Xã hội

Người nhà bệnh nhân vây bệnh viện, vì sao?

Theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh, trước khi điều trị cho bệnh nhân, cơ sở y tế phải tư vấn để bệnh nhân hiểu và hợp tác điều trị.

Một góa phụ ở quận 4 (TP.HCM) cùng con trai mặc áo tang, mang di ảnh chồng lên Sở Y tế TP.HCM yêu cầu làm rõ vì sao Bệnh viện (BV) Bình Dân chẩn đoán chồng-cha họ bị sỏi túi mật nhưng mổ ra lại ung thư; bác sĩ không hỏi ý kiến gia đình mà tiếp tục phẫu thuật. Bà góa phụ cho rằng nếu chồng bà bị ung thư thì bác sĩ đừng mổ, để về uống thuốc Bắc, thuốc Nam còn hy vọng kéo dài sự sống.

 

“Tư vấn không rõ ràng khiến cha tôi tử vong”

 

Việc người nhà bệnh nhân kéo lên Sở Y tế, BV gây áp lực, đòi làm rõ nguyên nhân cái chết của thân nhân họ thời gian qua đã trở nên phổ biến. Có những nguyên nhân dẫn đến tình hình này, trong đó có một nguyên nhân quan trọng là chất lượng tư vấn về hướng điều trị của thầy thuốc với bệnh nhân hoặc người nhà bệnh nhân chưa đầy đủ.

 

Mới đây, anh NTD (Vĩnh Long) phản ánh cha anh là ông NVN vào BV Hoàn Mỹ ngày 14-11-2014, bác sĩ chẩn đoán bị bệnh tim hở van hai lá, hẹp động mạch vành, động mạch chủ. Hướng điều trị của BV là phải phẫu thuật hai lần với tổng số tiền 450 triệu đồng. Tuy nhiên, mới mổ lần một vào ngày 2-12-1014 (chi phí 159 triệu đồng) thì ông N. tử vong. “Tôi hối hận vô cùng vì trước khi mổ các bác sĩ không hề tư vấn ca mổ có khả năng thành công là bao nhiêu phần trăm” - anh D. trình bày.

 

Anh D. cho biết anh có ký các loại giấy tờ đồng ý mổ cho cha anh nhưng vẫn một mực cho rằng BV tư vấn không rõ ràng. “Ở lần gặp thứ ba, một GS-TS nói với gia đình là tuổi 74 của cha tôi bị bệnh nhiều nếu mổ thì tỉ lệ tử vong cao. Nhưng trước đó BV tư vấn tỉ lệ chết chỉ 5%. Do vậy, tôi nghĩ cha tôi chết là do BV” - anh D. nói.

 

Trong khi đó, lãnh đạo BV Hoàn Mỹ cho rằng về chuyên môn BV hoàn toàn đúng, việc tư vấn cũng đầy đủ, bệnh nhân tử vong là do khách quan.

 

ác sĩ tư vấn cho bệnh nhân càng kỹ thì càng tránh được nguy cơ xung đột.

 

Tư vấn phải có kinh nghiệm

 

TS-BS Bùi Minh Trạng, Chánh Thanh tra Sở Y tế TP.HCM, cho biết căn cứ vào Luật Khám bệnh, chữa bệnh, trước khi điều trị cho bệnh nhân cơ sở y tế phải trao đổi với bệnh nhân để bệnh nhân hiểu và hợp tác điều trị (ngoại trừ trường hợp cấp cứu). Đối với bệnh cần phẫu thuật thì phải giải thích cho bệnh nhân và người thân, khi phía bệnh nhân đồng ý với phương pháp điều trị thì họ phải ký cam kết.

 

“Theo quy định, trường hợp người bệnh còn tỉnh táo (chịu trách nhiệm hành vi dân sự theo luật) thì người bệnh quyết định và ký cam kết phẫu thuật. Trong thực tế và tập quán thì thân nhân của người bệnh cũng phải biết để cùng hợp tác điều trị có kết quả” - TS Trạng giải thích.

 

Theo PGS-TS-BS Nguyễn Hoài Nam, quy trình tư vấn trước phẫu thuật theo quy định của Bộ Y tế cũng không có gì phức tạp. Bác sĩ sau khi khám kỹ bệnh nhân và đã làm đầy đủ các xét nghiệm cần thiết, nếu là bệnh nặng thì sau khi hội chẩn, bác sĩ phẫu thuật sẽ mời thân nhân bệnh nhân (thường phải mời hết hay là mời người có trách nhiệm được toàn bộ thân nhân bệnh nhân ủy quyền) nghe giải thích về tình hình bệnh tật của bệnh nhân, hướng xử trí và tiên lượng kết quả phẫu thuật. Sau đó bác sĩ lắng nghe thân nhân bệnh nhân và trả lời những câu hỏi về những vấn đề họ quan tâm.

 

Tuy nhiên, muốn để bệnh nhân và thân nhân bệnh nhân tin tưởng vào bác sĩ tư vấn, người tư vấn nên có mô hình bệnh trực quan như mô hình trái tim, hình ảnh về bệnh tật… Thầy thuốc cần có kinh nghiệm tư vấn, nói năng mạch lạc, rõ ràng, dễ hiểu.

 

Như vậy, trong trường hợp trên, lỗi của phía BV là chất lượng buổi tư vấn chưa đạt. Phía bệnh nhân đáng lẽ chưa rõ thì không nên ký cam kết. Đây là kinh nghiệm cần thiết cho các trường hợp khác.

Theo pháp luật Tp.HCM
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo