Pháp luật

Người nghèo khóc ròng vì chủ hụi bỏ trốn

Số tiền bị chiếm đoạt có thể lên đến hàng tỉ đồng với hàng trăm nạn nhân, chủ yếu là những người nghèo.

Những ngày cuối năm 2012, nhiều tiểu thương, người làm thuê tại chợ Nguyễn Văn Trỗi, phường 13, quận 3 - TP.Hồ Chí Minh đứng ngồi không yên trước thông tin chủ “hụi heo”, Trương Thị Thùy Linh (SN 1971, ngụ đường Lê Văn Sĩ, phường 13, quận 3 - TP.Hồ Chí Minh, chủ sạp quần áo trong chợ) bỏ trốn, ôm theo toàn bộ số tiền tích cóp của họ.

Tạo niềm tin rồi chiếm đoạt tiền tỉ

Bà Lê Thị Hải (43 tuổi, bán bún bò, một nạn nhân của bà Linh) cho biết chơi “hụi heo”  không có tiền lời, chỉ là hình thức nhờ chủ hụi  giữ tiền giùm, cuối năm lấy lại số tiền đã nộp và được chủ “hụi” cho thùng nước ngọt, vài ba ký mứt, đường để ăn Tết.

Nếu chơi một dây “hụi heo”, mỗi ngày nộp cho chủ hụi 10.000 đồng, mỗi tháng là 300.000 đồng, cuối năm lấy được 3,6 triệu đồng. Do thấy vợ chồng bà Linh nhà cửa khang trang, vợ là chủ sạp quần áo lớn, chồng là chủ tiệm cầm đồ, từ 4 năm nay, nhiều người đã yên tâm góp tiền cho bà Linh.

“Thấy bà ấy làm ăn uy tín, đàng hoàng  nên ai cũng tin tưởng, vậy mà đùng một cái ôm tiền đi đột ngột, không ai kịp  trở tay” - bà Lâm Thị Bích Vân (54 tuổi, bị giật 3,6 triệu đồng) nói. Cũng rơi vào cảnh mất tiền, chị Ngô Thị Tuyết Trinh (SN 1973, bán bún thịt nướng) nghẹn ngào: “Ba chị em tui chơi 10 dây hụi, nếu bà ấy không bỏ trốn thì trong tháng này chúng tôi sẽ có 36 triệu đồng. Vậy mà...”.

Theo nhiều tiểu thương, số người bị bà Linh giật hụi lên đến hàng trăm với số tiền nhiều tỉ đồng, trong đó có hàng chục người bán vé số, chạy xe ôm, giặt đồ mướn...

Trao đổi với chúng tôi, bà Trần Thị Kim Liên, Trưởng Ban Quản lý chợ Nguyễn Văn Trỗi, nói: “Những ngày qua, ban quản lý chợ tiếp nhận khoảng 20 trường hợp tố cáo bà Linh gom tiền của họ rồi bỏ trốn, có trường hợp tiểu thương chơi hụi 200.000 đồng/ngày, số tiền bị mất gần 80 triệu đồng.  Chúng tôi đã có văn bản gửi công an phường nhờ can thiệp”.

Nước mắt người nghèo

Tại chợ Nguyễn Văn Trỗi, chúng tôi đã gặp nhiều nạn nhân của bà Linh có hoàn cảnh rất đáng thương. Bà Nguyễn Thị Ba (SN 1957) rửa chén cho một tiệm ăn trong chợ, nhịn ăn nhịn mặc, sau khi trừ chi phí sinh hoạt, tiền thuê nhà trọ, mỗi ngày bà Ba trích 10.000 đồng  gửi bà Linh giữ giùm.

“Ngồi rửa chén nước ăn lở cả tay chân, mỗi ngày được vài chục ngàn. Sợ bỏ ống heo lúc túng thiếu sẽ đập mất, để ở nhà trọ không an toàn nên tôi đưa Linh cất giùm. Định Tết này có 3,6 triệu đồng cho mấy đứa con đóng tiền học... Sao nỡ lòng nào lấy của người nghèo khó như tôi?” - vừa rửa chén bà Ba vừa rưng rưng tâm sự với chúng tôi.

Cũng hoàn cảnh như bà Ba, 2 bà Nguyễn Thị Thúc (67 tuổi) và Ngô Thị Tình (60 tuổi) làm công việc nướng thịt thuê cho tiệm bún cũng mất ăn mất ngủ vì bị vợ chồng bà Linh ôm số tiền vài triệu đồng mà họ cắc ca cắc củm dành dụm. Bà Thúc khóc: “Nướng thịt chai cả tay, cay cả mắt mới có mỗi ngày 20.000 đồng nộp cho bà ấy. Hôm nghe bà ấy bỏ trốn, tôi ngất xỉu tại chỗ”.

Bà Lương Thị Thu Huyền (SN 1967, bán chả cá) cũng nghẹn ngào kể với chúng tôi: “Bữa đó tan chợ, trời lất phất mưa, tui xắn quần đem 20.000 đồng vào nộp cho Linh, hy vọng còn mấy ngày nữa hết năm lấy được 7,2 triệu đồng. Thấy nhà Linh đóng cửa, tôi gọi hoài không ai ra, gọi điện thì không liên lạc được. Hôm sau, tui hỡi ơi khi nghe tin Linh đã cao chạy xa bay. Giờ tui không biết lấy tiền đâu để mua vé xe cho cả nhà về Bình Định ăn Tết...?”.

Trao đổi với phóng viên, đại úy Nguyễn Khắc Quạc, cảnh sát khu vực phường 13, quận 3, cho biết: “Khi nghe người dân xôn xao chuyện bà Linh ôm tiền bỏ trốn, tôi đến kiểm tra nhân khẩu thì biết cả gia đình bà Linh đều đi vắng từ khuya 24-12-2012. Đến thời điểm hiện tại, chưa có nạn nhân nào của bà Linh đến công an phường trình báo. Nếu bà con đến tố cáo, chúng tôi sẽ ghi nhận để báo cáo cấp trên có hướng xử lý”.

Nạn nhân cần làm đơn tố cáo

Luật sư Nguyễn Thành Công (Đoàn Luật sư TP.Hồ Chí Minh) cho biết đây là hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản (quy định tại điều 140 Bộ Luật Hình sự). Số tiền chiếm đoạt càng lớn, mức hình phạt càng cao. Nếu số tiền chiếm đoạt hơn 1 tỉ đồng, mức hình phạt có thể từ 12 đến 20 năm hoặc tù chung thân.

Việc góp hụi này đã hình thành nên thỏa thuận dân sự, có thể xem như một hợp đồng mà các bên phải tuân thủ nội dung đã thống nhất, như: số tiền mỗi lần góp, thời hạn góp, nhận tiền vào cuối kỳ. Giao dịch này có thể không thể hiện bằng văn bản, chỉ bằng miệng nhưng vẫn có giá trị pháp lý. Chủ hụi bỏ trốn nhằm chiếm đoạt số tiền lẽ ra đến kỳ phải trả là đã thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm của điều luật trên. Tuy nhiên, để khẳng định thật sự có giao dịch, phía nạn nhân phải chứng minh bằng các chứng từ, giấy tờ hoặc tin nhắn điện thoại, ghi âm cuộc nói chuyện… Nói chung là phải có chứng cứ.

Trong trường hợp này, nạn nhân cần tập trung lại và gửi đơn tố cáo đến cơ quan điều tra công an quận hoặc Công an TP.Hồ Chí Minh.

 

 

Tùng Lâm (Theo NLĐ)

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo