Người Mỹ bắt đầu chuộng nông sản Việt
Theo ông Michael Scuse, quyền Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Mỹ, Việt Nam là một trong 15 quốc gia xuất khẩu nông sản nhiều nhất vào thị trường Mỹ. Ông Đào Trần Nhân, Tham tán công sứ, Thương vụ Việt Nam tại Mỹ cho biết, nhu cầu tiêu thụ nông sản ở Mỹ rất lớn, lại phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu với số lượng 50% các mặt hàng hoa quả tươi, 80% hàng thủy sản…
Thống kê của Bộ Nông nghiệp Mỹ cho thấy, hầu hết các mặt hàng nông sản mà VN có thế mạnh như cao su, cà phê, chè, hoa quả tươi, tôm, cá tra… đã tăng đột biến về lượng vào thị trường Mỹ. Tiêu biểu là các mặt hàng thủy hải sản, trong năm 2011, đạt xấp xỉ 1,1 tỷ USD; cao su đạt 86,6 triệu USD; cà phê đạt 487,5 triệu USD…
Tính đến tháng 6 năm 2012, có 36 loại rau của Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ với tổng kim ngạch đạt 1,1 triệu USD, trong đó, nấm rơm muối, nấm rơm đóng lon đạt kim ngạch cao nhất. Tiếp đến là mặt hàng ngô non đóng lon, ngô luộc. Còn dưa chuột vẫn là một trong những mặt hàng rau xuất khẩu mạnh nhất trong những năm qua.
Tuy nhiên, theo đánh giá của giới chuyên gia, trong thời gian tới, hàng nông sản Việt Nam xuất vào Mỹ sẽ gặp nhiều khó khăn hơn. Nguyên do là nền kinh tế hàng đầu thế giới này sẽ thực hiện kiểm tra chất lượng theo Luật Hiện đại hóa an toàn thực phẩm (FSMA) mới được Chính phủ nước này ban hành. Theo đó, từ năm 2012, Mỹ sẽ thực hiện quy trình kiểm tra hết sức ngặt nghèo đối với các sản phẩm hàng hóa của tất cả các nước khi xuất khẩu vào thị trường này, bao gồm nông sản, đồ ăn, đồ uống.
Theo FSMA, Bộ Nông nghiệp Mỹ sẽ có quyền ra lệnh kiểm tra hoặc thu hồi sản phẩm xuất khẩu vào Mỹ nếu không đảm bảo chất lượng đồng thời tính phí cho chủ hàng xuất khẩu sản phẩm đó.
Ngoài ra, có một thực tế đáng phải bàn hiện nay nữa là dù sản lượng nông sản Việt Nam tuy lớn nhưng chưa thực sự xây dựng và bảo vệ được thương hiệu, gây khó khăn cho việc cạnh tranh trên thị trường thế giới. Chẳng hạn, thời gian gần đây, báo chí liên tục nói tới các thương hiệu nông sản nổi tiếng như cà phê Buôn Ma Thuột, nước mắm Phú Quốc… bị nước ngoài đăng ký sở hữu nhãn hiệu; hay chính nông sản Việt Nam bị “tấn công” bởi những hành vi cạnh tranh không lành mạnh làm ảnh hưởng tới uy tín chất lượng, như việc xôn xao một số nông dân đã trộn bùn, phân lân vào chè khô để bán theo gợi ý của một số người lạ mặt…
Vì thế, chiến lược xây dựng nông sản Việt Nam nên có thêm những phương án bảo vệ, phòng thủ đối với các cuộc tấn công; đồng thời phải gắn với những chiến lược phát triển khác của ngành nông nghiệp.
Theo ĐV
End of content
Không có tin nào tiếp theo