Xã hội

Người phụ nữ "tan nát con tim" sau khi uống 7 viên thuốc ngủ

(DNVN) - Sau thời gian dài stress chuyện gia đình, người phụ nữ uống 7 viên thuốc ngủ, rơi vào hôn mê đi cấp cứu. Tại bệnh viện, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân rơi vào hội chứng "Trái tim tan vỡ".

Ngày 22.9, bác sĩ Trần Thanh Linh (Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy) cho biết bệnh viện vừa tiếp nhận bệnh nhân H.T.Q.P (45 tuổi, An Giang) trong trình trạng hôn mê do uống quá liều thuốc ngủ, suy hô hấp.

Theo đó, nữ bệnh nhân H.T.Q.P. (45 tuổi, ngụ tại An Giang) được người nhà phát hiện hôn mê vào buổi sáng. Sau khi kiểm tra, người nhà tá hỏa phát hiện có 7 vỏ viên thuốc ngủ bên cạnh. Ngay lập tức, người nhà đưa đi cấp cứu tại bệnh viện Đa khoa tỉnh An Giang.

Bệnh nhân đang hồi phục nhưng nếu stress không được giải quyết triệt để thì khả năng sẽ tái phát. Ảnh: báo Thanh Niên

Gia đình khai bà P. có tiền sử bị mất ngủ kéo dài, thần kinh suy nhược, buồn chuyện gia đình, buồn bệnh tật không khỏi. Bà đã đi 4-5 bệnh viện, uống rất nhiều thuốc nhưng không khỏi, do vậy bà càng buồn hơn và phải thường xuyên phải sử dụng thuốc an thần để ngủ, theo tin tức trên báo Thanh Niên.

Tại BV tỉnh, tình trạng tri giác chị P. không được cải thiện, có biểu hiện suy hô hấp nên được chuyển đến BV Chợ Rẫy.

Bác sĩ Trần Thanh Linh, Phó Khoa Hồi sức cấp cứu BV Chợ Rẫy cho biết, bệnh nhân được đưa vào bệnh viện Chợ Rẫy ngày 15-9 trong tình trạng suy hô hấp nặng, sốc thuốc do uống quá liều, phải thở máy qua ống nội khí quản. Bệnh nhân được chuyển đến khoa Chống độc Nhiệt đới của bệnh viện để điều trị.

Tuy nhiên, sau 1 ngày điều trị, bệnh nhân có biểu hiện hạ huyết áp nhanh, phù phổi, tràn bọt qua ống nội khí quản,...

Ngay lập tức, các bác sĩ tiến hành hội chản liên chuyên khoa, nghi ngờ bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim. Tuy nhiên, kết quả chụp mạch vành cho thấy bệnh nhân không có biểu hiện của nhồi máu cơ tim. Các bác sĩ nhận thấy phần tâm thất trái của bệnh nhân phình to như quả bóng, triệu chứng của hội chứng "trái tim tan vỡ".

 

Hội chứng "trái tim tan vỡ" là tình trạng yếu đi đột ngột ở các cơ tim do tình trạng căng thẳng nghiêm trọng gây ra. Nó đi kèm với các triệu chứng tương tự như một cơn đau tim, đó là khó thở, đau ngực và tụt huyết áp. Nhưng trong khi một cơn đau tim thực sự sẽ gây tổn thương vĩnh viễn cho tim, tác dụng của hội chứng tim tan vỡ chỉ là tạm thời. Tuy nhiên, nếu không điều trị kịp thời, bệnh nhân vẫn có thể tử vong.

"Hội chứng này thường xảy ra khi họ phải đối diện với sự căng thẳng, sự mất mát của bạn bè, gia đình, hay mới chia tay với người yêu và 90% trường hợp xảy ra với phụ nữ", bác sĩ Trần Thanh Linh cho biết.

bệnh nhân được xử trí bằng máy thở ECMO (màng trao đổi ôxy ngoài cơ thể, phương pháp giúp bệnh nhân thở không cần tim, phổi) để phục hồi. Sau 4 ngày, bệnh nhân dần hồi phục và hiện đã cai được máy thở ECMO, theo tin tức trên báo Công An TP. HCM.

"Cụm từ 'trái tim tan vỡ', hay 'tan nát con tim' thường được nhắc đến với nghĩa bóng để chỉ tình trạng đau khổ sau khi chia tay. Nhưng bất cứ ai cũng có thể mắc phải hội chứng này nếu gặp stress, sốc tình cảm, làm ăn thất bại, mất mát người thân,... Tuy nhiên, những trường hợp vui tột đỉnh cũng có thể rơi vào hội chứng này. Một số trường hợp cũng có thể mắc phải nếu sử dụng quá mức một số loại thuốc như thuốc kích thích tim, thuốc mê, thuốc giảm stress,...", bác sĩ Trần Thanh Linh chia sẻ.

Bác sĩ Trần Thanh Linh khuyến cáo, khi gặp chuyện buồn, nên gặp bác sĩ tâm lý để chia sẻ, không nên tự ý dùng các loại thuốc mà chưa có sự hướng dẫn. Khoảng 10% trường hợp sau khi điều trị có thể tái phát nếu không được chữa trị về mặt tâm lý và để sốc tâm lý trở lại".

 

Nên đọc


Thu Phương (T/h)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo