Pháp luật

Nguy cơ gần trăm hộ dân trắng tay vì gửi “tiết kiệm” ở doanh nghiệp vàng

Khi gửi tiền vào Doanh nghiệp tư nhân vàng bạc Phúc Nhiên, khách hàng được cấp một cuốn sổ tiết kiệm. Số tiền gửi vào doanh nghiệp của người dân lên tới hơn 30 tỷ đồng, thế nhưng thời điểm này họ đang có nguy cơ mất trắng khi chủ doanh nghiệp tuyên bố vỡ nợ, không trả tiền.

Hàng chục tỷ đồng tiền gửi có nguy cơ “bốc hơi”

Trong đơn gửi báo Dân trí, 83 hộ dân ở các xã Bảo Thành, Sơn Thành, Vĩnh Thành (huyện Yên Thành, Nghệ An) và xã Nghi Văn (huyện Nghi Lộc) cho biết, do tin tưởng chủ Doanh nghiệp tư nhân vàng bạc Phúc Nhiên (gọi tắt là Doanh nghiệp Phúc Nhiên, xóm 10, Bảo Thành) nên đã gửi vào đây một số tiền rất lớn.

Việc gửi tiền diễn ra từ năm 2015. Khi gửi, người dân được cấp một cuốn sổ tiết kiệm có đóng dấu của doanh nghiệp ghi rõ số tiền, mức lãi suất, kỳ hạn gửi cùng lời hứa hẹn “rút lúc nào cũng được”. Tuy nhiên, khi người dân có nhu cầu rút tiền thì bị chủ doanh nghiệp này lần lữa không trả. Năm 2017, doanh nghiệp này tuyên bố vỡ nợ và từ chối tất toán các sổ tiết kiệm cho những hộ dân nói trên.

Đơn 83 hộ dân gửi báo Dân trí tố cáo Doanh nghiệp tư nhân vàng bạc Phúc Nhiên có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền hơn 30 tỷ đồng.

Theo thống kê của 83 hộ dân có tên trong đơn thì tổng số tiền họ gửi nhưng không được trả tại doanh nghiệp này lên tới hơn 30 tỷ đồng, trong đó có hơn 14 tỷ đồng, 257.254 USD, 142.550 Ero và 9.100 Bảng.

Ông Võ Đức Thái (xóm 18, xã Nghi Văn) gửi vào doanh nghiệp này 29.100 Ero và 245 triệu đồng (tương đương 1,2 tỷ đồng). Đây là toàn bộ số tiền con ông Thái đi xuất khẩu lao động gửi về nhờ bố mẹ giữ giùm.

Ông Võ Đức Thái (bên trái) tố cáo chủ Doanh nghiệp Phúc Nhiên chiếm đoạt 1,2 tỷ đồng thông qua hình thức gửi tiết kiệm.

“Bà Tạ Thị Nhiên (chủ Doanh nghiệp Phúc Nhiên) bảo tôi tiền chưa sử dụng thì mang qua gửi, ở đây cũng như ngân hàng. Tin tưởng gia đình bà Nhiên có cửa hàng kinh doanh vàng to, thủ tục gửi tiền, rút tiền nhanh gọn, mức lãi suất lại cao hơn ngân hàng từ 0,8-1% /năm nên tôi mang tiền đến gửi. Năm 2017, nghe tin ông Phúc, bà Nhiên tuyên bố vỡ nợ, tôi lên rút tiền thì họ bảo sẽ trả cho tôi 300 triệu, số nợ còn lại thì xé sổ, nếu không đồng ý thì coi như không có đồng nào. Gần 1 tỷ bạc của tôi mà họ nói nhẹ nhàng như không”, ông Thái bức xúc.

Cũng giống như ông Thái, ông Lê Anh Đào (SN 1956, xóm 4, Sơn Thành, Yên Thành) gửi doanh nghiệp vàng bạc Phúc Nhiên tổng số tiền 80 triệu đồng và 2.000 USD. Hiện ông Đào cũng đang có nguy cơ bị mất trắng số tiền này bởi chủ doanh nghiệp đã tuyên bố vỡ nợ.

Ông Lê Anh Đào cũng đang có nguy cơ mất trắng hơn 120 triệu đồng khi gửi tiết kiệm tại Doanh nghiệp Phúc Nhiên.

“Không những không trả lại tiền mà vợ chồng ông Phúc, bà Nhiên còn nhiều lần thách thức chúng tôi”, ông Thái cho hay.

 

Trong số 83 hộ dân làm đơn tố cáo chủ Doanh nghiệp Phúc Nhiên lừa đảo chiếm đoạt tài sản có cả anh họ của ông Phúc là ông Trần Bá Thao (xóm 13, xã Sơn Thành). Ông Thao lắc đầu ngao ngán: “Tôi bán con trâu được 43 triệu đồng, con gửi về 2.000 USD để làm vốn lấy vợ, chưa dùng đến. Nghe lời hứa hẹn của vợ chồng chú ấy lại thấy có cả sổ tiết kiệm đóng dấu đỏ của doanh nghiệp kèm lời quảng cáo “giống như ngân hàng” nên tôi mới tin tưởng để gửi tiền.

Gửi 43 triệu đồng và 2.000 USD tại Doanh nghiệp Phúc Nhiên nhưng khi doanh nghiệp này tuyên bố vỡ nợ ông Trần Bá Thao nhận được lời đề nghị nhận về 25 triệu đồng, số tiền còn lại "xí xóa"(?)

Năm 2016, tôi cần tiền để lo công chuyện thì vợ chồng Nhiên bảo sang năm lấy. Đến năm 2017 thì hai vợ chồng tuyên bố vỡ nợ, bảo chỉ trả cho tôi 25 triệu thôi, số còn lại “xí xóa”. Nhiều lần tôi đến đòi nhưng họ nhất định không chịu trả”.

Doanh nghiệp huy động tiền gửi trái phép?

Sau nhiều lần đòi trả lại tiền không được, nhiều khách hàng của vợ chồng ông Phúc, bà Nhiên đã gửi đơn tố cáo hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của vợ chồng này lên Công an huyện Yên Thành.

“Đơn chúng tôi gửi đến nay đã được 9 tháng nhưng phía công an vẫn chưa có động tĩnh gì. Họ nói đây giao dịch dân sự nên không có căn cứ xử lý hình sự”, một người dân có tên trong đơn tố cáo cho biết.

 

Căn nhà của ông Trần Văn Phúc tại xóm 10, xã Bảo Thành đồng thời là trụ sở Doanh nghiệp Phúc Nhiên đóng cửa, tháo biển hiệu.

Trung tá Phạm Ngọc Cảnh - Trưởng Công an huyện Yên Thành xác nhận đơn vị đã nhận nhiều đơn của người dân tố cáo chủ doanh nghiệp Phúc Nhiên chiếm đoạt tiền. Tuy nhiên, ông Trưởng Công an huyện đang bận họp, ngoài ông ra không ai có thể trả lời báo chí được và từ chối cung cấp thông tin thêm.

Thời điểm chúng tôi có mặt, trụ sở Doanh nghiệp Phúc Nhiên kiêm nhà ở của ông Phúc, bà Nhiên đã đóng cửa, tháo biển hiệu. Ông Nguyễn Trọng Nam – Phó trưởng Công an xã Bảo Thành cho biết thời gian gần đây có đông người dân tụ tập tại trụ sở Doanh nghiệp Phúc Nhiên đòi nợ gây mất ổn định tình hình an ninh trật tự trên địa bàn. Công an xã cũng nhận được nhiều đơn tố cáo chủ doanh nghiệp này lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân.

Cuốn sổ tiết kiệm được Doanh nghiệp Phúc Nhiên phát hành để huy động tiền gửi từ người dân.

Theo thông tin từ Sở KH&ĐT Nghệ An thì Doanh nghiệp tư nhân vàng bạc Phúc Nhiên do ông Trần Văn Phúc làm giám đốc, được cấp phép hoạt động trung gian tiền tệ (dịch vụ cầm đồ, nhận tiền chi trả ngoại tệ theo giấy phép); bán buôn kim loại và quặng kim loại (mua bán vàng bạc trang sức, mỹ nghệ, đá quý); gia công cơ khí, xử lý và tráng phủ kim loại (gia công, chế tác vàng bạc trang sức, mỹ nghệ, đá quý) và sản xuất kim loại màu, kim loại quý (sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ).

“Theo thông tin trên hệ thống đăng kí kinh doanh mà chúng tôi đang quản lí thì Doanh nghiệp tư nhân vàng bạc Phúc Nhiên không được cấp phép hoạt động trong lĩnh vực huy động tiền gửi tiết kiệm. Trên hệ thống quản lý thì doanh nghiệp này vẫn đang hoạt động chứ chưa đóng cửa”, ông Hà Văn Đạt – Phó phòng Đăng kí kinh doanh, Sở KH&ĐT Nghệ An thông tin.

Bên trong cuốn sổ tiết kiệm có các thông số như tên người gửi tiền, mức lãi suất, kỳ hạn... có đóng dấu của Doanh nghiệp Phúc Nhiên.

Về hoạt động huy động tiền gửi của Doanh nghiệp Phúc Nhiên, ông Đoàn Mạnh Hà - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Nghệ An khẳng định: “Khoản 2, Điều 8, Luật các tổ chức tín dụng ghi rõ “Nghiêm cấm cá nhân, tổ chức không phải là tổ chức tín dụng thực hiện hoạt động ngân hàng, trừ giao dịch ký quỹ, giao dịch mua, bán lại chứng khoán của công ty chứng khoán”.

 

Đối chiếu với giấy phép hoạt động của Doanh nghiệp Phúc Nhiên có thể thấy rằng doanh nghiệp này không được cấp phép trong hoạt động ngân hàng. Do vậy, doanh nghiệp này phát hành sổ tiết kiệm, huy động tiền gửi trong dân là trái phép”.

Ông Nguyễn Trọng Nam - Phó trưởng Công an xã Bảo Thành cho biết việc người dân kéo đến Doanh nghiệp Phúc Nhiên đòi nợ gây mất an ninh trật tự trên địa bàn. Công an xã Bảo Thành kiến nghị Công an huyện Yên Thành sớm có kết luận vụ việc để ổn định tình hình.

“Mỗi khi người dân đến đòi nợ, chúng tôi lại phải cử lực lượng ra phối hợp với Công an huyện để đảm bảo an ninh trật tự, dân họ không hiểu lại chửi là chúng tôi đi bảo vệ những kẻ lừa đảo. Chúng tôi cũng đã có kiến nghị Công an huyện sớm kết luận vụ việc để ổn định tình hình trật tự trên địa bàn. Hiện hai vợ chồng ông Phúc, bà Nhiên vẫn đang ở nhà nhưng không thấy kinh doanh buôn bán nữa”, ông Nguyễn Trọng Nam nói.

Nên đọc
Theo Dân trí
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo