Chân dung

Người trồng rừng có tâm hồn nghệ sĩ: Đã mãi mãi về với rừng xanh

(DNVN) - Ở ông hội tụ phẩm chất của một công chức ngành Giáo dục, một nông dân, một giám đốc doanh nghiệp trồng rừng với tình yêu thiên nhiên tha thiết, một nghệ sỹ có năng lực sáng tác thơ và ca khúc âm hưởng trữ tình.

Ông là một hiện tượng lạ mà bình dị. Cái lạ và bình dị của một người trồng rừng có tâm hồn nghệ sỹ. Ở ông hội tụ phẩm chất của một công chức ngành Giáo dục, một nông dân, một giám đốc doanh nghiệp trồng rừng với tình yêu thiên nhiên tha thiết, một nghệ sỹ có năng lực sáng tác thơ và ca khúc âm hưởng trữ tình. Vào một ngày đầu tháng 5.2016, khi vừa chạm tuổi 70, ông chọn cách ra đi, nơi an nghỉ cũng lạ và bình dị, nhân văn  như chính cuộc đời ông.

Ông trồng rừng Lê Duy Nguyên

Sinh thời Lê Duy Nguyên ấp ủ việc trồng rừng. Ông mê cái nghề gian truân này từ khi còn là nhân viên phòng thí nghiệm Trường chuyên Phan Bội Châu, tỉnh Nghệ An. Năm 1990, khi Nhà nước có chủ trường giao đắt trống, đồi núi trọc cho nông dân trồng rừng, ông xúc tiến lập doanh nghiệp trồng rừng ở Đông Hồi và giao cho vợ làm giám đốc. Năm 1993, ông xin nghỉ việc tại phòng thí nghiệm trường Phan về trực tiếp thay vợ điều hành doanh nghiệp.

Cái khó và nỗi khổ của việc trồng rừng chắc ai cũng hiểu. Lê Duy Nguyên đã chọn cho mình cái việc khó khăn ấy và ông trở thành hiện tượng lạ không chỉ ở Nghệ An mà cả nước. Sau gần 20 năm gian truân, vất vả từ nguồn vốn lấy ngắn nuôi dài và nguồn vay ngân hàng, ông trở thành chủ nhân của gần 1.000 ha rừng trồng bạt ngàn từ 5 đến 18 tuổi, với đa dạng sinh học, đủ các loại cây bản địa, cây nguyên liệu giấy, cây lấy nhựa.v.v. Trong đó có tới 450 ha rừng lim. Ngoài ra còn một đập nước trữ lượng hơn nửa triệu m3 nước trên núi cao, 10 km đường cho ô tô đi được để tuần tra, bảo vệ, chăm sóc, sản xuất rừng và nhiều loại chim thú.

Hiện tượng lạ Lê Duy Nguyên ngoài bỏ phố xá phồn hoa đi trồng rừng còn là tình yêu thiên nhiên tha thiết. Đất nước này có biết bao nhiêu người trồng rừng, nhưng tôi không biết có ai  yêu thiên nhiên đến kỳ lạ như Lê Duy Nguyên. Tình yêu thiên nhiên của ông không vụ lợi mà vì môi trường, vì cộng đồng, vì hôm nay và vì mai sau.

Ông trồng rừng Lê Duy Nguyên (bên trái) và tác giả

Tình yêu thiên nhiên ấy thể hiện: gần 1000 ha rừng trồng của ông không hoàn toàn vì mục đích kinh tế mà vì đa dạng sinh học. Bên cạnh trồng những cây kinh tế để "lấy ngắn nuôi dài", cơ cấu rừng trồng của ông thể hiện mục tiêu môi trường bền vững. Bằng chứng là với 450ha rừng lim hơn 20 ngàn cây, 70 năm nữa mới cho thu hoạch, chứng tỏ ông trồng lim để cho thế hệ mai sau, chứ không phải cho bản thân ông. Điều này mang ý nghĩa sâu xa về sự bền vững môi trường và bảo tồn một loài cây lấy gỗ quý hiếm đang dần tuyệt chủng bởi sự tàn phá của con người; 50.000 cây có quả các loại như: Đa, sy, vả, bời lời, xoan dâu... không phải lợi ích kinh tế mà là để tạo nguồn thức ăn vẫy gọi các loài chim về cư ngụ và sinh sôi. Vì sự đa dạng sinh học, ông còn trồng hàng ngàn khóm tre, trúc cho các loài chim về đậu. Năm 1996 - 1997 khi hươu sao "mất ngôi Hoàng đế", ông mua 50 con hươu thả vào rừng. Tiếp đó là thả tiếp 30kg rùa và năm 2010, khi rừng đã có những cây gần như cổ thụ, ông mua tận Cao Bằng 50 cặp tắc kè thả vào rừng xanh. Những cây, con ông trồng và mua thả ấy đâu vì kinh tế cho ông mà vì môi trường, sinh thái cho quê hương, đất nước.

Tình yêu thiên nhiên của Lê Duy Nguyên còn thể hiện ở chỗ ông chăm chú theo dõi kết quả các cuộc thi sáng tác về đề tài môi trường và thiên nhiên. Bất kỳ ai ở Nghệ An đoạt giải, ông đều đến tận nơi tặng quà, với mục đích khuyến khích tác giả tiếp tục viết về thiên nhiên và môi trường, tuyên truyền người dân nâng cao ý thức bảo vệ rừng. Nhạc sỹ Quang Vượng, tác giả Vi Hợi… là những người đoạt giải ca khúc, và bút ký văn học (không phải viết về ông) đã được ông tặng quà như thế.

 

Những năm cuối đời, với khát vọng truyền tình yêu thiên nhiên của mình cho hiện tại và thế hệ mai sau, ông tìm mua những hòn đá tự nhiên lớn hàng chục tấn, cẩu về đặt giữa rừng xanh Đông Hồi, thuê thợ tạc lên đá câu hỏi mang ý nghĩa của một lời nhắn nhủ dịu dàng: “Bạn có yêu thiên nhiên không?”. Một tảng đá khác ông tạc câu 2 thơ nhắn gửi với đời, về cuộc đời của chính ông và cũng là của nhiều người: “Núi kia ngàn năm còn đó/Thăng trầm bao lần đi qua”

Khi ông lam lũ với việc trồng rừng, bỏ tiền ra mua hươu, chim tắc kè thả vào rừng vì mục tiêu dài lâu là đa dạng sinh học, nhiều người bảo ông là kẻ điên, không biết hưởng thụ bởi tuổi đã xế chiều. Ông Nguyên nói: "Mình sẽ hưởng thụ nhiều hơn, cao hơn sự hưởng thụ bình thường" từ rừng xanh ban tặng. Và thực tế những năm cuối cuộc đời, ông cùng những người công nhân của ông, bà con xã Quỳnh Lập quê ông đã là những người được hưởng thụ như thế. Đó là việc hằng ngày, được hít thở bầu không khí trong lành rừng xanh mang lại; Đó là những ngày hè, khi bóng chiều đổ dài bởi những cánh rừng xanh ngắt, ông ngồi một mình với rừng xanh tĩnh lặng, nghe lá thở, đá nói, đất sinh sôi, chim sóc ca hót… Hay những chiều thu trời xanh tiếp nối với rừng xanh, ông mặc sức chiêm ngưỡng những bộ 3 con gà rừng chí chóe nhau bởi hai con trống giành nhau một con mái. Con trống thắng cuộc hãnh diện bên con mái, rồi chúng dắt nhau vào cuộc thỏa thuê tình ái... 

Cái lạ và bình dị thủa sinh thời ấy của Lê Duy Nguyên đã trở thành đề tài khai thác của báo giới, văn nghệ sỹ. Gần 20 năm qua đã có tới 70 bài báo, 50 bài thơ, 6 ca khúc, hàng chục bộ phim và phóng sự truyền hình TW, địa phương viết về ông.

Là người trồng rừng có tâm hồn nghệ sỹ, Lê Duy Nguyên khá nhạy cảm trước cuộc sống. Trong lao động vất vả nhưng ông luôn sống trong cảm xúc và sáng tạo nghệ thuật. Ông là tác giả của hàng loạt bài thơ ý tứ gai góc, chất bác học và những ca khúc mang đậm chất trữ tình của hồn quê xứ Nghệ. Nhiều bài thơ và ca khúc của ông được đăng tải trên báo TW và địa phương là do bạn bè, cánh nhà báo nghe, đọc bản thảo, thích thú, tự mang về đăng chứ ông không tự mình gửi  đăng bao giờ. Nhiều ca khúc của ông được nữ ca sỹ Anh Thơ, NSND Thu Hiền, nam ca sỹ Quang Lý chọn hát, thâu băng.

Khán giả cả nước hẳn không ai lại không xúc động, khi xem chương trình truyền hình trực tiếp Lễ kỷ niệm 45 năm chiến thắng Truông Bồn diễn ra một ngày tháng 6/2013 tại chính nơi 14 TNXP, thuộc Tổng đội TNXP Nghệ An anh dũng hy sinh  năm 1968. Tại buổi lễ này, NSND Thu Hiền đã trình diễn ca khúc "Huyền thoại Truông Bồn" trên nền vũ đạo do Nghệ sỹ, nhà giáo, nhạc sỹ An Thuyên tổng đạo diễn.  Âm hưởng lắng đọng hồn người của ca khúc đã gây xúc động hàng triệu con tim, nhưng mấy ai biết được tác giả của ca khúc tuyệt vời ấy là của một người trồng rừng giản dị: Lê Duy Nguyên. Ca khúc của ông được dàn dựng công phu, gây tiếng vang lớn và... không một đồng nhuận bút, nhưng ông lấy làm hạnh phúc, bởi ông coi đó là tiếng khóc ông giành cho Liệt sỹ.

 

Lời nhắn gửi tạc vào đá của ông Lê Duy Nguyên

Sinh thời ông là hiện tượng lạ mà bình dị, khi vừa chạm tuổi 70, ông đã chọn cách ra đi, nơi an nghỉ cũng lạ và bình dị, nhân văn  như chính cuộc đời ông. Cách ông chọn ra đi thật thanh thản, không phiền lụy đến người thân đang sống: Ngày 8.5.2016, ông vẫn bình thường, vẫn đi rừng điều hành công nhân chăm sóc, bảo vệ rừng như thường lệ. Đêm về với văn phòng bé nhỏ bên bờ biển dưới chân núi, cũng như thường lệ: sau bữa cơm đạm bạc, ông lên dường ôm latop nằm điểm báo, điểm tin, lướt facebook, nghe nhạc, nghe lá thở, nghe sóng biển rì rào... rồi lặng lẽ chìm vào giấc ngủ vĩnh hằng.

Lễ tang ông bình dị như lời ông dặn: Không báo tin cho bất kỳ ai ngoài thân quyến, không tiếng khóc, không cờ, không kèn trống, không Ban tổ chức lễ tang...và đưa ông đi trong đêm về núi Xước, nơi ông đã chọn giữa ngút ngàn rừng xanh Đông Hồi đẫm mồ hôi ông, bởi ông không chết mà chỉ mãi mãi về với rừng xanh. Ông dặn vậy nhưng từ thông tin trên facebook, nhân dân vùng Đông Hồi, bạn bè thân hữu ở Nghệ An và nhiều nơi khác đã bàng hoàng khi hay tin ông ra đi. Đám tang ông trong đêm (như lời ông dặn) nhưng không lặng lẽ bởi thương tiếc, ngưỡng mộ ông mà hàng ngàn người là nông dân, ngư dân Đông Hồi, giáo chức, cán bộ cấp tỉnh, huyện đã nghỉ hưu và đương chức, Linh mục giáo xứ, giáo sỹ, Nhà báo, văn nghệ sỹ...  đã đến thắp hương vĩnh biệt ông. Nhà báo Giao Hưởng lặng lẽ viết Điếu văn, Chủ tịch Hội Nhà báo Nghệ An, Nhà báo Trần Duy Ngoãn xúc động rưng rưng đọc Điếu văn trước linh sàng ông, cả dòng người, xe theo ông lên núi Xước tiễn biệt ông.

Thôi thế là từ nay không còn được cùng ông nhâm nhi cafe  đàm đạo chuyện nhân tình thế thái mỗi khi ông về phố, không còn được ngắm ông ôm đàn ghita thả hồn vào từng nốt nhạc. Không còn được cùng ông leo núi, băng rừng đào hố trông cây, chăm chút từng mầm non. Ông đã bỏ bụi trần về với Đông Hồi làm bạn với rừng xanh, chim sóc, muôn thú thấm đẫm mồ hôi ông. Biển và rừng xanh Đông Hồi mãi ru ông giấc ngủ ngàn năm.

TÔ LAN
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo