Xã hội

Người nghiện sử dụng ma túy tổng hợp gia tăng

Tỷ lệ người nghiện sử dụng heroin có xu hướng giảm dần, trong khi tỷ lệ người sử dụng ma túy tổng hợp lại tăng hàng năm, đặc biệt ở các tỉnh phía Nam. Đây là thông tin của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đưa ra vừa qua

 

Gần như quận, huyện nào cũng có người nghiện  

 

Xu hướng này gây nguy hiểm không chỉ cho người sử dụng ma túy tổng hợp khi họ sẽ gặp phải vấn đề về sức khỏe tâm thần, mà còn ngây nguy hiểm cho xã hội khi không ít trường hợp do bị hoang tưởng đã phạm tội giết người.

 

Trong khi đó, khó khăn nhất là chưa có các giải pháp hỗ trợ điều trị phù hợp đối với người sử dụng ma túy tổng hợp, ma túy “đá”

 

Theo kết quả rà soát người nghiện ma túy trên toàn quốc của Bộ Công an, cả nước có 204.377 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, tăng gần 13% so với số người nghiện của năm 2013. Đến nay số người nghiện ma túy có ở gần 90% quận, huyện và khoảng 60% số xã, phường, thị trấn trên toàn quốc.

 

Người nghiện ma túy phần lớn là nam giới và độ tuổi 16-30 chiếm một nửa. Đáng lưu ý, xuất hiện những người nghiện còn rất trẻ, chưa đến 16 tuổi.

 

Đối tượng nghiện ma túy thường liên quan đến các hoạt động tệ nạn xã hội, bị kỳ thị và tái nghiện cao

 

Cai tại cộng đồng còn hạn chế

 

Vẫn theo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, hiện cả nước có 142 Trung tâm cai nghiện ma túy, trong đó có 123 Trung tâm do Nhà nước quản lý và 19 Trung tâm do các tổ chức, cá nhân thành lập. Các Trung tâm của nhà nước hiện đang quản lý và cai nghiện cho 28.100 người, giảm 7.953 người so với thời điểm cuối năm 2013. Tính riêng năm 2014, các Trung tâm đã tiếp nhận cai nghiện cho 6.337 người trong đó 3.232 người cai nghiện tự nguyện và 3.105 người cai nghiện bắt buộc.

 

Trung tâm do tổ chức, cá nhân thành lập đã tiếp nhận cai nghiện cho 3.681 lượt người nghiện, chủ yếu các Trung tâm thực hiện giai đoạn điều trị hỗ trợ cắt cơn với thời gian từ 15-30 ngày.

 

Đối với cai nghiện tại gia đình, cộng đồng, năm 2014 đã có 4.714 người được cai nghiện tại gia đình, cộng đồng, tương đương với 2,3% số người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý.

 

Người nghiện khi cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng nhà nước chưa có chế độ hỗ trợ, trừ người nghiện ma túy thuộc hộ nghèo, gia đình chính sách theo Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, người chưa thành niên, người thuộc diện bảo trợ xã hội, người khuyết tật được hỗ trợ.

 

Do không được hỗ trợ và thiếu kinh phí, cơ sở vật chất và nhận lực nên nhiều địa phương chưa tổ chức được cai nghiện tại gia đình, cộng đồng.

 

Có một số mô hình cai nghiện tại gia đình, tại cộng đồng bước đầu cho kết quả tốt như mô hình cai nghiện bằng Cedemex tại Thái Nguyên, Hưng Yên, Nam Định… cần phải tiếp tục tổng kết và nhân rộng.

 

Các tỉnh Thái Nguyên, Hưng yên và một số tỉnh đang tiếp tục mở rộng thí điểm áp dụng phác đồ sử dụng thuốc an thần kinh, các phác đồ thuốc hỗ trợ cắt cơn nghiện đã được Bộ Y tế cấp phép như Bông Sen, Hentos, Camat…hay phác đồ sử dụng thuốc đối kháng Natrexone hỗ trợ chống tái nghiện chất dạng thuốc phiện cũng được nhiều cơ sở cai nghiện áp dụng.

 

Thuốc, kinh phí, nhân lực

 

Liên quan đến hạn chế của công tác phòng, chống ma túy, theo cơ quan chức năng, quy định nội dung quản lý sau cai tại Trung tâm không còn phù hợp.

 

Vì quản lý sau cai tại Trung tâm cũng giữ đối tượng từ 12-24 tháng như ở Trung tâm cai nghiện nhưng lại do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định.

 

Việc lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc và quản lý người nghiện không có nơi cư trú ổn định trong thời gian lập hồ sơ đề nghị đưa vào Trung tâm được giao cho tổ chức xã hội là rất khó khăn trong thực tế triển khai thực hiện.

 

Đối tượng nghiện ma túy thường liên quan đến các hoạt động tệ nạn xã hội như cờ bạc, trộm cắp, hoặc ảo giác hướng thần, bị kỳ thị và tái nghiện cao. Gia đình và bản thân đối tượng thường thuộc diện khó khăn, do đó không có khả năng tài chính để tự cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng và Trung tâm

 

Hiện nay nhiều người nghiện có nhu cầu điều trị Methadone, các địa phương đề nghị được mở thêm nhiều cơ sở điều trị Methadone, nhưng vẫn còn khó khăn về thuốc, kinh phí và nhân lực.

 

Ngoài ra, cơ sở vật chất, kinh phí của địa phương, trình độ cán bộ y tế cấp xã không đảm bảo việc điều trị cắt cơn và chăm sóc kịp thời nhất là các xã vùng sâu, vùng xa, xã đặc biệt khó khăn, cán bộ chăm sóc cộng đồng vừa thiếu, vừa yếu về kỹ năng, chuyên môn nghiệp vụ cũng ảnh hưởng nhiều đến công tác phòng, chống ma túy

 

 Tính đến hết tháng 12 năm 2014, có 20.404 người đang được quản lý sau cai nghiện, trong đó, số được quản lý tại Trung tâm là 5.605 người  và số được quản lý tại nơi cư trú là 14.799 người .

Quỳnh Chi
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo