Người thành công từ những chữ “điên - Kỳ II. Lách luật, mượn danh mở trung tâm
Ở các nước phát triển, viện dưỡng lão tư nhân đã có từ lâu. Còn ở Việt Nam, vào những năm đầu thế kỷ này, viện dưỡng lão tư nhân vẫn chưa được phép thành lập. Đây cũng chính là gian nan anh phải vượt qua nữa.
Để cái gọi là đi trước thời đại thành hiện thực, anh phải liên kết với Trung tâm bác sỹ gia đình, mượn danh nghĩa của sở y tế dưới hình thức bán công. Nói là liên kết nhưng anh phải bỏ vốn hoàn toàn.
Và cũng chính vì chưa có hành lang pháp lý chặt chẽ nên ba năm sau khi thành lập Trung tâm chăm sóc sức khỏe người cao tuổi Thiên Phúc (tên cũ), mới có giấy phép của sở y tế cấp.
“Ở nước ngoài việc mở viện dưỡng lão để chăm sóc người già là một vấn đề của xã hội, một nghề được tôn trọng, được cả xã hội cùng chung tay phát triển. Và các viện dưỡng lão tư nhân được coi là một doanh nghiệp xã hội, được xã hội cấp đất cấp vốn để xây dựng. Còn Việt Nam lúc bấy giờ chưa có chính sách ưu đãi nào đối với các viện dưỡng lão tư nhân”, anh Ngọc chia sẻ.
![]() |
Một cụ ở Trung tâm dưỡng lão của anh Ngọc |
Cũng vì pháp luật chưa cho phép nên lúc bấy giờ chưa có một mô hình nào cho anh học tập. Mọi thứ phải tự mò mẫm. Chả thế mới có chuyện mà chỉ sau khi xây dựng cơ sở hạ tầng xong mới phát hiện ra.
Đơn giản là cái cửa, xây đúng như bình thường, nhưng khốn nỗi cửa nhà vệ sinh nhỏ hơn xe lăn, làm sao các cụ dùng. Phòng để ba giường thì rộng còn để bốn giường thì không kê được tủ. Các giường mua quá thấp nên việc đưa các cụ lên xuống rất khó. Hệ thống công tắc điện lai không phù hợp với người cao tuổi …
Đến thăm trung tâm, tôi có dịp nói chuyện với chị Nguyễn Thị Thu, người đã gắn bó với trung tâm từ những ngày đầu. Có lẽ do dáng người nhỏ nhắn nên trông chị còn rất trẻ. Là người có thâm niên làm việc lâu nhất ở đây nên chị thấu hiểu nỗi vất vả của những ngày đầu vừa làm vừa rút kính nghiệm.
Chị Thu tâm sự: “Nghề chúng tôi làm, cách đây hơn 10 năm là một nghề mới ở Việt Nam. Hiện nay Việt Nam mới có bệnh viện Lão Khoa. Còn trước đây không có bệnh viện nào có chuyên khoa về lão khoa. Mà đối với người già lại có những đặc điểm riêng là tất cả các cơ quan đều lão hóa.
Người già thường bị rụng hết răng nên việc ăn uống gặp khó khăn, thường hay bị sặc. Vì vậy, chúng tôi phải tự rút kinh nghiệm để đưa ra các chế độ ăn khác nhau. Giờ mới có các loại máy xay thực phẩm dành cho người già, còn trước đây sau khi nấu thức ăn xong chúng tôi phải thái nhỏ, phải băm rất vất vả”
Cũng vì trước đây chưa có các viện dưỡng lão tư nhân nên người Việt Nam cũng chưa có tiền lệ đưa người già vào các trung tâm dưỡng lão. Vì vậy, khi trung tâm của Ngọc ba điên bắt đầu hoạt động, những định kiến của xã hội về viện dưỡng lão còn nặng lắm.
Cũng như tôi ban đầu, có nhiều người cho rằng đưa ông bà cha mẹ vào trung tâm dưỡng lão là bất hiếu, là đưa vào trại tế bần. Chỉ những người không có gia đình, không con cháu, vô gia cư mới vào đấy để được xã hội bố thí.
Tập thể dục để giải trí nhưng cũng là duy trì sức khỏe |
Có những người coi vào nhà dưỡng lão như bước vào một cuộc sống mới. Sau khi vào trung tâm, thay vì con cái là đội ngũ nhân viên chăm sóc. Nhân viên là những người không thân thích, không ruột thịt họ sẽ đối xử với mình như thế nào? có đập đánh mình không? …
Có cụ hỏi, vào đây rồi có được về thăm con cháu hay con cháu có được vào thăm cụ không? Hoặc khi các cụ vào đây có người lại hỏi: Sao cụ lại vào đây? Cụ không có con à? …
Với những định kiến như vậy, việc mời các cụ đến ở cũng là một khó khăn. Lúc đầu anh phải mời từng cụ đến ở mà “không thu một đồng xu nào”.
Bắt đầu từ những người xung quanh mà anh quen biết, ai có bố mẹ già anh đều nhận trông hộ. Anh Ngọc tâm sự: “Thì lúc đầu với những người xung quanh, bạn bè người quen. Tôi bảo nếu bận quá không chăm được các cụ thì đưa các cụ đến đây tôi chăm cho, tôi không lấy tiền đâu.”
Làm việc ở trung tâm 11 năm chị Nguyễn Thị Thu cũng đã có dịp chứng kiến và thấu hiểu những nỗi khổ tâm của người thân và gia đình các cụ khi mới đầu đưa ông bà cha mẹ vào trung tâm.
Nói chuyện với cụ Nguyễn Thị Chung 69 tuổi, quê Hà Nội, sống trong trung tâm của anh Ngọc bảy năm. Ở tuổi gần 70 trông cụ còn tỉnh táo và minh mẫn. Cụ nói: “Ở đây rất vui, tôi rất quý các cháu nhân viên, ai tôi cũng quý. Tôi có một người con gái và hai cháu tra,i hàng tuần các cháu vào thăm một lần, hôm nào không vào được thì gọi điện” |
Có những gia đình anh em không thống nhất với nhau khi đưa bố mẹ vào nhà dưỡng lão. Có người lại giấu gia đình, bạn bè, không giám nói ra. Cũng có trường hợp không cho người quen đến thăm, sợ người ta dị nghị. Có gia đình đưa người thân vào được vài tháng lại phải đón về vì hàng xóm lời ra tiếng vào …
Tóm lại, việc đưa ông bà cha mẹ vào nhà dưỡng lão là một việc bất đắc dĩ. Người thân, gia đình các cụ phải vượt qua nhiều trở ngại về dư luận xã hội mới có thể gởi gắm ông bà, cha mẹ mình vào các viện dưỡng lão.
Càng khó dường như càng làm Ngọc ba điên say nghề. Anh chăm sóc các cụ như chính bố mẹ mình. Dù là bận đến đâu cũng vẫn dành thời gian để trò chuyện với các cụ. “Tôi tìm hiểu tâm tư nguyện vọng cũng như hoàn cảnh gia đình của từng người để từ đó đưa ra chế độ và phương pháp chăm sóc phù hợp”, Anh chia sẻ.
Bằng việc chăm sóc năm cụ đầu tiên từ ăn uống, tắm rửa, giường chiếu, phòng ốc đều phải sạch sẽ, ăn nghỉ đúng giờ, sức khoe các cụ tăng lên. Dần dần anh đã xóa tan những ấn định sai lầm về nhà dưỡng lão. Rồi người này truyền người khác, các cụ tìm đến với trung tâm càng đông hơn.
Kỳ III. Chuyện ở viện dưỡng lão: Bóp ti, đấm vào mặt
Người già đến viện dường lão như ngọn đèn dầu trước gió, lay lắt đã đành, chăm sóc các cụ không chỉ ở vấn đề sức khỏe mà còn phải chiều cả sự trái tính trái nết tuổi già. |
Nguyễn Trâm
End of content
Không có tin nào tiếp theo