Người nghèo không đứt bữa ngày Tết
Thủ tướng Chính phủ vừa yêu cầu Bộ Tài chính xuất cấp 4.208 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho 8 tỉnh, thành để hỗ trợ cứu đói cho người dân trong dịp Tết Nguyên đán. Ngoài ra, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) cũng đã trình Thủ tướng đề nghị hỗ trợ thêm 3.077 tấn gạo cứu đói dịp Tết cho các tỉnh Ninh Thuận, Quảng Bình, Phú Yên, Thanh Hóa.
Nhiều địa phương hoàn tất việc phát gạo
Ông Phan Văn Linh, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh Quảng Trị, khẳng định: Đến nay, 9 huyện, thị xã và TP của tỉnh đã phân bổ tổng cộng 669 tấn gạo đến tay người dân. Cụ thể, huyện Cam Lộ được phân bổ 19,83 tấn; huyện Vĩnh Linh trên 50 tấn; huyện Gio Linh gần 48 tấn; huyện Hải Lăng 43 tấn; huyện Triệu Phong 60 tấn; huyện Đakrông 167 tấn; huyện Hướng Hóa gần 268 tấn; đảo Cồn Cỏ gần 1 tấn; TP Đông Hà 8,82 tấn và thị xã Quảng Trị 3,36 tấn. Mức cứu trợ là 15 kg gạo/người/tháng. Hiện sở đang kiểm tra, giám sát chặt chẽ quá trình phân phát gạo.
Theo ông Phan Văn Linh, đối tượng được hỗ trợ gạo năm nay là những người nghèo thuộc diện bảo trợ như người tàn tật, già cả không nơi nương tựa... “Những năm trước, sau khi xin được gạo về mới tiến hành lập danh sách, phân phát cho dân. Còn năm nay, chúng tôi lập danh sách từ cơ sở trước, sau đó kiểm tra rồi đề xuất Chính phủ hỗ trợ” - ông Linh nói.
Năm qua, tỉnh Bình Định đã gánh chịu nhiều thiệt hại do bão, lũ khiến đời sống người dân rất khó khăn. Nhằm hỗ trợ người nghèo đón Tết, ông Nguyễn Mỹ Quang, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh Bình Định, cho biết sở vừa phối hợp với Cục Dự trữ nhà nước khu vực Nghĩa Bình bàn giao 1.320 tấn gạo cứu trợ cho các địa phương để chuyển đến dân.
“Số gạo trên là không nhiều. Tuy nhiên, việc cứu trợ kịp thời trong những ngày trước Tết Nguyên đán sẽ giúp nhiều hộ bớt khó khăn” - ông Quang nói.
Tại tỉnh Nghệ An, ông Nguyễn Đăng Dương, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh, khẳng định toàn bộ 3.349 tấn gạo cứu đói đã được cấp phát đến 77.275 hộ với 223.267 nhân khẩu thuộc 21 huyện, thị xã, TP trong tỉnh vào những ngày giáp Tết. Một số huyện có lượng gạo được phân bổ lớn là Kỳ Sơn hơn 492 tấn, Quế Phong 386 tấn, Con Cuông 358 tấn, Thanh Chương 299 tấn, Quỳ Châu 231 tấn, Tương Dương 244 tấn, Yên Thành 189 tấn, Quỳnh Lưu 191 tấn, Quỳ Hợp 154 tấn...
Ông Lô Hoài Dung - Chủ tịch UBND xã Ngọc Lâm, huyện Thanh Chương - cho biết: Ngọc Lâm là xã nghèo, người dân chủ yếu thuộc diện tái định cư của công trình thủy điện Bản Vẽ. Dịp này, xã được hỗ trợ hơn 71 tấn gạo cứu đói. Đến ngày 10-2, toàn bộ gạo trên xã đã nhận và cấp phát đến tận gia đình của các hộ dân ở 14 bản trong xã. Nhận được gạo vào những ngày giáp Tết, anh Lương Văn Định (ngụ xã Ngọc Lâm) rất phấn khởi. “Có gạo rồi, Tết nay gia đình cũng như nhiều hộ dân trong bản không còn lo thiếu đói nữa” - anh Định hồ hởi nói.
Tại huyện miền núi Tương Dương, việc cấp phát gạo cho các hộ dân nghèo trong dịp Tết cũng đã hoàn thành trước ngày 9-2. Để đưa gạo kịp thời đến người dân, huyện đã bỏ kinh phí thuê xe vận chuyển vào tận bản phát cho dân.
Sẽ xử lý nghiêm nếu sai phạm
Trong số 9 địa phương của tỉnh Quảng Trị phân bổ gạo cứu đói dịp Tết này, ngoại trừ huyện đảo Cồn Cỏ do dân số ít nên lượng gạo hỗ trợ thấp, thị xã Quảng Trị chỉ hỗ trợ được 3,36 tấn gạo, TP Đông Hà là 8,82 tấn. Trả lời câu hỏi “với mức gạo ít như vậy sao địa phương không hỗ trợ nổi?”, ông Nguyễn Đức Chính, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, cho biết các địa phương này cũng có nguồn riêng, huy động nhiều nguồn khác nên ngoài gạo Chính phủ hỗ trợ, các đối tượng được hưởng còn có thêm phần quà khác như ít gói bánh, kẹo, đường…
Cũng theo ông Chính, Quảng Trị vẫn còn nhiều vùng rất khó khăn, đồng bào dân tộc, người tàn tật... rất cần được giúp đỡ dịp Tết. Do tỉnh không có nguồn nào hỗ trợ cho người nghèo nên phải báo cáo Chính phủ, Bộ LĐ-TB-XH đề nghị hỗ trợ nhưng với mức độ ít hơn trước.
“Ngân sách địa phương không có vì hằng năm tỉnh phải cân đối ngân sách từ trung ương tới 2/3. Chúng tôi cũng đi vận động các nguồn xã hội hóa nhưng không đủ. Còn ngân sách dự phòng năm qua phải chi cho nhiều khoản như chuyển đổi cây trồng, chống hạn, phòng chống dịch bệnh nên chẳng còn” - ông Chính giải thích.
Không những tỉnh mà các địa phương cấp huyện đều huy động nhiều nguồn lực từ xã hội, doanh nghiệp giúp đỡ phần nào khó khăn để người nghèo không phải tủi thân, đứt bữa ngày Tết. “Chúng tôi cố gắng hết sức, kêu gọi nhiều nơi với mục đích người nghèo có cái Tết ấm no. Họ không phải chi phí cho Tết để mùa giáp hạt ra năm cuộc sống đỡ khó hơn” - ông Chính nói thêm.
Theo ông Lê Văn Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, tỉnh đã chuyển 594 tấn gạo cứu trợ của Chính phủ cho 34.000 người nghèo, đồng bào thiểu số đón Tết; đồng thời chỉ đạo các địa phương lập danh sách số hộ thuộc diện nghèo, chịu nhiều thiệt hại do bão lũ, hạn hán gây ra trong năm 2014 để hỗ trợ, tuyệt đối không cắt xén, cấp phát thiếu cho bà con.
Theo Bộ LĐ-TB-XH, năm 2015, trung ương sẽ hỗ trợ gạo riêng từng đợt cho các tỉnh - thành, trước Tết chỉ cấp gạo ăn Tết; gạo cứu đói giáp hạt sẽ cấp sau Tết. Ngoài một số tỉnh đã gửi đề xuất cứu đói, các địa phương khác vẫn tiếp tục tổng hợp và gửi đề xuất cấp phát gạo cứu đói về Bộ LĐ-TB-XH cho đến Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, Cục Bảo trợ xã hội đã yêu cầu các địa phương làm gấp rút để không hộ nào phải thiếu đói trong dịp Tết. Nhằm tránh những sai phạm trong quá trình phát gạo cứu đói, Bộ LĐ-TB-XH đã yêu cầu các địa phương giám sát, thực hiện nghiêm việc phát gạo. Địa phương nào có sai phạm sẽ bị xử lý theo pháp luật.
End of content
Không có tin nào tiếp theo