Xã hội

Nguồn gốc và ý nghĩa của ngày Nhà giáo Viêt Nam 20/11

(DNVN) - Ngày nhà giáo Việt Nam là một ngày kỷ niệm được tổ chức hằng năm vào ngày 20/11 của ngành giáo dục. Trở thành ngày "tôn sư trọng đạo" đã đi sâu vào tâm trí của các em học sinh, sinh viên. Ngày mà chúng ta thể hiện lòng thành và sự biết ơn đến những bậc thầy cô kính yêu. Tuy nhiên ngày Nhà giáo Việt nam bắt nguồn từ đâu có lẽ không phải ai cũng biết.

Nguồn gốc ra đời của ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Một tổ chức quốc tế các nhà giáo tiến bộ được thành lập ở Paris vào tháng 7/1946 đã lấy tên là Liên hiệp quốc tế các công đoàn giáo dục (tiếng Pháp: Fédération Internationale Syndicale des Enseignants - FISE).

Được biết, nǎm 1949, tại hội nghị ở Warszawa (thủ đô của Ba Lan), Liên hiệp quốc tế các công đoàn giáo dục đã ra bản "Hiến chương các nhà giáo" gồm 15 chương với nội dung chủ yếu là đấu tranh chống nền giáo dục tư sản, phong kiến, xây dựng nền giáo dục trong đó bảo vệ những quyền lợi của nghề dạy học và nhà giáo, đề cao trách nhiệm và vị trí của nghề dạy học và nhà giáo.

Công đoàn giáo dục Việt Nam là thành viên của FISE từ năm 1953 (hội nghị có 57 nước tham dự), đã quyết định trong cuộc họp của FISE từ 26 đến 30/8/1957 tại Warszawa, lấy ngày 20/11/1958 là ngày "Quốc tế hiến chương các nhà giáo". Những nǎm sau đó, ngày lễ này còn được tổ chức tại nhiều vùng giải phóng ở miền Nam Việt Nam. Hàng nǎm vào dịp kỷ niệm 20/11, cơ quan tiểu ban giáo dục thường xuất bản, phát hành một số tập san đặc biệt để cổ vũ tinh thần đấu tranh của giáo giới trong các vùng khác, động viên tinh thần chịu đựng gian khổ của những giáo viên kháng chiến.Khi Việt Nam thống nhất, ngày này đã trở thành ngày truyền thống của ngành giáo dục Việt Nam. Vào ngày 28/9/1982, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành quyết định số 167-HĐBT thiết lập ngày 20/11 hằng năm là ngày lễ mang tên "Ngày nhà giáo Việt Nam".

Ý nghĩa của ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tháng 8/1954 do sáng kiến của Liên hiệp quốc tế các công đoàn giáo dục (FISE), hội nghị quốc tế các nhà giáo với nòng cốt là công đoàn giáo dục các nước XHCN đã nhất trí thông qua “bản hiến chương các nhà giáo”. Bản Hiến chương các nhà giáo gồm 15 chương, trong đó có một số nội dung chủ yếu là đấu tranh chống mọi quan điểm và phương pháp giáo dục lạc hậu, phản động, phản dân chủ, phản khoa học của nền giáo dục tư sản, phong kiến nhằm xây dựng nền giáo dục tiến bộ, dân chủ và khoa học. Quy định một số điều đối với các nhà giáo, đặc biệt nêu cao vị trí nghề dạy học và những người dạy học.

Nhiều thư của giáo giới, học sinh, sinh viên miền Bắc gửi lên Hồ Chủ tịch, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chính phủ với lời hứa quyết tâm học tập, rèn luyện, nâng cao giác ngộ cách mạng XHCN, ý thức đấu tranh thống nhất nước nhà, xây dựng nhà trường XHCN.

Hàng nghìn lá thư của giáo giới, học sinh, sinh viên miền Nam; thông qua đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam đã nói lên lòng sôi sục căm thù Mỹ - Diệm phá hoại hiệp định Giơ-ne-vơ, cố tình chia cắt lâu dài nước ta, ủng hộ phong trào đấu tranh của giáo giới, học sinh, sinh viên miền Nam Việt Nam chống Mỹ - Diệm; đòi thực hiện một nền giáo dục dân tộc, dùng  tiếng Việt dạy trong các trường đại học, đòi tăng ngân sách cho giáo dục để mở trường lớp, bảo đảm việc học tập cho học sinh, bài trừ tệ nạn văn hóa - giáo dục nô dịch trụy lạc của đế quốc Mỹ; đấu tranh chống mọi cuộc đàn áp, bắt bớ, tù đày, sát hại những nhà giáo, học sinh, sinh viên yêu nước tại miền Nam Việt Nam và kiên quyết đấu tranh nhằm đem lại hòa bình, độc lập, thống nhất nước nhà.

Việc tổ chức Ngày Quốc tế Hiến chương các nhà giáo 20/11 hằng năm đã sớm trở thành ngày hội truyền thống của giáo giới Việt Nam. Điều này hoàn toàn phù hợp với truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta, một dân tộc có mấy nghìn năm văn hiến và có truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo.

Với ý nghĩa tích cực của Ngày 20/11, theo nguyện vọng của giáo giới cả nước, kiến nghị của Đại hội Công đoàn Giáo dục Việt Nam lần thứ VIII (tháng 4/1982) và Bộ Giáo dục, Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Tổng Cục dạy nghề, Ủy ban Bảo vệ bà mẹ trẻ em… Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành Quyết định số 167/HĐBT, ngày 26/9/1982 quyết định hằng năm sẽ lấy ngày 20/11 là Ngày Nhà giáo Việt Nam. 

Ngày 20/11 là dịp để các thế hệ học trò bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc với những người thầy, để mọi ngành, mọi nghề và toàn xã hội chia sẻ niềm vui, tri ân với những người đã góp bao công sức và tâm huyết cho sự nghiệp trồng người cao cả, góp phần xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Nên đọc
Nguyễn Hà (tổng hợp)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo