Người Việt hung hăng hơn, vì sao?
Học đường chấp nhận giải quyết bằng bạo lực?
Bắt đầu bằng sự đánh giá của học sinh để thấy bạo lực đã tồn tại như được nhìn nhận thế nào và giải pháp rốt ráo hay chưa? Điểm trung bình về sự tự đánh giá của nhóm khách thể học sinh tiểu học về mức độ xảy ra bạo lực học đường tại đơn vị các trường tiểu học trên địa bàn TP.Cần Thơ cho thấy đạt ở mức “nhiều” (ĐTB = 3,66). Tiến hành phân tích ở nhóm khách thể học sinh trung học cho thấy, mức độ đánh giá của nhóm này về mức độ xảy ra bạo lực học đường ứng với mức “bình thường” trong thang điểm chuẩn (ĐTB = 3,02). Rõ ràng, ngay học sinh đã bạo lực thì cớ sao đến lớn, đến trưởng thành người ta ít bạo lực hơn nếu xét theo hành vi diễn tiến không được kiểm soát, không điều chỉnh?
Thực tế cho thấy không phải ngẫu nhiên sự hung hãn của con người gia tăng mà bản thân họ cũng không kiểm soát hay không nhận thức được. Ngay từ nhỏ, một giả định rất đau lòng là nếu học sinh học điểm kém thì bị đánh, thử hỏi điều gì sẽ xảy ra? Nếu học sinh vi phạm kỷ luật là bị “tàn sát”, hỏi thử ai không có thể thực hiện? Khi sử dụng lời nói vô cảm và hành vi bạo lực, đó là lúc người giáo viên đang bất lực về mặt phương pháp, đang lúng túng về mặt cách thức giáo dục và đang bộc lộ sự thiếu hụt về kiến thức và kỹ năng sư phạm... hành vi tức thời nhưng hậu quả dài lâu. Đó là những cảm xúc tiêu cực của người học, đó là sự vụn vỡ về niềm tin, đó là sự đau xót tâm hồn và thậm chí là sự buông trôi cho một số phận. Hệ lụy bắt đầu từ đây khi không phải chỉ là thầy cô đánh, mà cả cha mẹ đánh, ông bà đánh… Suy nghĩ “thương con cho roi, cho vọt” hiểu một cách thô thiển theo nghĩa đen của nó vẫn còn thì xem chừng sự hung hãn hoàn toàn có nguy cơ được âm thầm “nuôi dưỡng”…
Không dừng lại ở đó, khi đến trường học, nhìn vào con số bạo lực học đường được thống kê qua nhiều năm vẫn chưa được giải quyết một cách có chiến lược. Trong một thời gian dài, nhiều người đã xem nhẹ những hành vi bạo lực, bạo lực học đường và coi chúng là những điều tất yếu. Thậm chí một số cá nhân còn xem đó là một phần tự nhiên của quá trình phát triển tâm sinh lý của lứa tuổi học trò, nên những nghiên cứu về vấn đề này chỉ tập trung vào việc tìm hiểu những hành vi bạo lực đối với trẻ em ở trong gia đình, ở ngoài xã hội. Việc bỏ qua các hành vi bạo lực của học sinh từ phía giáo viên có thể coi như sự thừa nhận “quyền” của học sinh tự giải quyết vấn đề bằng bạo lực (Furlong & Morrison, 2000)… Tất cả những điều ấy làm cho sự hung hăng của con người không được điều chỉnh từ rất sớm.
Giáo dục nhân văn chưa được thực thi đúng cách
Không ít người đã “cày nát” mùa xuân của mình bằng những sự lựa chọn sai lầm và chính người trong cuộc đã đẩy sự hung hăng của mình lên bằng những tình huống ép buộc bản thân. Đó là chưa kể sự thiếu kiểm soát hay kiềm chế bản thân trong những tình huống khó khăn, khi giải quyết vấn đề làm cho nhiều cá nhân trở nên hung hãn… Khi cơn giận dữ lên tiếng, lý trí dễ dàng đi vắng và không ít người đã không biết ứng xử sao cho thấu tình đạt lý.
Sẽ không thể trách một xã hội công nghiệp ở thời gian đầu có thể làm cho người ta vội hơn. Sẽ khó có thể đổ lỗi cho xã hội đang phát triển với hàng loạt những thách thức có thể làm cho con người căng thẳng, áp lực. Nhưng rõ ràng, không thể phủ nhận sự hung hăng của con người có những biểu hiện gia tăng khi nhiều vụ giải quyết mâu thuẫn, xung đột bằng nắm đấm. Đó là biểu hiện của sự hung hãn, của hành vi bạo lực, của sự bế tắc trong ứng xử văn hóa và nhân văn của con người. Có thể nhấn mạnh những chiến lược hay những dự án dài hơi về giáo dục tính nhân văn, ứng xử hòa bình, nhân ái…. theo những chuẩn mực chưa được thực thi một cách bài bản. Đây chính là độ chênh giữa sự phát triển kinh tế và sự chuẩn bị cân bằng với độ “sâu - bền” của xã hội. Hơn ai hết, những người có trách nhiệm cần nhìn nhận vấn đề này bằng một thái độ cầu thị và chịu trách nhiệm…
Bạo lực làm cho con người hung hăng hơn. Chính sự hung hăng lại làm cho con người dùng bạo lực để giải quyết mọi vấn đề. Việc lý giải về dấu hiệu “gia tăng” tính hung hăng đã có, vấn đề còn lại không phải chỉ là kê toa, mà phải là bốc thuốc tinh thần, cấp thuốc xã hội.
End of content
Không có tin nào tiếp theo