Người Trung Quốc vào tận Quảng Nam đào vàng
(TTO) Cách trung tâm hành chính huyện Hiệp Đức khoảng 20km, nằm sát tuyến quốc lộ 14E, nhưng khu vực khai thác vàng của Công ty TNHH khoáng sản Phúc Thuận rất im ắng. Bao bọc bởi cánh rừng trồng che phủ và một ngọn đồi bát úp nên người đi đường không thể nhận thấy quy mô đồ sộ của việc khai thác chế biến vàng tại đây.
Nắng như nung. Mùi hóa chất khét lẹt xộc tận óc. Máy ủi, máy đào, máy nổ, máy xay rầm rập cả cánh rừng. Từng tốp công nhân bên các bể chứa, trong các giàn khoan đang xử lý công việc. Cánh rừng bị cày nát, từng ngọn đồi bị san phẳng, đất đá ngổn ngang, những hố hầm sâu hoắm cắm vào lòng núi. Còn khe Hố Chuối bên dưới nước đọng thành từng vũng đen ngòm, bốc mùi nồng nặc.
Anh Trần Hữu Hải, người từng có thời gian lái xe múc cho công ty này, tiết lộ: “Ở đây người Trung Quốc nhiều lắm! Họ ở mấy năm nay rồi”. Theo lời Hải thì người Trung Quốc đến đây khoảng từ năm 2008. Lúc đầu họ đến thăm dò địa chất, dân địa phương còn gọi là đi “tăm vàng”.
Khu vực đào đãi vàng của Công ty TNHH khoáng sản Phúc Thuận rộng hơn 12 ha, được UBND huyện Hiệp Đức thu hồi của bà Trần Thị Năm năm 2008, và giao cho công ty này thuê để hoạt động khoáng sản. Khai hoang trồng rừng quanh khu vực Hố Chuối từ năm 1990, bà Năm không hề biết phía dưới đất có nhiều vàng.
Bà Năm mở gần 15 ha để trồng keo, xoan, đào ao nuôi cá. Năm 2008, chính quyền huyện Hiệp Đức thu hồi trang trại này của bà, nhưng theo bà Năm thì việc đền bù không thỏa đáng khiến tình trạng khiếu kiện, khiếu nại kéo dài hơn 10 năm qua. Chính vì theo kiện mà gia đình bà lâm vào cảnh khốn cùng.
Ngồi trước mảnh đất xưa là trang trại của bà, nay ngổn ngang hố hầm, máy móc, bà Năm nói như mếu: “Tôi bán 20 con bò, vay 150 triệu ở ngân hàng để đi kiện. Tuần trước cầm luôn cái nhà 300 triệu rồi. Đâu biết chữ đành thuê luật sư, chạy đôn đáo ra trung ương, về tỉnh, hầu tòa kêu oan hơn 10 năm qua. Đơn thư phải tính bằng ký nhưng chưa giải quyết xong”.
Bà Năm có 8 người con, gia cảnh khốn khó không ai học hết cấp II, khai hoang trồng rừng bà mong những đứa con bám rẫy, rừng mà sống. Khi chính quyền huyện thu hồi đất, tiền đền bù 600 triệu đồng nhưng bà không nhận.
Bởi theo bà Năm việc đền bù này không thỏa đáng. “Rứa rồi họ cưỡng chế. Tôi đi kiện cứ kiện. Họ vẫn ngang nhiên chặt cây, cày núi, bạt đồi, ủi rừng của tôi để đào lấy vàng. Thấp cổ bé họng biết kêu ai. Nếu đất nớ không có vàng tôi đâu khổ như ri” – bà Năm than vãn.
Chủ tịch UBND huyện Hiệp Đức, ông Đào Bội Thuyên, không bình luận thêm về việc người Trung Quốc xuất hiện ở địa bàn. Ông Thuyên cho rằng người Trung Quốc này đến dưới dạng chuyên gia của công ty, và việc đúng sai trong vụ khiếu kiện của gia đình bà Năm đã có tòa án ở các cấp giải quyết.
Còn luật sư Nguyễn Sơn, chủ nhiệm Đoàn luật sư Quảng Nam, cho biết đất của người dân đang quản lý sử dụng ổn định và hợp pháp gồm đất sản xuất, đất nuôi trồng thủy sản nếu muốn khai khoáng thì phải chuyển đổi mục đích sử dụng.
Chính quyền địa phương không chuyển đổi mục đích mà đã giao cho doanh nghiệp khai thác khoảng sản là không hợp pháp. Cũng theo luật sư Sơn thì việc khai thác tận thu ưu tiên cho tổ chức, cá nhân tại địa phương nhưng lại giao cho người ngoài và tiếp tục chuyển nhượng cho người khác ngoài địa phương là trái với Nghị định 160/2005/ NĐ-CP của Chính phủ.
Việt Anh
End of content
Không có tin nào tiếp theo