Chân dung

Người truyền lửa ở Nhựa Tiền Phong

Một buổi chiều cuối năm Đinh Dậu, trong không khí hối hả chuẩn bị đón Xuân mới Mậu Tuất, chúng tôi dường như thấy thời gian đi chậm lại để cùng thảnh thơi chiêm nghiệm những triết lý sống, kinh doanh, những câu chuyện rất đời thường của ông Nguyễn Quốc Trường, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (Nhựa Tiền Phong). Chuyện của người truyền lửa ở Nhựa Tiền Phong cũng truyền cho cánh nhà báo chúng tôi ngọn lửa đam mê cống hiến, để cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.

Gắn bó với Nhựa Tiền Phong như là duyên số

Tổng Giám đốc Nguyễn Quốc Trường cho biết, ông đến với Nhựa Tiền Phong như duyên số trời định vậy. Vốn là dân chuyên toán, rồi trở thành sinh viên ngành điện của Trường Đại học Cơ điện Bắc Thái, đam mê nghiên cứu và sáng tạo đã dần ngấm vào máu của ông và đến nay đam mê đó vẫn không hề giảm.

Năm 1982, sau khi tốt nghiệp đại học, ông Trường về Nhựa Tiền Phong làm việc. Say mê, tận tụy và sáng tạo, năng lực của người kỹ sư trẻ ở vị trí nào cũng được khẳng định. Ông lần lượt đảm nhận các vị trí quản lý từ Phó quản đốc, Quản đốc phân xưởng, Ủy viên Hội đồng Quản trị, Phó Tổng Giám đốc Kinh doanh, Phó Tổng Giám đốc Thường trực. Đến năm 2013, ông được Hội đồng Quản trị tín nhiệm giao đảm nhận vị trí Tổng Giám đốc Công ty.

Dưới sự chèo lái của Ban lãnh đạo Công ty mà đứng đầu là người thuyền trưởng Nguyễn Quốc Trường, cùng gần 1.400 người lao động đã đồng lòng, dồn sức cùng vượt qua mọi khó khăn, Công ty Nhựa Tiền Phong liên tục tạo ra sản phẩm mới, giữ vững vị thế số 1 trong ngành ống nhựa Việt Nam và góp mặt trong top 100 doanh nghiệp thịnh vượng năm 2017.
Người  dân phải được hưởng những sản phẩm tốt nhất

Trong câu chuyện với chúng tôi, ông Trường chia sẻ: Đích của lãnh đạo Nhựa Tiền Phong là mong người dân Việt Nam được hưởng sản phẩm theo tiêu chuần quốc tế nhưng giá thành phải phù hợp với thu nhập của người dân Việt Nam. Phụng sự xã hội, yêu đất nước phải bằng chính những việc làm cụ thể, Nhựa Tiền Phong làm điều đó với mong muốn góp phần đưa Việt Nam sánh vai với các nước tiên tiến.

Từ ban lãnh đạo cho đến người công nhân của Công ty Cổ phần Nhựa Tiền Phong luôn đau đáu một điều là sản phẩm của Tiền Phong làm ra phải tốt nhất, kể cả từ đôi dép, quả bóng bàn…

Để làm được điều đó, chiến lược đầu tư của Nhựa Tiền Phong là phải theo kịp công nghệ của các nước tiên tiến như Nhật Bản và 1 số nước châu Âu. Công ty sẵn sàng đầu tư kinh phí, thường xuyên tham gia các hội chợ, hội thảo tại nhiều nước, như Đức, Áo, Nhật Bản để tiếp thu các công nghệ và vật liệu hiện đại của nước bạn đưa về áp dụng tại Việt Nam. Từ năm 2014, Nhựa Tiền Phong đã đầu tư hệ thống dây chuyền sản xuất ống nhựa HDPE DN 2000 bằng thiết bị và công nghệ châu Âu với giá trị 150 tỷ đồng. Đây là 1 trong 8 dây chuyền có thể sản xuất ống nhựa HDPE có đường kính đến 2.000 mm trên thế giới. Nhựa Tiền Phong là đơn vị đầu tiên tại Việt Nam và châu Á đầu tư dây chuyền thiết bị hiện đại này.

Chắc chắn người dân Việt Nam sẽ được hưởng các sản phẩm theo đúng tiêu chuẩn của Nhật Bản nhưng với giá Việt Nam - ông Trường khẳng định. Điều này sẽ sớm thành hiện thực bởi đối tác của Nhựa Tiền Phong là Tập đoàn Sekisui Chemical (Nhật Bản) đã gắn bó qua gần 10 năm hợp tác kinh tế và đến năm 2017, Tập đoàn kinh tế lớn thứ 2 tại Nhật Bản đã đóng góp 15 % cổ phần vào Nhựa Tiền Phong. 

Đến cuối năm 2017, Công ty có 5 nhà máy sản xuất, 2 tại Hải Phòng, còn lại là tại Nghệ An, Bình Dương và Vientiane (Lào) với tổng năng lực sản xuất khoảng 120.000 tấn/năm. Công ty đã sẵn sàng cho giai đoạn phát triển tiếp theo, từng bước hiện thực hóa mục tiêu trở thành một trong những công ty cung cấp nhựa hàng đầu Việt Nam và tiến tới là cả khu vực Đông Nam Á.

Người truyền lửa ở Tiền Phong

Nói về quan niệm sống của mình, ông Trường tâm sự: Mỗi con người sinh ra trong cuộc đời chỉ có 2 điều: Một là nhân phẩm, sao cho xứng đáng là con người, tức là tâm của mình. Hai là phải nỗ lực. Muốn thành công phải nỗ lực, là quá trình phấn đấu không ngừng, không được lười biếng. Nếu thất bại, cần phải đứng lên làm tiếp, mỗi lần thất bại là mỗi lần để rút kinh nghiệm, tránh thất bại. Đây cũng chính là điều mà ông thường truyền lửa cho các cộng sự trẻ để họ vững vàng trước mọi thử thách của cuộc sống.

Về những con người ở Nhựa Tiền Phong, ông Trường khẳng định, họ là những chiến sĩ thầm lặng góp sức cho bước phát triển của Công ty hôm nay. Ở Tiền Phong, con người được đặt lên hàng đầu và Công ty không bị chảy máu chất xám. Rất nhiều gia đình 3-4 thế hệ làm việc tại đây. Công ty đặc biệt quan tâm tạo môi trường để người lao động có cơ hội phát triển, được tạo điều kiện đi học từ công nghệ đến quản lý, không chỉ trong nước mà cả nước ngoài. Một điều quan trọng nữa là ở Nhựa Tiền Phong, sự sáng tạo luôn được coi trọng và đề cao. Hàng năm, Công ty dành hàng tỷ đồng để trao thưởng cho những người lao động có sáng kiến cải tiến kỹ thuật mới, đem lại hiệu quả cao trong công việc.

Khởi xướng “cầu nối yêu thương”

Với quan niệm làm người phải dùng tâm để tạo đức, có đức thì phúc sẽ đến và theo đó là tài và lộc, ông Trường cùng tập thể những người lao động Nhựa Tiền Phong luôn hết mình với các hoạt động thể hiện trách nhiệm với cộng đồng. Ông cùng với Hội đồng quản trị khởi xướng chương trình “Cầu nối yêu thương” để tập hợp các doanh nghiệp trên địa bàn TP Hải Phòng tham gia. Dự kiến chương trình sẽ huy động khoảng 60 tỷ đồng và được thực hiện trong 5 năm tới với mục tiêu xây dựng trên 60 cây cầu dân sinh hoặc những con đường mới cho những nơi đồng bào còn gặp nhiều khó khăn. 

Mở đầu chương trình này, ngày 20/11/2017, Công ty đã tổ chức khánh thành cây cầu treo trị giá trên 700 triệu đồng tại xã Pá Khoang, huyện Điện Biên. Cây cầu treo dân sinh và đường nối liền trường tiểu học với trường mầm non số 1 xã Pá Khoang giúp người dân vùng sâu có đường đi lại, các em học sinh thuận lợi đến trường, thỏa niềm đam mê học hành. Cây cầu thứ 2 được Công ty khởi công ngày 22/12/2017 tại xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, dự kiến đầu tháng 2/2018 sẽ khánh thành, trị giá 1,5 tỷ đồng.

Hơn 30 năm làm việc tại Nhựa Tiền Phong, Tổng Giám đốc Nguyễn Quốc Trường đã trở thành một biểu tượng cho sự tận tụy, người truyền lửa cho những đam mê, gắn kết tập thể người lao động dưới mái nhà chung Nhựa Tiền Phong để cùng đóng góp cho sự phồn vinh của đất nước.

Nên đọc
Loan Trần
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo