Người nghèo khó tìm việc
Tình trạng người nghèo đã qua đào tạo không tiếp cận được cơ hội việc làm vẫn tồn tại, đặc biệt ở các quận - huyện ngoại thành TP HCM
Sau khi học xong khóa sửa xe ở quận 10, anh Nguyễn Thành Văn (23 tuổi) trở về nhà ở huyện Nhà Bè, TP HCM. Hai tháng thất nghiệp ở quê, Văn quyết định trở lại quận 10 tìm việc. Gặp chúng tôi ở Trung tâm Giới thiệu việc làm TP HCM, Văn than thở: “Tôi dự định học nghề xong sẽ tìm việc để phụ giúp gia đình nhưng mãi vẫn không có chỗ nào nhận, muốn mở tiệm sửa xe thì không có vốn”.
Học nghề xong vẫn thất nghiệp
Văn cho biết qua phương tiện truyền thông, anh và một số bạn bè đi học các khóa đào tạo nghề ngắn hạn. Ngoài sửa xe máy, nhiều bạn của Văn còn theo học các nghề như: điện lạnh, điện tử, công nghệ thông tin... Sau khi lấy được chứng chỉ nghề, họ trở về quê tìm việc nhưng đến nay, vẫn chưa ai có công việc ổn định.
“Các tiệm sửa chữa xe máy mà tôi biết không có nhu cầu tuyển thêm người. Ở quê cũng không có nhiều hoạt động giới thiệu việc làm như: sàn giao dịch, ngày hội việc làm nên tôi không tiếp cận được thông tin tuyển dụng” - Văn thất vọng.
Đến nay, anh P.T.Q.M (24 tuổi, ngụ huyện Cần Giờ, TP HCM) vẫn phải ra chợ bán cá phụ mẹ sau khi tốt nghiệp ngành kế toán tại một trường nghề ở quận 1. M. cho biết ở huyện Cần Giờ có rất ít doanh nghiệp, cơ sở sản xuất; còn cơ quan nhà nước thì đã đủ biên chế. Vì vậy, trở về quê, anh không biết xin việc ở đâu. “Nhà chỉ có 2 mẹ con nên tôi không muốn đi làm xa” - M. buồn bã.
Sau khi tham gia lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn do địa phương tổ chức, việc làm của chị Huỳnh Thị Thanh (huyện Bình Chánh, TP HCM) vẫn bấp bênh. Học xong khóa trang điểm, chị mua đồ nghề mở tiệm trang điểm, làm tóc tại nhà. Hoạt động chưa được 1 năm, tiệm có nguy cơ đóng cửa. Chị Thanh phân trần: “Vì không có vốn nên tôi không thể đầu tư trang phục cưới, hỏi hay thuê thêm thợ phụ. Do đó, tôi chủ yếu nhận làm móng, gội đầu ở nhà chứ rất ít nhận mối trang điểm. Thu nhập hiện tại của tôi không đủ lo cho 2 con ăn học”.
Ở một số quận - huyện ngoại thành TP HCM, tình trạng lao động, đặc biệt là người nghèo, khó tìm việc làm sau khi học nghề vẫn xảy ra. Đa số họ phải đi làm xa hoặc làm công việc nặng nhọc, trái ngành.
Khó tiếp cận cơ hội việc làm
Tại buổi khảo sát việc triển khai chương trình giảm nghèo, tăng hộ khá giai đoạn 4 (2014-2015) của HĐND TP HCM ở huyện Cần Giờ, bà Đoàn Thị Ngọc Cẩm, Phó Chủ tịch UBND huyện, thừa nhận do học vấn thấp, thiếu kiến thức, thông tin nên đa số người nghèo khó tiếp cận cơ hội việc làm, khoa học công nghệ... Nhiều sinh viên thuộc hộ nghèo, cận nghèo ở huyện dù đã tốt nghiệp các trường trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề, cao đẳng và đại học (chủ yếu thuộc các ngành nghề điều dưỡng, kinh tế...) nhưng vẫn chưa tìm được việc làm.
Chín tháng đầu năm 2014, cả huyện Cần Giờ chỉ có 1.463 người nghèo được đào tạo nghề (đạt 24,4% so với mục tiêu). Hiện Cần Giờ có gần 7.500 hộ nghèo (hơn 41% dân số) và gần 2.000 hộ cận nghèo, là địa phương có tỉ lệ hộ nghèo cao nhất TP.
“TP cần ưu tiên giới thiệu và giải quyết việc làm cho con em hộ nghèo, cận nghèo đã qua đào tạo để khắc phục tình trạng trên. Các trung tâm giới thiệu việc làm và Lực lượng Thanh niên Xung phong của TP cũng cần mở rộng cơ hội tuyển dụng cho lao động huyện Cần Giờ” - bà Cẩm đề xuất.
Bà Trương Thị Ánh, Phó Chủ tịch HĐND TP HCM, yêu cầu địa phương gửi ngay danh sách sinh viên đã tốt nghiệp là con em hộ nghèo, cận nghèo chưa có việc làm về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP để hỗ trợ giới thiệu việc làm.
Ông Trần Anh Tuấn, quyền Giám đốc Trung tâm Dự báo nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP HCM, kiến nghị ngoài kiến thức chuyên môn, các địa phương nên trau dồi thêm kỹ năng sống, pháp luật, cách tiếp cận thông tin, chính sách cho đối tượng lao động này.
Theo NLĐ
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo