Nguy cơ chiến tranh vạch gãy
Năm 2011 chứng kiến Ai Cập, Tunisia, Libya chuyển biến trước các cuộc biểu tình của quần chúng, Syria là quốc gia khu vực vẫn loay hoay với cải cách thể chế và cùng bị cuốn vào cơn lốc sau cuộc đàn áp 15 học sinh cấp tiến tại Daraa tháng 3.2011 – như một nguyên cớ thổi bùng bởi nhiều nguyên nhân
Chiến lược đi dây
Chiến lược toàn cầu của các nước lớn hiện nay không khác bỏ qua ứng dụng lý thuyết cờ vây, lấy đồng minh bao vây đối thủ, thanh toán các vùng phụ cận. Những nước đã buộc phải thành “đối nghịch” như Libya, Iraq, Iran và nay là Syria có lẽ cũng đã từng tìm cách vừa can dự vừa đứng ngoài, tránh trở thành chiến trường bất đắc dĩ của Hoa Kỳ và Trung Quốc, của phương Tây và liên kết Khổng Hồi từ nay và về sau.
Ngược dòng thời gian với các mâu thuẫn tại Trung Đông, các tiến thoái của các đồng minh nhỏ luôn có can dự của các nước lớn nhằm bảo đảm các cuộc chiến không dẫn đến bờ vực hạt nhân.
Cuộc đình chiến 1956 là do Mỹ thông qua Liên hiệp quốc; năm 1967, Liên Xô và Mỹ trao đổi đường dây nóng dẫn đến ngừng bắn; năm 1973, Mỹ và Liên Xô phải bước vào; năm 1982, Mỹ buộc Israel phải rút quân khỏi Lebanon. Năm 2012, tình hình nghiêm trọng tại Syria và nóng bỏng tại Iran cũng vẫn có sự đan xen lợi ích của phương Tây và các cường quốc như lệ thường.
Các bất ổn xã hội dẫn đến tình hình tử vong cao của người dân Syria và hàng loạt các nghị quyết, các phiên họp của Liên hiệp quốc, cho thấy yếu tố kinh tế dân sinh chưa được nhà cầm quyền quản lý đúng mức. Quốc tế trông mong một dàn xếp hoà bình để tránh một cuộc xung đột lan rộng.
Nga và Trung Quốc cần giữ một Syria bình yên trong tầm ảnh hưởng của mình nhằm củng cố các mắt xích phi phương Tây.
Thế giới phương Tây cần Syria ổn định để giải quyết vấn đề Iran đang có khả năng lan rộng ra eo Hormuz sinh tử. Điều này cho thấy không hẳn là “chiến tranh vạch gãy” có vai trò lớn. Và khả năng bất ổn nội tại làm bùng phát những thay đổi lớn, xuất phát từ các vấn đề dân sinh tuột khỏi vòng kiểm soát, là không kém quan trọng. Dĩ nhiên từ các sự bùng nổ này có thể kéo theo các hệ quả khác theo mong muốn chủ quan của các tay chơi trên cuộc cờ Syria.
Các bất ổn cứ tồn tại nhưng ở mức không bùng lên nội chiến tại Syria là điều có lợi cho phương Tây và Israel. Giảm thiểu sức ủng hộ của một thế giới Hồi giáo vốn đang có nhiều điểm nóng để dẹp loạn tại Iran? Đưa Nga và Trung Quốc (thành phần chính của liên kết Khổng Hồi) vào sự chia trí và sa lầy ngoại giao sức mạnh mềm tại Syria nhằm dễ dàng hơn trong việc xử lý Iran.
Trong quá khứ, Syria cố gắng tránh nguy cơ trở thành trận địa của chiến tranh vạch gãy. Chính sách đi dây thăng bằng của Syria đã hiển thị rõ ở các lần Syria ra quân ủng hộ Liên hiệp quốc trong chiến tranh vùng Vịnh bất chấp phản đối của dân chúng trong nước.
Việc quân bình quan hệ giữa một xã hội Syria Hồi giáo và Syria phương Tây vẫn giữ thế chủ đạo hơn là sự quân bình hai thế lực anh em Hồi giáo đang xung khắc Iraq – Kuwait. Do vậy, vào tháng 8.1992, Syria, Ai Cập cùng với các nước khác, đã phản đối lệnh cấm bay tại phía Nam Iraq và năm 1993, các nước Arập đã chống lại các cuộc không kích của phương Tây vào Iraq.
Syria thân Iran và cải tiến quan hệ với phương Tây vẫn chưa đủ để đất nước này thăng bằng. Trong những tháng đầu năm 2012, tình hình bất ổn tại Syria là một điều kiện tốt cho liên minh phương Tây – Israel tiến tới tấn công Iran, xét về ngoại giao. Liên minh Khổng Hồi bị trũng ở hai mắt xích Syria (do tự thân) và Iran (do thất bại các nỗ lực ngoại giao), thì một cuộc tấn công giả định từ Israel đến Iran sẽ làm cho liên minh Khổng Hồi giả định nhận những thiệt hại mới.
Một điểm lưu ý, Mỹ gần đây thường xuyên ra sức ngăn cản Israel tấn công Iran như một cách đứng ngoài vòng nhằm tiết kiệm nguồn lực và gia tăng các chọn lựa ngoại giao.
Tương lai khó khăn
Với vị trí địa lý và sự năng động và mức quan trọng trong quan hệ với Israel không kém Ai Cập cùng các mối quan hệ với các nước trong khu vực, một Syria ổn định và hoà bình là mong ước của khu vực và thế giới.
Mức độ nghiêng lệch của Syria sang thế giới Hồi giáo và phi phương Tây và sự gia tăng tình trạng bất ổn trong nước trong năm 2011 đến nay là những nguyên nhân đưa quốc gia này vào những khó khăn hơn về đối ngoại.
Sự ủng hộ đến từ Trung Quốc và Nga cũng đã biến thiên từ nhu cầu cân bằng lực lượng sang những tính toán thực tế (realism) hậu Assad và kể cả yêu cầu bảo vệ quyền lực mềm của hai siêu cường này. Phiếu trắng của hai nước này (19.12.2011) đối với nghị quyết lên án Syria không kiểm soát được bạo lực, cộng với sự cô lập của Liên đoàn Arập càng làm cho vị trí của Tổng thống Bashar al-Assad càng thêm khó khăn.
Ngày 4.2.2012, khi hai nước lớn Nga – Trung phủ quyết một nghị quyết của Hội đồng Bảo an (phản ánh ý kiến của Liên đoàn Arập), trả giá uy tín quốc tế cho nhu cầu cân bằng quyền lực thực tiễn (realism), tình thế nguy cấp của Syria vẫn chưa được vãn hồi.
Syria sẽ đi về đâu? Làn sóng biểu tình tại các nước Arập cuốn đi bao nhiêu chính phủ có ảnh hưởng như thế nào đến tương lai Syria? Mức độ cọ xát ảnh hưởng của các nền văn minh, mâu thuẫn dân sinh, sắc tộc tôn giáo, quan hệ với các láng giềng như Israel, Lebanon, Iraq, Thổ Nhĩ Kỳ và đặc biệt là Iran đã đóng vai trò thế nào đến vận mệnh Syria?
Quan hệ kinh tế, quân sự, chiến lược của nước này với các cường quốc? Đó sẽ là những câu hỏi lớn cho bàn cờ Trung Đông và thế giới.
Ở vị trí tiếp giáp giữa nhiều nền văn minh của thế giới, kề cận vùng biển quan trọng Địa Trung Hải, với địa lý cực kỳ đặc thù – là nơi giao tranh giữa các thế lực cổ trung đại đến nay, có truyền thống đơn nguyên trong quản trị đất nước và các mối quan hệ quốc tế không giản đơn, Syria có thể là một hình mẫu nghiên cứu và cho các quốc gia có cùng vị thế hoặc tương đồng về mặt địa chính trị.
Theo SGTT
End of content
Không có tin nào tiếp theo