Chân dung

Người thành công từ những chữ “điên: Kỳ III- Chuyện ở viện dưỡng lão: Bóp ti, đấm vào mặt

DNHN - Người già đến viện dường lão như ngọn đèn dầu trước gió, lay lắt đã đành, chăm sóc các cụ không chỉ ở vấn đề sức khỏe mà còn phải chiều cả sự trái tính trái nết tuổi già.

Người ta gọi anh là Ngọc ba điên quả không sai, bao nhiêu nghề nhàn nhã không làm lại đi làm cái nghề “già nua” và vất vả như chăm sóc người già. Trông anh lúc nào cũng tất bật, lúc cụ này ốm, lúc cụ kia đau.

 

Đang tiếp chuyện tôi anh lại xin phép dừng lại để chỉ đạo công việc sửa chữa đường dây điện. Anh giải thích: “Sợ không đủ điện cho các cụ sinh hoạt các cụ lại ốm ra đấy thì chết”.

 

Người ta cũng thường bảo người già hay “trái tính trái nết”, nên việc chăm sóc người già cũng phải uyển chuyển theo. Đặc biệt, với những người đến viện dưỡng lão thường là những người mang bệnh lý. Những người khỏe mạnh còn tự chăm sóc được bản thân mình không ai đến viện dưỡng lão.

 

Trong câu chuyện hơn ba tiếng đồng hồ, tôi biết thêm nhiều chuyện dở khóc dở cười của nghề chăm sóc người già mà chính anh đã trải qua. “11 năm, đến giờ phút này những người khỏe mạnh đến với trung tâm chỉ có khoảng 5%, còn lại các cụ người mắc bệnh này, người măc bệnh khác. Có cụ lẫn nói nhân viên ăn cắp tiền, đánh đập các cụ là chuyện thường xuyên. Rồi có cụ vui cũng khóc mà buồn cũng khóc”, anh Ngọc kể.

 

Xin hầu bạn đọc vài chuyện buồn vui của nghề này để phần nào thấu hiểu những vất vả đằng sau sự hào nhoáng nếu có của một doanh nhân.

 

Tỷ như chuyện một cụ có sáu người con, cụ ở với người con út nghiện ma túy. Ở nhà, cụ có bao nhiêu tiền cậu con móc sạch. Nhiều hôm cụ còn bị cậu con đánh, vật lộn với cụ, vồ vào người cụ để lấy tiền. Từ đó cụ đã hình thành phản xạ, luôn để một cái chày ở đầu giường, hễ ai động vào người là.. vụt. Có hôm một nhân viên vào phòng vỗ vào người mời cụ dậy ăn cơm, bất ngờ bị ông đấm thẳng một cú vào mặt.

 Trung tâm có cả chuyên gia nước ngoài

 

Trường hợp khác bi hài hơn. Đấy là cụ ông bị bệnh hoang tưởng cứ gặp phụ nữ là bóp “ti”. Nên mỗi khi bạn bè con gái, con dâu đến nhà chơi là ông cứ nhè chỗ nhạy cảm ấy mà ra tay. Vì vậy, mỗi lần có khách đến nhà là con cái lại phải nhốt ông vào phòng.

 

Những lúc như vậy ông thường đập cửa, ném đồ đạc trong phòng. Khi người nhà đưa ông vào, chưa vấp phải trường hợp nào như vậy nên trung tâm không biết xử lý ra sao. Nhất là ở đây cũng có nhiều nhân viên nữ và các cụ bà. Lúc đầu hễ ông đến gần, các nhân viên nữ đều trốn hoặc tránh xa,  không cô nào nhận chăm ông.

 

Một hôm đang đứng ngoài sân suy nghĩ, thấy cô y tá đi qua ông cụ và hỏi cụ rất to làm cho cụ bừng tỉnh và bắt tay nói chuyện rất vui vẻ. Từ đó anh rút ra cách giải quyết là tập cho nhân viên không nên bỏ trốn hay tránh xa ông cụ. Khi đến gần phải chủ động hỏi để đánh thức ông. Trường hợp này cũng thành “giáo án” để đào tạo nhân viên cách giao tiếp với những bệnh nhân tương tự như thế. Dần dần tật xấu kia của ông cụ cũng mất dần.

 

Chia sẻ công việc ở trung tâm dưỡng lão, một trong những nhân viên lâu năm của trung tâm là chị Nguyễn Thị Hương, y tá trưởng cho biết, làm việc ở đây so với ở bệnh viện thì vất vả hơn nhiều. Nhân viên phải chăm sóc toàn diện cho các cụ, nhiều cụ lú lẫn, ăn rồi bảo chưa ăn, quần áo để tủ bảo mất quần áo. Nhiều khi tắm rửa cho các cụ, các cụ chửi bới, gào thét lên là chuyện bình thường.

 

Chị Hương kể: “Có hôm đang tắm cho một cụ bỗng dưng trái ý bị cụ đấm một cái đau điếng”. Chuyện nhân viên bị các cụ tẩn không phải là chuyện lạ. Nhưng không vì vậy mà các điều dưỡng viên ở đây nản chí, họ phải biết cách nói chuyện nhẹ nhàng, ân cần như với chính người thân của mình. Chị Hương nói: “Làm ở đây lâu nên quen và thấy yêu các cụ nhiều hơn”.

 Chăm sóc các cụ như người thân

 

Một nhân viên khác cũng đến trung tâm từ năm 2001 là Nguyễn Thị Thu tâm sự thành thật: Thật sự, lúc đầu cũng thấy hơi nản. Có những người, việc vệ sinh cá nhân họ không tự chủ được nên chúng tôi phải phục vụ hoàn toàn. Nhưng làm nghề y thì cái tâm phải đặt lên hàng đầu chị ạ. Phải coi đây như một môi trường để rèn luyện sự kiên nhẫn.”

 

Nói chuyện với tôi nhiều lúc chị dừng lại, có lẽ vì ngần ngại nói ra những chuyện tế nhị. Có những y tá trẻ đến làm việc buổi đầu tiên, khi chứng kiến các cụ ị đùn, đái dầm họ đã không làm nổi, phải xin nghỉ. Những người còn trụ lại được, thì một vài ngày đầu họ cũng không thể ăn được cơm.

 

Trong trung tâm của anh Ngọc, bình quân mỗi nhân viên phải chăm sóc 4 - 5 cụ. Nên nhiều lúc nhân viên nữ phải tắm rửa cho các cụ ông, nhân viên nam phải làm vệ sinh cá nhân cho các cụ bà.

 

Chị Thu nhớ lại, có hôm chị tắm cho cụ ông 98 tuổi, là một Việt kiều. Tắm xong cụ không chịu mặc quần áo. Cụ bảo: “Nếu cô nằm với tôi thì tôi sẽ mặc quần áo”. Với kinh nghiệm lâu năm về chăm sóc người già nên chị hiểu các cụ. Chị không giận mà nhẹ nhàng, khéo léo nói với cụ: “Cụ mặc quần áo vào đi, cháu sẽ đi hỏi giám đốc, nếu giám đốc cho phép thì cháu sẽ nằm với cụ”. Lúc đó ông cụ mới chịu mặc quần áo.

 

Chị nói như chia sẻ kinh nghiệm: “Với các cụ, mình không nên đôi co, cãi cọ mà lúc nào cũng phải để cho họ đúng”. Với những cụ hay đánh nhân viên thì không nên đứng trước mặt các cụ mà nên đứng bên cạnh để tránh tầm với của các cụ, hoặc lúc đến gần thì nên chủ động bắt tay để vừa thân mật lại vừa nắm được tay các cụ thì sẽ không bị đánh. Có những trường hợp phải nhờ giám đốc trực tiếp xuống nói chuyện với các cụ, các cụ mới chịu nghe.


Kỳ IV. Đã là thương hiệu, đã hết điên


Sự kiên nhẫn của Ngọc ba điên đã được đền đáp thế nào, mời bạn đón đọc kỳ cuối

 

Như để chứng minh cho tôi hiểu, chị kể chuyện bà Mão sống trong trung tâm này. Bà bị bệnh tai biến nên lúc nào cũng chỉ nói một câu “Chẳng được đâu”. Lúc đầu không ai hiểu, sau này nhân viên phải tự đoán ý bà.

 

Thời gian đầu bà Mão luôn có cái tật, cứ bốn giờ sáng là bà thức dậy đòi tắm. Nếu nhân viên không tắm thì bà gào cho các cụ khác cũng không ngủ được.

 

Nên anh Ngọc phải xuống nói chuyện với bà cụ. Mới đầu bà đồng ý chuyển sang sáu giờ sáng tắm. Sau này anh Ngọc lại phải “thỏa hiệp” với bà một lần nữa để bà đồng ý cho lùi lại chín giờ sáng mới tắm.

 

Hình như mọi nhân viên ở đây đều đã quen với những câu nói ngây ngô, với những lúc trái tính trái nết của các cụ. Nên ở đây không chỉ có chị Hương, chị Thu mà những nhân viên khác cũng vậy. Mặc dù vất vả nhưng lúc nào tôi cũng thấy trên môi họ cũng nở  nụ cười thân thiện, nhẹ nhàng. Có lẽ vì để làm việc được ở môi trường đặc biệt này mỗi nhân viên đều cần phải có một cái tâm nhân ái.

 

Muốn biết nhiều hơn những vất vả bi hài ở nơi các cụ sống, “em ngồi đây khoảng một buổi hoặc một giờ em sẽ thấy. Có những cụ già bị lẫn, họ đòi trốn ra khỏi trung tâm. Không cho họ ra thì họ đánh, họ chửi. Đó là chuyện bình thường”, chị Thu nói và bạn đọc nào còn tò mò thì hãy nghe lời khuyên này.

 

Nguyễn Trâm

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo