Nguồn vốn ODA cần được sử dụng cẩn trọng vì đó là nợ quốc gia
Chiều 25/10, Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) đã tổ chức Họp báo chuyên đề giới thiệu những nội dung mới về quản lý tài chính các chương trình, dự án sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay của các nhà tài trợ nước ngoài theo Thông tư số 111/2016/TT-BTC ngày 30/6/2016 của Bộ Tài chính.
Trao đổi tại cuộc họp báo, ông Hoàng Hải - Phó cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại cho biết, trong giai đoạn 10 năm trở lại đây (2005 - 2015), tổng số vốn ODA, vay ưu đãi được ký kết (khoảng 45 tỷ USD). Trong đó, nguồn ODA dành cho Việt Nam tập trung chủ yếu vào lĩnh vực như: hỗ trợ cân đối tài chính vĩ mô; đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế và xã hội; phát triển y tế, giáo dục và đào tạo; phát triển nông nghiệp kết hợp xóa đói, giảm nghèo; bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu...
Ông Hoàng Hải cũng cho biết, về công tác trả nợ nước ngoài, lũy kế đến 25/9/2016, tổng giá trị chi trả nợ là 176.827 tỷ đồng (trả nợ trong nước là 140.183 tỷ đồng, nước ngoài là 36.644 tỷ đồng).
Đại diện Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại khẳng định việc vay và trả nợ năm nay vẫn theo đúng kế hoạch vay trả nợ năm đã được phê duyệt, 9 tháng vừa qua đã thực hiện nghĩa vụ trả nợ trong nước là 8.000 tỷ đồng, trả nợ nước ngoài là 9.900 tỷ đồng, vẫn trong hạn mức được Chính phủ phê duyệt.
“Nợ công vẫn trong ngưỡng an toàn, việc vay nợ và trả nợ vẫn theo đúng giới hạn và các quy định của Luật Ngân sách, Luật Quản lý nợ công và vẫn theo kế hoạch vay và trả nợ năm 2016”, ông Hoàng Hải nói.
Với Việt Nam, nguồn vốn ODA trong thời gian qua phát huy nhiều tác dụng trong việc phát triển kinh tế-xã hội. Song hiệu quả thực sự của đồng vốn ODA được sử dụng đến đâu là câu chuyện lớn được dư luận quan tâm.
Ông Hải cũng cho biết, trong bối cảnh Việt Nam bắt đầu bước vào ngưỡng của quốc gia có thu nhập trung bình thấp, việc huy động các nguồn vốn ODA trở nên khó khăn hơn. Chính vì vậy, nhằm đảm bảo mục tiêu vay nợ bền vững thì nguồn vốn ODA cũng cần được sử dụng một cách chiến lược và cẩn trọng để thúc đẩy sự tăng trưởng của nền kinh tế bởi thực chất, nguồn vốn ODA cũng chính là nợ quốc gia.
Đại diện Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại cũng cho biết, từ năm 2010, Việt Nam đã trở thành nước thu nhập trung bình. Mức độ ưu đãi của các khoản cho vay của các đối tác phát triển dành cho Việt Nam đang giảm rõ rệt. Nhiều nhà tài trợ đã chuyển từ nguồn vốn ODA sang nguồn vốn vay hỗn hợp.
Dự kiến đến tháng 7/2017 Việt Nam có thể không còn được vay theo điều kiện ODA, phải chuyển chủ yếu sang sử dụng nguồn vay ưu đãi và tiến tới vay theo điều kiện thị trường. Nguồn vốn ODA đã vay chuyển sang điều khoản trả nợ nhanh gấp đôi hoặc tăng lãi suất lên từ 2% - 3,5%.
Vì tầm quan trọng của vấn đề này, Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 02/CT-TTg về tăng cường công tác quản lý và nâng cao hiệu quả sử dụng nợ công “Nợ công chỉ sử dụng cho đầu tư phát triển, xây dựng các công trình kinh tế xã hội quan trọng, thiết yếu theo quy hoạch”, “tăng dần tỷ lệ cho vay lại, giảm dần tỷ lệ cấp phát đối với các khoản Chính phủ vay về cho vay lại”.
Bộ Tài chính cũng đã ban hành Thông tư số 111/2016/TT-BTC với một số quy định mới như: Hướng dẫn rõ nội dung và quy trình xác định cơ chế tài chính ngay từ khâu đề xuất chương trình, dự án; Quy định về khâu lập kế hoạch và kiểm soát chi, quản lý giải ngân; Quy định về quy trình kiểm soát chi, đối với vốn ODA, vốn vay ưu đãi áp dụng quy trình chung về quản lý, thanh toán vốn đầu tư và vốn sự nghiệp, thanh toán chi giải phóng mặt bằng... Ngoài ra Thông tư còn bổ sung hướng dẫn về một số nội dung đặc thù đối với vốn ODA; về quy trình hạch toán NSNN mới...
Theo đại diện Cục Quản lý nợ và Tài chính, việc quy định rõ về quy trình xác định cơ chế tài chính, cơ chế giải ngân theo kế hoạch vốn được giao, quy trình hạch toán ngân sách mới sẽ tạo điều kiện cho các Bộ, ngành địa phương nâng cao trách nhiệm trong việc tăng cường công tác quản lý tài chính, thúc đẩy tăng tỷ lệ giải ngân của các Bộ, ngành, địa phương đối với các chương trình, dự án ODA từ đó nâng cao được hiệu quả sử dụng vốn vay nước ngoài, đáp ứng yêu cầu quản lý trong giai đoạn tới.
End of content
Không có tin nào tiếp theo