Người Việt lùn nhất châu Á do lười vận động
Theo thông tin mới đây từ Viện dinh dưỡng quốc gia, người Việt Nam hiện thấp nhất khu vực châu Á. Cụ thể, trong 30 năm qua, người Việt cao lên nhưng rất chậm, 10 năm chỉ cao thêm được một cm. Chiều cao trung bình của nam thanh niên Việt Nam hiện là 164 cm, thua 8 cm so với Nhật và 10 cm so với Hàn Quốc.
Theo các chuyên gia, có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng tới sự phát triển chiều cao như khẩu phần ăn thiếu hụt dinh dưỡng trong thời gian dài, môi trường sống không sạch sẽ, trẻ dễ mắc các bệnh tiêu chảy, hô hấp...
Giáo sư Dương Nghiệp Chí, Viện khoa học thể dục thể thao Việt Nam - người từng nhiều năm nghiên cứu về nâng cao thể lực, tầm vóc người Việt, cho rằng người Việt hiện thấp nhất trong khu vực là hệ quả của việc thiếu vận động, coi nhẹ thể dục thể thao ở độ tuổi thanh thiếu niên.
Trong một nghiên cứu quốc tế năm 2012 đăng tải trên tạp chí y khoa The Lancet (Anh), Việt Nam được xếp vào nhóm lười vận động nhất thế giới với chỉ hơn 15% người tập thể dục nhiều hơn 30 phút mỗi ngày. Theo ông Chí, rèn luyện thể lực không chỉ nâng cao tầm vóc mà còn rèn luyện sức khỏe cho thanh thiếu niên khi bước vào tuổi lao động, đáp ứng yêu cầu công việc.
Ông cho biết, vận động hợp lý giúp tăng cường sức khỏe chung, điều hòa hoạt động của hệ nội tiết, trong đó có tuyến yên, tuyến giáp. Nhờ đó hệ nội tiết tiết các kích thích tố tăng trưởng GH giúp tận dụng hết tiềm năng di truyền, đồng thời kích thích sự phát triển của tế bào xương, tăng chiều dài của xương. Ngoài ra, hoạt động thể dục thể thao giúp các cơ quan nội tạng, tinh thần tốt lên.
Không những thế, trẻ tập thể dục thể thao giao tiếp tốt hơn, học cách phối hợp đồng đội, rèn luyện ý chí vươn lên, chiến thắng chính mình và chiến thắng đối thủ. Các hoạt động thể chất hoàn toàn có thể kết hợp giáo dục kỹ năng sống cho trẻ, giúp các em tự tin hơn trong cuộc sống.
Theo ông Chí, hiện nay, giáo dục thể chất ở các trường học, từ cấp mầm non đến phổ thông, đại học, đều rất kém. Thể dục vẫn được coi là một môn phụ, mỗi lớp một tuần chỉ có 1-2 tiết thể dục, với các môn học nhàm chán không hấp dẫn được học sinh, cũng chưa được biên soạn giáo trình nhắm vào mục đích giúp các em tăng trưởng chiều cao.
"Điều này khó trách ngành giáo dục mà chính ngành thể thao cần nhìn lại. Những năm gần đây, ngành thể thao hầu như hoàn toàn bỏ rơi, khoán trắng các hoạt động thể chất cho ngành giáo dục, chỉ chú trọng vào thể thao thành tích cao phục vụ thi đấu. Cái nền không vững - thể lực, tầm vóc học sinh kém, không được chăm lo, thì làm sao chọn ra được những 'ngôi sao' cho thể thao thành tích", ông Chí bày tỏ.
Ông cho rằng, không lạ khi Việt Nam được xếp vào nhóm những nước lùn nhất khu vực, lười vận động nhất thế giới. Thế hệ ông bà ta vận động để mà sống (lao động chân tay). Đến thế hệ bố mẹ (những người hiện nay dưới 50 tuổi) thường lười vận động hơn, lo kiếm sống, hưởng thụ. Trẻ học theo thế hệ trước, lại không được giáo dục để biết vận động tốt thế nào, không có thói quen luyện tập rèn thể lực từ nhỏ nên lớn lên cũng ù trệ.
Ông cho biết, các nước trong khu vực châu Á đều coi trọng rèn luyện thể chất cho học sinh trong trường học, coi đó là một phần giúp nâng cao tầm vóc người dân. Chẳng hạn, ở Trung Quốc, ngoài việc tăng cường các bộ môn thể chất trong hoạt động chính khóa, ngoại khóa của học sinh, các tỉnh phía nam nước này còn thành lập hơn 30 trung tâm chăm sóc chiều cao thân thể cho thanh thiếu niên, có hai bệnh viện chuyên chữa bệnh thấp còi.
Nhật Bản là quốc gia châu Á có nhiều nỗ lực và đạt được thành tựu to lớn về cải tạo chiều cao thân thể của dân tộc. Người Nhật coi "ăn uống và luyện tập thể dục là hai bánh xe của sự phát dục cơ thể, tăng trưởng chiều cao thân thể, chúng cần phối hợp nhịp nhàng với nhau". Bởi vậy người Nhật chú trọng đến chăm sóc dinh dưỡng và thể dục thể thao, bên cạnh hướng dẫn về lối sống điều độ, đảm bảo tốt giấc ngủ, không nghiện thuốc lá, nghiện rượu.
Về dinh dưỡng, ngay từ những năm 1945, chính phủ Nhật đã tổ chức bữa ăn trưa cho tất cả học sinh tiểu học, mẫu giáo. Họ tiến hành nghiên cứu để đảm bảo chế độ ăn uống hợp lý, đầy đủ dinh dưỡng và hướng dẫn toàn dân thực hiện theo. Ngoài ra, Nhật Bản rất chú trọng phát triển và đầu tư cao cho thể dục thể thao trường học. Để có tác dụng trực tiếp, góp phần tăng chiều cao thân thể, Nhật đã nghiên cứu và hướng dẫn những loạt bài tập thể dục đặc hiệu: Tập vừa sức, vận động toàn thân, đặc biệt vận động chi dưới, kéo dãn cơ thể.
"Việt Nam hiện nay chưa hề nghiên cứu biên soạn những bài thể dục này", ông Chí cho biết.
Theo ông, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng yếu kém về chiều cao thân thể và thể lực của người Việt Nam so với nhiều quốc gia châu Á như chiến tranh kéo dài, nền kinh tế còn khó khăn, dân trí thấp. Việt Nam không tận dụng được sự phát triển bù của con người sau chiến tranh, thiếu chương trình quốc gia đồng bộ để phát triển thể lực, tầm vóc. Chúng ta cũng bỏ qua những thời kỳ phát triển đột xuất của cơ thể. Thứ nhất là giai đoạn từ giữa kỳ mang thai (thai nhi tháng thứ 4-6) cho đến tròn một tuổi. Thứ hai là thời kỳ tiền dậy thì và dậy thì, trẻ gái thường 9-11 tuổi, sớm hơn trẻ trai khoảng 2 năm.
Mới ít năm gần đây Việt Nam bước đầu chú trọng chăm sóc dinh dưỡng cho bà mẹ mang thai tới trẻ 5 tuổi. Sau 5 tuổi, xã hội, trường học và gia đình đều ít chú trọng tổ chức, hướng dẫn dinh dưỡng cho thanh thiếu niên, bỏ qua thời kỳ dậy thì và tiền dậy thì của các em. Trẻ em từ mẫu giáo tới tuổi dậy thì cũng hầu như không được vui chơi giải trí, tập luyện thể dục thể thao đúng cách. Áp lực học tập với trẻ rất lớn, các em ít có thời gian vui chơi và được hướng dẫn vận động hợp lý. Trong khi đó, nước ta chưa có trung tâm nào của Nhà nước chỉ đạo hướng dẫn phát triển chiều cao thân thể và thể lực cho thanh thiếu niên nhi đồng, chưa có nơi nào chữa trị bệnh thấp còi.
Ông Chí cho biết đã đề xuất lập đề án phát triển thể lực, tầm vóc bằng giải pháp tăng cường giáo dục thể chất đối với học sinh từ 3 đến 18 tuổi. "Theo đó, thực hiện thí điểm tại một số trường học từ năm 2012 tới 2030 để đảm bảo hầu hết các trường giảng dạy thể dục ngoại khóa mỗi tuần 2 tiết, có câu lạc bộ thể thao, tổ chức dạy, hoạt động, thi đấu một số môn thể thao... nhưng cuối cùng không thể đưa vào áp dụng vì không được duyệt do vấn đề kinh phí", ông Chí nói.
Giáo sư Nguyễn Thu Nhạn, Chủ tịch danh dự hội nhi khoa Việt Nam, chuyên gia về Nội tiết - chuyển hóa - di truyền trẻ em, cho rằng ngoài việc đảm bảo dinh dưỡng kết hợp với hoạt động thể dục thể thao hợp lý, muốn phát triển chiều cao cần chăm sóc từ lúc trẻ còn nằm trong bào thai mẹ. Trẻ suy dinh dưỡng còi cọc từ trong bào thai thì sau này khó cải thiện chiều cao được. Bởi vậy, cần phải đầu tư cho dinh dưỡng bà mẹ trong thời gian mang thai.
Theo bà Nhạn, ngoài vấn đề về gene, một trong những lý do khiến nhiều nước ở châu Á có chiều cao thấp là do phụ nữ những nước này lấy chồng sớm, đẻ sớm khi chiều cao người mẹ chưa phát triển hết tầm. Trong sinh sản, người mẹ được coi là máy cái - nếu máy cái không tốt rõ ràng khó lòng nuôi thai khỏe để cho ra đời những em bé khỏe mạnh, cao lớn.
Tại Việt Nam trước và cả hiện nay đều diễn ra hiện tượng tảo hôn ở các vùng miền núi. Các cặp vợ chồng kết hôn sớm, đẻ dày, nhiều nên không nuôi thai tốt được. Mấy chục năm qua, Việt Nam đã khắc phục tốt tỷ lệ suy dinh dưỡng bình thường nhưng tỷ lệ thấp còi vẫn không giảm.
Ở nhiều nước, các bà mẹ có thai được quan tâm chăm sóc đặc biệt, khuyến cáo, hướng dẫn ăn uống, nghỉ ngơi, làm việc ra sao. Đứa bé được chăm sóc từ lúc trong bào thai. Phụ nữ cũng được khuyến cáo không sinh trước 25 tuổi. Ở nhiều nước tiên tiến, ngoài sản và nhi khoa còn phát triển chuyên ngành Chu sinh học - chuyên nghiên cứu và chăm sóc thai nghén, chăm sóc đứa bé từ lúc trong bụng mẹ tới khi một tuần tuổi.
End of content
Không có tin nào tiếp theo