Quốc tế

Người tị nạn biểu tình, Hungary đóng cửa đường biên giới

(DNVN) – Sau khi EU đưa ra quyết định cấm người tị nạn vào châu Âu làm hàng ngàn người mất quyền nhập cư, sự việc đã khiến tình hình ở biên giới Hungary trở nên hỗn loạn hơn và chính phủ nước này đã phải ra lệnh đóng cửa toàn bộ đường biên giới.

Ngay sau khi EU đưa ra quyết định mới đối với vấn đề nhập cư của người tị nạn, chính phủ Hungary đã cho ra lệnh thắt chặt kiểm soát đường biên giới với Serbia – nơi có hàng ngàn người tị nạn đang đổ dồn về. Tình trạng trở nên căng thẳng hơn khi người tị nạn bị mất quyền nhập cư, nhiều người mất kiểm soát đã xảy ra xô xát với cảnh sát Hungary, do đó vào nửa đêm hôm qua chính phủ Hungary đã tuyên bố đóng cửa hoàn toàn đường biên giới của nước này.

Người tị nạn biểu tình tại biên giới Hungary - Serbia vào tối qua (Ảnh: AP)
Người tị nạn biểu tình tại biên giới Hungary - Serbia vào tối qua (Ảnh: AP)

Chính phủ đã cho xây dựng hàng rào thép gai kiên cố cùng hàng trăm cảnh sát tại đường biên giới để ngăn cản người tị nạn cố ý tìm cách vượt biên. Vào nửa đêm hôm qua, sự hỗn loạn của người tị nạn trở nên căng thẳng, nhiều người hò hét biểu tình và Hungary đã phải đặt mức báo động khẩn cấp ở đường biên giới phía nam với Serbia. Cảnh sát Hungary cho biết nếu ai vượt qua hàng rào thép gai bằng mọi cách thì sẽ phải đối mặt với án tù cũng như bị trục xuất trở lại Serbia.

Người tị nạn với khẩu hiệu:
Người tị nạn với khẩu hiệu biểu tình: "Châu Âu, lòng nhân đạo của các bạn đã bị đánh mất" (Ảnh: AP)

Tình trạng hỗn loạn này cũng làm cho mối quan hệ giữa Hungary và Serbia trở nên căng thẳng. Chính phủ Serbia cho biết họ đang cố gắng đàm phán với Hungary để mở cửa đường biên trở lại. “Châu Âu cần tìm một giải pháp hữu hiệu hơn nữa. Đóng cửa đường biên giới và cấm người tị nạn nhập cư không phải là cách giải quyết cho cuộc khủng hoảng này khi châu Âu là nơi duy nhất có thể đem lại cuộc sống ổn định cho người tị nạn. Tôi tin Budapest sẽ phải mở cửa đường biên trở lại”, Bộ trưởng các vấn đề xã hội Aleksandar Vulin cho biết.

Chính phủ Serbia cũng cật lực phản đối chính sách “trả lại” người tị nạn của Hungary và châu Âu. Các quan chức Serbia cho rằng, các nước châu Âu nên có chính sách riêng dành cho những người tị nạn trong các trại tị nạn ở Hungary, Hy Lạp và Ý thay vì trục xuất và “trả lại” những người này cho Serbia. Nếu châu Âu “gửi trả lại” những người này, chính phủ Serbia sẽ không tiếp nhận và không giải quyết vấn đề, chính quyền Serbia cho biết.

Bộ trưởng Ngoại giao Serbia Ivica:
Bộ trưởng Ngoại giao Serbia: "Serbia không thể giải quyết vấn đề này" (Ảnh: AP)

Đêm qua, cảnh sát Hungary đã bắt được 174 người tị nạn cố ý vượt qua hàng rào thép gai, trong đó có 16 người đến từ Syria và Afghanistan. Những người này hiện đang bị giam giữ theo luật lệ của Hungary. Nhiều người tị nạn thấy không còn hy vọng đã bước bộ quay trở về Serbia. Trong khi đó, nhiều người vẫn cố bám trụ lại tại biên giới, nhiều người cho biết họ nhất định không chịu nhận lương thực, nước uống từ chính phủ Hungary, họ sẽ ngồi ở đây cho đến khi chính phủ mở cửa đường biên và cho phép họ vào Hungary.

Bất kỳ người tị nạn nào vượt qua hàng rào thép gai sẽ phải đối mặt với án tù của Hungary (Ảnh: AP)
Bất kỳ người tị nạn nào vượt qua hàng rào thép gai sẽ phải đối mặt với án tù của Hungary (Ảnh: AP)

Tuy nhiên, chính phủ Hungary vẫn nghiêm túc thực hiện quyết định mới của EU và không cho thấy bất kỳ dấu hiệu nào của việc nới lỏng kiểm soát đường biên với Serbia mà còn tăng cường xây dựng thêm hàng rào thép gai kiên cố.

 

Chính phủ Hungary hy vọng rằng đường lối cứng rắn này của Hungary sẽ đánh dấu nỗ lực ngăn chặn dòng người tị nạn đang đổ xô về châu Âu trong nhiều năm qua. Hơn 9000 người tị nạn đã đổ về Hungary, khiến cho đất nước nằm ở cửa ngõ đi vào châu Âu này rơi vào tình trạng hỗn loạn và gây ảnh hưởng rất nhiều đến kinh tế, xã hội Hungary. Do đó, chính quyền Hungary cần phải mạnh tay và cứng rắn hơn nữa đối với cuộc khủng hoảng nhập cư này.

Hàng rào thép gai kiên cố tại đường biên Hungary - Serbia (Ảnh: AP)
Hàng rào thép gai kiên cố tại đường biên Hungary - Serbia (Ảnh: AP)

Hiện nay các nhà lãnh đạo EU đã nhất trí thông qua quy chế cấp quyền tị nạn cho người tị nạn ở châu Phi, EU đang lên kế hoạch cấp kinh phí để xây dựng và mở rộng các trại tị nạn ở châu Phi và các nơi khác ngoài EU nhằm chuyển gánh nặng trách nhiệm sang cho nước thứ ba. 

Hồng Đinh Minh (Theo The Guardian)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo