Người tiêu dùng cần doanh nghiệp bảo vệ môi trường
Bà Hạnh cũng cho biết, có đến 17 doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, dù được người tiêu dùng bình chọn, nhưng không đạt danh hiệu do có ý kiến của các sở ban ngành địa phương, trong đó chủ yếu là do vi phạm về môi trường.
Theo đó, ngoài yếu tố chất lượng sản phẩm, ban tổ chức cuộc bình chọn danh hiệu hàng Việt Nam chất lượng cao đã đề nghị doanh nghiệp tự nộp hồ sơ để minh bạch thông tin, đồng thời đề nghị các cơ quan quản lý chất lượng, thị trường, môi trường… của các tỉnh thành nơi doanh nghiệp trú đóng trên cả nước phản ánh tình hình vi phạm các tiêu chí này.
Có 26 sở ban ngành các tỉnh, thành đã phản hồi thông tin cụ thể để ban tổ chức thẩm tra các tiêu chí về quản lý chất lượng hàng hoá, xuất xứ hàng hoá, trách nhiệm môi trường cũng như trách nhiệm với người lao động, với người tiêu dùng…
Theo khảo sát của một tổ chức quốc tế, 70% người tiêu dùng hiện nay đặt sự quan tâm đến yếu tố môi trường lên hàng đầu. Như vậy việc loại ra khỏi danh sách những doanh nghiệp vi phạm về môi trường, là tuân theo mong muốn của số đông người tiêu dùng hiện nay, vì nền kinh tế tăng trưởng bền vững, mà cũng là hướng đến nền sản xuất sạch, xanh, vì cộng đồng và sức khoẻ người tiêu dùng.
Kết quả điều tra trực tiếp cũng như điều tra sâu theo chuỗi thời gian do Sài Gòn Tiếp Thị phối hợp hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao thực hiện, tỷ lệ người tiêu dùng trên cả nước chọn mua dựa trên nền tảng chất lượng, thương hiệu là 37%, sự dễ mua 23,5%, giá cả 20%, thói quen 17,7%. Đáng chú ý, yếu tố dễ mua đứng trước giá cả cho thấy vai trò của mạng lưới phân phối.
Năm 2012, có 419 doanh nghiệp đạt danh hiệu HVNCLC do người tiêu dùng bình chọn. |
Kết quả điều tra cũng phản ánh, những nỗ lực quảng bá, tiếp thị hàng Việt Nam vẫn chưa đạt kết quả cao, thể hiện rõ qua hành vi của người tiêu dùng. Cụ thể như yếu tố kinh nghiệm bản thân đang đóng vai trò quan trọng nhất ảnh hưởng đến quyết định mua. Kênh người tiêu dùng thường tham khảo thông tin về sản phẩm là: truyền hình (17,8%), người thân/bạn bè (14,6%), người bán (10,5%), báo chí (4,9%)… Đáng chú ý là vai trò của người bán hàng mới chiếm tỷ lệ 2,2%. Nếu đầu tư tốt hơn vào người bán hàng, hàng Việt Nam có thể tăng lượng tiêu thụ lên nhanh chóng hơn.
Chợ có thể là nơi hàng Việt Nam chất lượng cao có thể tăng trưởng doanh số bán hàng hữu hiệu. Bởi theo kết quả khảo sát, các kênh phân phối truyền thống (chợ, tiệm tạp hoá) vẫn còn sức hút đối với người tiêu dùng, có tới 72% người mua chọn các kênh phân phối truyền thống là điểm dừng chân để mua sản phẩm hàng Việt Nam chất lượng cao.
Theo SGTT
End of content
Không có tin nào tiếp theo