Người Việt chi 66,9 triệu USD mua ôtô Nga
Theo Hải quan Việt Nam, trong 8 tháng qua, Việt Nam nhập khẩu 1,18 nghìn chiếc ôtô nguyên chiếc các loại từ thị trường Nga, tăng 373,6% tức cao gấp gần 4 lần (tương ứng tăng 868 chiếc) so với cùng thời gian năm 2015, giá trị tương ứng đạt 66,9 triệu USD.
Trong đó, nhập khẩu ôtô tải đạt 960 chiếc, tăng 707 chiếc; ôtô loại khác đạt 172 chiếc, tăng 137 chiếc; ôtô loại 9 chỗ ngồi trở xuống chỉ có 48 chiếc, trong khi 8 tháng năm 2015 chỉ nhập chỉ duy nhất 1 chiếc ôtô nguyên chiếc loại này.
Theo đánh giá của giới kinh doanh, lượng ôtô nhập khẩu từ Nga sẽ còn tăng cao khi mà Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á-Âu (VN-EAEU FTA) đã chính thức có hiệu lực vào ngày 5/10. Theo đó, khi Hiệp định này có hiệu lực, dự kiến thuế suất một số dòng ôtô nhập khẩu từ Nga vào Việt Nam sẽ về 0.
Cụ thể, theo Dự thảo Quyết định về nghị định thư giữa Việt Nam và Liên bang Nga về hỗ trợ sản xuất phương tiện vận tải có động cơ trên lãnh thổ Việt Nam, từ ngày 5/10, liên doanh tại Việt Nam giữa doanh nghiệp Nga (Nhà máy sản xuất ô tô GAZ, Công ty Thương mại quốc tế Kamaz và Công ty cổ phần Đại chúng Ulyanovsky Avtomobilny Zavod - UAZ) với doanh nghiệp Việt Nam được quyền nhập khẩu miễn thuế trong hạn ngạch một số loại xe.
Mục đích của việc miễn thuế nhập khẩu đối với một số xe nguyên chiếc này là để bán thăm dò sức mua cũng như thị hiếu của thị trường. Bên cạnh đó, bộ phụ tùng và linh kiện được liên doanh nhập khẩu vào lãnh thổ Việt Nam và cần thiết cho lắp ráp công nghiệp các phương tiện vận tải có động cơ dạng SKD, trừ các phụ tùng và linh kiện được sản xuất trên lãnh thổ Việt Nam cũng sẽ được miễn thuế.
Mặc dù vậy, giới kinh doanh cũng cho rằng, xe Nga có thể sẽ gặp nhiều khó khăn tại thị trường Việt Nam bởi những hãng xe tới từ Nhật Bản, Hàn Quốc quá hiểu thị trường Việt Nam và những sản phẩm của các hãng này cũng phù hợp với người châu Á hơn. Trong khi đó, thương hiệu các hãng xe của Nga cũng không thực sự phổ biến ở Việt Nam, cũng như đáp ứng được thị hiếu của người tiêu dùng Việt Nam...
End of content
Không có tin nào tiếp theo