Người Trung Quốc thuê đất: Việt Nam vẫn kiểm soát chặt!
"Vị trí trên đất liền chúng ta vẫn quản lý và kiểm soát rất chặt chẽ. Không đáng lo ngại".
Đại tá Trịnh Đình Thạch, Ủy viên Thường vụ Đảng ủy quân sự tỉnh Quảng Ngãi, Phó Chỉ huy trưởng kiêm Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Ngãi, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi đã khẳng định như vậy với chúng tôi trước lo ngại những vị trí đất cho các dự án nước ngoài thuê có thể ảnh hưởng đến quy hoạch và kế hoạch đất quốc phòng, an ninh
Hiện Phương án quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ đầu (2011-2015) đối với đất quốc phòng và đất an ninh đang được hoàn thiện.
Theo đó đất quốc phòng có 277.944 ha, tăng 88.618 ha so với năm 2010, so với chỉ tiêu kế hoạch sử dụng đất đến năm 2015 theo nghị quyết Quốc hội là 372.000 ha, đạt 74,73%. Đất an ninh có 55.578 ha, tăng 7.027 ha so với năm 2010, so với chỉ tiêu kế hoạch sử dụng đất đến năm 2015 theo nghị quyết Quốc hội là 78.000 ha, đạt 71,25%.
Tuy nhiên có nhiều ý kiến lo ngại tại nhiều nơi người Trung Quốc núp bóng dân địa phương thuê lại đất để làm nông nghiệp, rồng rừng...
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn hiện có trên 300.000ha diện tích đất cho thuê trồng rừng. Song Ủy ban An ninh Quốc phòng cho biết, toàn quốc có 19 dự án nước ngoài được cấp phép ở trồng rừng ở 18 tỉnh với diện tích trên 398.374ha chứ không phải 305.353ha như bộ báo cáo.
Đáng chú ý, hầu hết diện tích cho thuê đều nằm ở vị trí, khu vực trọng yếu về quốc phòng, an ninh, có khu vực là rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn.
Từ năm 2010, theo báo cáo của 8 tỉnh Cao Bằng, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Bình Định, Kon Tum và Bình Dương... đã cho 10 DN nước ngoài thuê đất rừng đầu nguồn dài hạn (50 năm) trồng rừng nguyên liệu với tổng diện tích hơn 300 ngàn ha, trong đó doanh nghiệp từ Hongkong, Đài Loan, Trung Quốc chiếm trên 264 ngàn ha, 87% ở các tỉnh xung yếu biên giới.
Tướng Đồng Sỹ Nguyên từng đặt câu hỏi, vì sao các doanh nghiệp nước ngoài lại chọn thuê đất chủ yếu ở Lạng Sơn, Cao Bằng, Quảng Ninh, đặc biệt ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, nơi có trục đường 7, đường 8 sang Lào, đường đi lên Tây Nguyên?
"Rõ ràng đó là những tỉnh xung yếu biên giới, có những vị trí địa chiến lược mang tính cốt tử. Bản thân dân nước mình cũng đang thiếu việc làm.Và khi đã thuê được rồi thì liệu họ có sử dụng lao động là người Việt Nam hay là đưa người của họ sang?", Tướng Đồng Sỹ Nguyên nghi ngại.
Trước sự nghi ngại này, Đại tá Thạch cho rằng: Thực ra chuỗi âm mưu của Trung Quốc đã tính toán từ trước, kể cả việc đặt gian khoan trên biển tiến tới từng bước độc chiếm Biển Đông nhưng việc làm được đến đâu còn phụ thuộc vào Việt Nam và quốc tế chứ không phải một mình Trung Quốc quyết định.
Theo đại tá Thạch, mặc dù sức mạnh quân sự của Trung Quốc hiện nay có thể các nước ASEAN đối đầu không đủ sức mạnh tuy nhiên còn luật pháp quốc tế, dư luận, đạo đức quốc tế.
Còn đối với các vị trí trên đất liền nội địa xuất hiện người dân Trung Quốc hay các nước khác thuê đất để trồng rừng, đại tá Thạch khẳng định: "Những địa điểm nhạy cảm thì cũng là về kinh tế còn dấu hiệu chính trị chưa khẳng định được. Vị trí trên đất liền chúng ta vẫn quản lý và kiểm soát rất chặt chẽ. Không đáng lo ngại gì".
Báo Đất Việt
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo