Thị trường

Nguồn cung yếu ảnh hưởng đến xuất khẩu tôm Việt Nam

(DNVN) - Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) dự báo nguồn cung tôm nguyên liệu sẽ vẫn thiếu hụt trong nửa cuối năm do ảnh hưởng của xâm nhập mặn. Do vậy, xuất khẩu tôm cả năm dự báo chỉ đạt khoảng 3 tỷ; tăng 1,4% so với cùng kỳ năm 2015.

Theo Vasep, xuất khẩu tôm Việt Nam quý 2/2016 đạt 732,3 triệu USD, tăng 2,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Do nguồn cung nguyên liệu khan hiếm nên tăng trưởng XK trong quý 2 thấp hơn so với quý 1. Tuy nhiên, do cả 2 quý đều tăng trưởng dương nên xuất khẩu tôm trong 6 tháng đầu năm nay đạt 1,4 tỷ USD; tăng 4,8% so với cùng kỳ năm 2015.

XK tôm tăng những tháng đầu năm nay là nhờ nhu cầu từ các thị trường chính hồi phục, tồn kho giảm, tỷ giá tiền tệ ổn định hơn và giá tôm thế giới và giá tôm XK có xu hướng tăng.

Ảnh minh họa.

Năm 2016, ảnh hưởng của El Nino vẫn tiếp diễn gây nắng nóng và hạn hán ở nhiều nơi. Sản lượng tôm nuôi trên thế giới vì thế sẽ ở mức hạn chế. Do vậy, giá tôm thế giới có xu hướng tăng khoảng 10-15% sau khi giảm mạnh năm 2015.

Sáu tháng đầu năm nay, XK tôm chân trắng vẫn chiếm ưu thế với tỷ trọng gần 59% tổng XK tôm Việt Nam; tôm sú đứng thứ hai với 32,9% và tôm biển với 8,4%. Tỷ trọng tôm chân trắng và tôm sú đều tăng 0,2% trong khi tỷ trọng tôm biển giảm 0,4%.

XK các sản phẩm tôm chân trắng tăng 5,2% đạt gần 794 triệu USD; XK các sản phẩm tôm sú tăng 5,3% đạt 444,5 triệu USD trong khi XK các sản phẩm tôm biển khác giảm 0,5% đạt trên 113 triệu USD.

Tôm chân trắng sống/tươi/đông lạnh (thuộc mã HS03) là sản phẩm mang lại giá trị XK cao nhất với 431,6 triệu USD; tăng 2,3% so với cùng kỳ năm 2015.

Trong số các sản phẩm tôm XK, tôm sú chế biến khác (mã HS 16) tăng trưởng mạnh nhất 24%. Ngược lại, tôm loại khác chế biến đóng hộp (mã HS 16) giảm mạnh nhất 55,9% tuy nhiên giá trị XK mặt hàng này không nhiều chỉ với 1,7 triệu USD. Trong quý 2/2016, Việt Nam XK tôm sang 75 thị trường; giảm so với 81 thị trường của cùng kỳ năm 2015.

 

Theo Vasep, top 10 thị trường nhập khẩu chính gồm Mỹ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Canada, Australia, ASEAN, Đài Loan và Thụy Sỹ; chiếm 95% tổng XK tôm của cả nước.

Trong top 5 thị trường lớn nhất duy nhất XK Nhật Bản giảm 8,8%; XK sang các thị trường khác đều tăng. Trong đó XK sang Trung Quốc tăng mạnh nhất 41,8%; tiếp đó sang Mỹ tăng 13,8%, EU tăng 6,5% và Hàn Quốc tăng 6%. XK sang các thị trường có doanh số thấp hơn đều giảm: Canada (-21,8%), Australia (-9%), ASEAN (-1,5%), Đài Loan (-29,4%), Thụy Sỹ (-18,9%)…

Sau khi giảm mạnh trong năm 2015, XK tôm Việt Nam sang Mỹ những tháng đầu năm nay khá suôn sẻ. Tiếp nối đà tăng trưởng của QI/2016, XK trong QII/2016 tăng 0,4% đạt 147 triệu USD. 6 tháng đầu năm nay, XK sang thị trường này đạt gần 299 triệu USD, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm 2015.

Nên đọc
Hòa Lộc
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo