Nguy cơ suy thoái của nền kinh tế châu Á vẫn cao
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo nguy cơ suy thoái của các nền kinh tế châu Á vẫn cao. Thách thức trực tiếp nhất là cuộc khủng hoảng ở khu vực đồng euro có nguy cơ tái diễn và lan rộng tới các khu vực khác của thế giới.
Tại Hội nghị hàng năm của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) ở thủ đô Manila của Philippines, Phó Tổng Giám đốc IMF, Naoyuki Shinohara, nhấn mạnh tác động nguy hiểm của khủng hoảng ở khu vực đồng euro đối với châu Á do những quan hệ tài chính và thương mại chặt chẽ, cũng như quy mô lớn của châu Á với châu Âu.
Các nền kinh tế châu Á mới nổi vẫn phải đối mặt với nguy cơ từ các dòng vốn quá biến động hoặc quá mạnh, hoặc kết hợp cả 2 hiểm họa này.
Nếu các thị trường liên ngân hàng toàn cầu lại bị tê liệt và các ngân hàng châu Âu giảm đồng thời nhiều mức nợ trong tình trạng rối loạn, nguồn cung tín dụng cho châu Á sẽ bị tác động nghiêm trọng.
Các nền kinh tế châu Á cũng phải đối mặt với hiểm họa khác là biến động giá hàng hoá và lương thực. Căng thẳng địa chính trị có thể đẩy giá dầu tăng cao, điều này tác động đến các nền kinh tế châu Á phụ thuộc vào nhập khẩu dầu.
Cơn sốc giá dầu này sẽ tác động đến giá các hàng hoá khác và giá lương thực, dẫn đến lạm phát cao ở hầu hết các nền kinh tế châu Á.
Phó Tổng Giám đốc IMF Shinohara dự báo tăng trưởng của các nền kinh tế châu Á trong năm 2012 duy trì nhịp độ như năm 2011, nhưng sẽ có được động lực phát triển mới vào cuối năm 2012 và đầu năm 2013.
Dự báo này dựa trên cơ sở phối hợp giữa tốc độ tăng trưởng chậm lại của các nền kinh tế mới nổi ở châu Á và tốc độ tăng trưởng nhanh hơn của các nền kinh tế công nghiệp phát triển của châu lục này.
Về trung hạn, các nền kinh tế châu Á cần tăng cường các nguồn tăng trưởng trong nước. Thặng dư tài khoản vãng lai giảm mới đây ở nhiều nền kinh tế mới nổi của châu Á phản ánh nhu cầu tăng trưởng từ bên ngoài đã yếu hơn, điều này làm tăng hy vọng các nguồn tăng trưởng trong nước sẽ đảm bảo ổn định tăng trưởng của các nền kinh tế này.
Đối với các nước ASEAN, giảm thặng dư tài khoản vãng lai cũng trùng hợp với tăng tỷ lệ đầu tư bền vững hơn.
Hai thách thức mới đối với tăng trưởng bền vững về trung hạn của châu Á bao gồm hội nhập thương mại khu vực và thu hút đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI).
Một trong những xu thế đáng chú ý nhất trong tăng trưởng của châu Á là tăng trưởng của thương mại liên khu vực. Trong khi quan hệ thương mại toàn cầu và của châu Á với các nền kinh tế ngoài khu vực tăng gấp đôi từ năm 2000, thương mại liên khu vực châu Á đã tăng gấp ba lần./.
Theo Báo Đầu tư
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo