Nguyên Đức và Trần Đình Long “độc chiếm” Top 3. Nếu vị trí số 1 của ông Phạm Nhật Vượng vững như bàn thạch thì vị trí thứ 2 của bầu Đức không dễ gì bị tiếm ngôi. Các đại gia khác cũng không dễ gì vượt qua được ông Long vì chênh lệch tài sản là rất lớn.

Trong khi đó, các vị trí còn lại trong Top 10 thường xuyên bị hoán đổi. Những đại gia nằm chót bảng như ông Dương Ngọc Minh, bà Trương Thị Lệ Khanh có thể bị bật ra khỏi Top bất cứ lúc nào. Người “đe dọa” các đại gia này không phải ai khác. Đó chính là ông Trương Gia Bình.

Sau một thời gian dài suýt rơi xuống Top 20, ông Trương Gia Bình đã có sự trở lại ngoạn mục. Hiện ông Bình đang đứng ở vị trí thứ 11, ngay sau ông Dương Ngọc Minh và bà Trương Thị Lệ Khanh, hai đại gia thủy sản.

Nếu trong những ngày đầu FPT mới niêm yết, ông Bình sở hữu lượng cổ phiếu khá khiêm tốn, chưa tới 6 triệu đơn vị thì tới nay, sau nhiều lần chia tách, số lượng cổ phiếu mà ông Bình nắm giữ tăng gấp 3 lần. Ông Bình và ông Bùi Quang Ngọc, Tổng giám đốc FPT là hai trong số ít các đại gia chưa từng bán bất cứ cổ phiếu nào.

Tính tới đầu tháng 10, gần 20 triệu cổ phiếu FPT của ông Bình có giá trị 1.314 tỷ đồng, không chênh lệch nhiều so với giá trị cổ phiếu của ông Minh, bà Khanh. Vì vậy, cơ hội trở lại Top 10 của ông Bình là rất lớn.

Cơ hội trở lại Top 10 của ông Bình rất lớn nhưng cơ hội cho ông về lại vị trí số 1 như thuở ban đầu gần như bằng 0. Hiện tại, ông Phạm Nhật Vượng, ông Đoàn Nguyên Đức và ông Trần Đình Long, 3 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam đang có tài sản vượt trội so với ông.

Có thể không bao giờ ông Bình trở lại được vị trí số 1 nhưng giới đầu tư và thậm chí người dân bình thường có lẽ vẫn nhớ tới ông với tư cách “người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam”. Ông Bình được “ưu tiên” vì ông là người mở màn cho khái niệm này.

Theo VTC New
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo