Nguy cơ cơ thể bị nhiễm chì và asen từ gạo ở làng nghề tái chế kim loại
Theo ông Ngô Đức Minh, một trong các tác giả nghiên cứu đề tài, điều này cảnh báo xu hướng ngày càng tăng tích luỹ kim loại nặng do ít xử lý chất thải trước khi đưa ra môi trường. Xã Văn Môn là nơi có làng nghề tái chế nhôm và kim loại màu lớn nhất miền Bắc, tập trung chủ yếu ở thôn Mẫn Xá, với quy mô 8.000 – 10.000 tấn phế liệu/năm được sử dụng làm nguyên liệu đầu vào, chủ yếu là nhôm (khoảng 70%), chì (khoảng 7%).
Còn phường Châu Khê là địa phương có nghề tái chế sắt thép truyền thống và lớn nhất ở đồng bằng sông Hồng, với khả năng cung cấp cho thị trường 200.000 tấn phôi đúc, 150.000 tấn thép cán, 8.000 tấn lưới, dây thép/năm. Do công nghệ sản xuất lạc hậu, cơ sở hạ tầng, trình độ lao động, dân trí còn hạn chế, thêm sự yếu kém trong quản lý môi trường tại các làng nghề, nên hoạt động của các làng nghề tái chế kim loại ở đồng bằng sông Hồng đã và đang làm tăng mức phát thải chất ô nhiễm, gây tác động tiêu cực đến môi trường, sức khoẻ cộng đồng.
Theo ông Minh, thực tế, mức độ xâm nhiễm của kim loại nặng vào nước uống, hoặc nông sản gia tăng theo sự phát triển của hoạt động công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, từ đó gia tăng nguy cơ phơi nhiễm cho con người qua chế độ ăn uống, tiếp xúc.
Đã có nhiều nghiên cứu về sự thâm nhập của kim loại nặng vào cơ thể con người thông qua các dạng thức ăn, nhưng các nghiên cứu về nguy cơ phơi nhiễm kim loại nặng từ ngũ cốc, đặc biệt là gạo ăn, còn nhiều hạn chế. Do vậy, theo nhóm nghiên cứu, cần thiết phải có những đánh giá khoa học về vấn đề này, làm cơ sở đề ra những biện pháp kiểm soát, giảm thiểu các chất thải nguy hại, nâng cao mức độ an toàn của lương thực và tăng cường sức khoẻ cộng đồng, đặc biệt đối với Việt Nam, nơi có tới 70% khẩu phần ăn hàng ngày được chế biến từ gạo.
Theo SGTT
End of content
Không có tin nào tiếp theo