Người “muốn làm điều gì đó cho Đà Lạt”
Tuy nhiên, ở thành phố du lịch vốn có trên 70% số hộ dân sinh sống bằng nông nghiệp này, có không ít người làm nông nghiệp không phải để thoát nghèo, vươn lên làm giàu (bởi họ không phải là người nghèo) mà để “làm một điều gì đó cho Đà Lạt” như họ từng tâm sự. Kỹ sư Nghiêm Văn Minh - người từng sống nhiều năm ở Pháp - là một người như thế!
Trăn trở cây đặc sản tại Đà Lạt
Ở Đà Lạt, hiện nay chỉ duy nhất có một trang trại dâu tây giống Pháp của hai vợ chồng kỹ sư Nghiêm Văn Minh và Nguyễn Thị Bích Thủy tại hồ Than Thở. Trang trại dâu tây này mới được hình thành nhưng khá nổi tiếng ở thành phố hoa bởi cách làm: Họ không nghèo đến mức phải trồng dâu tây bán kiếm tiền như những hộ nông dân bình thường khác; ngược lại, hai vợ chồng này ngày trước cũng đã giàu có lắm rồi, nên việc làm dâu tây Pháp là việc làm để “cho Đà Lạt có cái gì đó khác hơn, thú vị hơn, thu hút khách du lịch nhiều hơn” như lời tâm sự của hai vợ chồng anh Minh - chị Thủy mới là điều quan trọng.
Một buổi sáng đầu năm âm lịch Ất Mùi 2015, tôi ghé lại trang trại dâu tây duy nhất trồng giống của Pháp của vợ chồng anh Minh và chị Thủy trong khu du lịch hồ Than Thở để được tận mắt chứng kiến cách làm “dâu tây sạch” như thế nào. Hóa ra, được kỹ sư Nghiêm Văn Minh đưa đi tham quan một vòng, tôi nhận ra rằng đây là nơi duy nhất của Đà Lạt có giống dâu tây Pháp mà còn là trang trại của nhiều giống rau quả có nguồn gốc từ nước ngoài nhập về trồng mang tính thử nghiệm với kỳ vọng bổ sung cho vùng đất này những giống mới trong bộ giống cây nông nghiệp.
Kỹ sư Nghiêm Văn Minh là người có nhiều năm sống ở Pháp. Về Việt Nam, lần đầu tiên được nếm trái dâu tây Đà Lạt - một trong những sản phẩm làm nên thương hiệu của thành phố này, ông cảm thấy ái ngại cho một thứ nông sản khá nổi tiếng đó.
Ái ngại cũng phải thôi, bởi trong nhiều năm qua, tuy dâu tây là sản phẩm nổi tiếng góp phần làm nên thương hiệu Đà Lạt nhưng nhà vườn ở đây tỏ ra không còn mặn mà với loại cây trồng này, bởi sự thoái hóa về giống của dâu tây “bản địa” qua quá nhiều năm nhân giống. Mặc dầu thực tế nhiều năm qua, các cơ quan khoa học, các nhà nông học, các cơ quan quản lý nông nghiệp đã tìm mọi cách để phục tráng giống dâu tây Đà Lạt nhưng sự thành công như mong đợi đã không đạt được. Điều này cũng là nỗi trăn trở của kỹ sư Nghiêm Văn Minh: Làm thế nào để góp phần phục hồi vị thế của loại cây trái đặc sản này của Đà Lạt?
Hơn 3 năm trước, vợ chồng kỹ sư Nghiêm Văn Minh gom góp mọi vốn liếng để mua 2ha đất ở Măng Ling (cách trung tâm Đà Lạt gần 20km) để trồng dâu tây mang tính khảo nghiệm. Đi từ thất bại đến thành công, mới đây (khoảng một năm nay), hai vợ chồng anh quyết định mở vườn dâu để vừa trồng khảo nghiệm vừa thí điểm mô hình du lịch vườn thu hút du khách. Trang trại dâu tây theo mô hình du lịch vườn của vợ chồng kỹ sư Nghiêm Văn Minh bây giờ là Công ty Sinh học sạch Biofresh có diện tích khoảng 2ha.
Tôi nhớ lại nhiều lần gặp gỡ một số nhà khoa học chuyên về cây trồng nông nghiệp hiện sinh sống và làm việc tại địa bàn Đà Lạt. Qua tâm sự của họ, tôi nhận ra không ít người tỏ ra e ngại khi các giống dâu tây Đà Lạt ngày một thoái hóa, không ít người nông dân muốn bỏ hẳn giống cây trồng truyền thống dâu tây để chuyển sang trồng hoa. Những hộ trồng dâu tây trên đường Nguyên Tử Lực nói rằng: “Với nhiều giống dâu tây, bỏ thì thương, vương thì tội. Thôi thì đành cứ ráng theo một vài vụ nữa, sau đó tính...”. Những nông dân ấy cố “theo” giống cây đặc sản này còn là vì gia đình họ vừa trồng dâu tây và vừa kinh doanh đặc sản phục vụ du khách. Du khách đến, họ phải có vườn dâu tây để tham quan và sau đó là mua loài trái cây đặc sản của Đà Lạt này về làm quà.
Mô hình mẫu tầm quốc tế
Đưa chúng tôi đi tham quan, trước tiên, anh Minh giới thiệu khá tỉ mỉ về hệ thống nước tưới. Hệ thống nước tưới của Biofresh khá chuẩn: Nước được bơm lên chứa vào bồn rồi qua hệ thống lọc để loại bỏ các tạp chất trước khi được đưa vào hệ thống tưới. Trong nhà kính, cây dâu được trồng trong chậu nhựa trên giàn cách mặt đất khoảng 1m.
Anh Minh nói: “Giống dâu này tôi nhập từ Pháp về, từ một anh bạn thân người Pháp hiện đang có trang trại rộng đến hơn 300ha chuyên sản xuất dâu và một số cây nông nghiệp khác. Bản quyền về giống dâu này thuộc công ty của người bạn bên Pháp nên khi đưa về Việt Nam để trồng thử nghiệm, dĩ nhiên là tôi phải tuân thủ theo luật bản quyền của thế giới. Sau vài năm khảo nghiệm hơn chục giống dâu tây của Pháp, hiện tôi đã chọn được 3 giống phù hợp với điều kiện của Đà Lạt là Mara des bois, Chalalotte và Maika”.
Lần trước, khi đến vườn Biofresh của anh Minh, tôi được biết, cùng với dâu tây giống Pháp, Biofresh còn trồng khảo nghiệm giống dưa lưới cũng được nhập từ nước ngoài (Pháp, Nhật Bản) về. “Hiện ở Việt Nam, chỉ Biofresh của Đà Lạt là có giống dưa lưới của Pháp và của Nhật này thôi. Cũng đã sắp đến vụ thu hoạch rồi, chắc khoảng hơn tuần nữa thôi. Sau khi thu hoạch, tôi sẽ gửi mẫu dưa sang bên Pháp để thẩm định chất lượng.
Trên cơ sở kết quả thẩm định, chúng ta mới biết được giống dưa này có phù hợp với điều kiện của Đà Lạt hay không” - lần ấy, anh Minh nói với tôi như vậy. Ở lần tham quan gần đây nhất, tôi đã được anh Minh đãi cho món trái cây “lạ” này. Quả thật, tôi không biết diễn đạt như thế nào cho “phải đạo” khi được “nếm quả đầu mùa” từ tay người “muốn làm một điều gì đó cho Đà Lạt” Nghiêm Văn Minh.
Trong lúc chúng tôi đang thưởng thức “quả đầu mùa” và trao đổi những chuyện xoay quanh trái dâu tây Pháp và trái dưa lưới thì một đoàn khách hơn hai chục người đến tham quan vườn dâu. Quan sát những du khách, tôi thấy họ thực sự thích thú khi được tận mắt chứng kiến những quả dâu đỏ mọng, được chụp hình lưu niệm và được nếm thử thứ trái cây đặc sản Đà Lạt có nguồn gốc từ Pháp duy nhất có ở Biofresh!
Anh Minh nói: “Đến giờ, khách du lịch đã khá quen thuộc với vườn dâu tây Pháp của mình. Rồi, cũng trong khuôn viên 2ha này, nếu họ biết thêm giống dưa lưới lần đầu tiên có mặt ở Việt Nam, chắc chắn là họ thú vị lắm. Tuy nhiên, dưa lưới đang trong quá trình khảo nghiệm nên tôi chưa muốn giới thiệu với du khách. Có lẽ chờ một thời gian nữa, khi dưa cho thu hoạch rộ, tôi sẽ công bố rộng rãi”.
Nói về chiến lược lâu dài, kỹ sư Nghiêm Văn Minh không quan tâm nhiều đến doanh thu, lợi nhuận... mà chỉ đau đáu một điều: “Tôi muốn gầy dựng cho Đà Lạt một mô hình canh tác nông nghiệp công nghệ cao theo kiểu Pháp với các giống cây trái nhập về từ Pháp phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của Đà Lạt và quan trọng là vườn đủ rộng (có thể lên đến vài chục hécta) để làm mô hình mẫu nông nghiệp công nghệ cao thu hút du khách.
Đà Lạt cần phải có một mô hình kiểu mẫu vài chục hécta canh tác nông nghiệp công nghệ cao như thế ngay trong lòng thành phố để phục vụ khách tham quan!”. Mới hôm rồi, khi ngồi đọc lại những ghi chép trong sổ tay thì hay tin tỉnh Lâm Đồng đã đồng ý cho kỹ sư Nghiêm Văn Minh thuê khoảng 45ha đất trong khu vực gần đó để triển khai mô hình.
Vậy là niềm vui ban đầu đã đến! Và, tôi tin là vợ chồng anh Minh - chị Thủy sẽ làm được. Vì, họ tâm niệm Đà Lạt cần có một mô hình nông nghiệp công nghệ cao kiểu mẫu mang tầm quốc tế.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá ngoại tệ ngày 7/11/2024: USD tăng mạnh sau khi Donald Trump giành chiến thắng
Thách thức bủa vây thị trường chứng khoán: Xuống tiền mã ngành nào?
Giá vàng ngày 7/11: Vàng nhẫn, vàng miếng SJC trong nước giảm mạnh sau bầu cử Tổng thống Mỹ
Giải pháp quản lý năng lượng thông minh cho doanh nghiệp
Sau khi ông Trump thắng cử, giá vàng thế giới rơi xuống mức thấp nhất trong 3 tuần
Vi phạm quy định hạn chế giao dịch ký quỹ, Chứng khoán DNSE bị xử phạt