Nguyễn Thị Việt Hòa: "Tốt gỗ vẫn hơn là tốt nước sơn"
Thoạt nhìn, ít ai nghĩ Nguyễn Thị Việt Hòa là nữ doanh nhân dày dạn thương trường. Ở chị mang phong thái thong thả, thoải mái của người phụ nữ biết tận hưởng cuộc sống, ham thích làm đẹp hơn là bù đầu bù óc với những căng thẳng công việc.
Tuy nhiên, như duyên nợ trói cột, tính đến nay, Nguyễn Thị Việt Hòa đã có gần 16 năm trong nghề dây sợi - lĩnh vực mà theo chị, gai góc và hiếm phụ nữ tham gia.
Vừa làm vừa liều
Trong 16 năm gắn bó với nghề dây sợi, một nửa thời gian chị làm cho mình. Sao chị lại ra riêng lập nghiệp khi đang được công ty cũ tin tưởng, giao phó nhiều trọng trách?
Sau 7 năm làm việc cho công ty, tôi đã nắm trọn niềm tin và sự hợp tác của toàn bộ anh em nhân viên. Sếp ở nước ngoài có phần lo lắng và chuyển hẳn về Việt Nam để quản lý trực tiếp. Họ vẫn cho tôi làm tiếp nhưng là người nhạy cảm, tôi quyết định ra đi. Trong khoảng thời gian làm tại công ty cũ, một số khách hàng có như cầu mua sợi nông nghiệp.
Tôi đã tìm hiểu và thấy sợi này cũng có một phần giống như quy trình sản xuất dây nên thuyết phục Hội đồng quản trị đầu tư, nhưng họ không dám vì không tin tôi và cũng sợ rủi ro. Ngay lúc đó, tôi đã nghĩ mình nếu ra riêng, dù khó nhưng tôi sẽ làm về sợi nông nghiệp.
Khi tôi 32 tuổi, với các yếu tố thuận lợi, tôi quyết định lập công ty. Ban đầu, tôi định mở công ty thương mại và bán hàng cho công ty cũ nhưng công ty cũ dường như e ngại. Các đơn vị khác cũng không mạnh dạn đầu tư vào sợi nông nghiệp vì không biết kết quả ra sao. Tôi đã thuê bên ngoài gia công nhưng lại không yên tâm về chất lượng.
Cuối cùng tôi quyết định tôi sẽ tự mở nhà máy để sản xuất sợi nông nghiệp. Tôi dành nhiều thời gian tìm tòi, cả ra nước ngoài học hỏi nghiên cứu máy móc. Tháng 7/2006, Asia Dragon được thành lập và sau 4 tháng đặt máy, song song tìm hiểu sản phẩm, ngày 31/10/2006 nhà máy chính thức sản xuất sản phẩm đầu tiên.
Chị không sợ rủi ro sao?
Thời ở công ty cũ, tôi làm trợ lý trong điều kiện sếp ít có mặt ở Việt Nam nên rất nhiều việc tôi phải tự thân vận động và phải tự học hỏi rất nhiều, từ kinh doanh, tài chính đến sản xuất, chất lượng, máy móc, cơ khí... để có thể hiểu rõ công việc.
Cho nên khi bắt tay làm sợi nông nghiệp, tôi không thấy quá bỡ ngỡ. Tôi thấy sợi nông nghiệp cũng là đi từ nhựa như dây thừng, chỉ có công nghệ sản xuất là khác. Trong sản xuất sợi nông nghiệp, yếu tố máy móc đạt chuẩn chiếm tới 70% thành công.
Nếu như 70% thành công trong ngành sợi nông nghiệp là nhờ máy móc thì hẳn những người có tiền cũng có thể tham gia đầu tư?
Đúng là ai cũng có thể tham gia vào ngành này. Nhưng quan trọng là phải hiểu kỹ thuật, tâm lý khách hàng, thị trường, trách nhiệm đối với sản phẩm và trách nhiệm đối với khách hàng...
Asia Dragon rất coi trọng vấn đề trách nhiệm, trong đó quan trọng nhất là trách nhiệm đối với đối tác. Vì họ không phải chỉ sử dụng sản phẩm của mình mà còn bán lại cho nhiều tầng bên dưới. Nếu như mình không giữ uy tín cho họ, họ sẽ mất cả một chuỗi kinh doanh.
Asia Dragon đã khởi sự mảng sợi nông nghiệp gần như từ con số 0, phải tự tìm hiểu, tự nghiên cứu. Công ty làm cách nào để bước qua giai đoạn thử thách đó?
Vì sợi nông nghiệp là sản phẩm rất mới ở Việt Nam nên phải thừa nhận là chúng tôi vừa làm vừa liều. Chúng tôi cũng đã gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại và cũng trả giá không ít. Nhưng với sự cầu tiến, chúng tôi đã dần dần khắc phục được các hạn chế, tạo được những sản phẩm thỏa mãn nhu cầu và tạo được uy tín đối với khách hàng.
Phải nói là tôi có duyên với ngành này. Khi tôi nói chuyện, dù không gặp mặt, khách hàng vẫn sẵn sàng chia sẻ thông tin. Có lẽ nhờ tôi có nghề.
Khi am hiểu về nghề, về sản phẩm, việc trao đổi và hiểu nhau sẽ dễ dàng. Chúng tôi cũng làm việc trên tinh thần trao đổi thông tin chi tiết, kỹ càng và trách nhiệm. Bất kể múi giờ chênh lệch, chúng tôi có nguyên tắc phải trả lời khách hàng sau tối đa 24 giờ.
Trong nhiều năm bán hàng xuất khẩu, tôi nhận ra, khách hàng thích làm việc và giao dịch với nhà sản xuất hơn là thông qua đơn vị thương mại. Vì họ muốn kiểm soát khâu chất lượng. Nghiêm túc trong khâu chất lượng thì sẽ có những khách hàng lớn và trung thành.
Tôi đã có những khách hàng mà tuổi công ty trên trăm năm. Có những khách hàng đã làm ăn với Asia Dragon từ 8 - 9 năm nay.
Asia Dragon dường như không phải chịu sự cạnh tranh?
Ở bất cứ ngành nào cũng có cạnh tranh. Cạnh tranh của Asia Dragon là cạnh tranh từ các công ty quốc tế, không chỉ ở châu Á mà còn cả những đổi thủ từ châu Âu.
Nhưng tôi nghĩ nếu sản phẩm mình có chất lượng ổn, giá cả ổn, dịch vụ ổn thì không phải lo gì cả. Có thể chen chân trước các đối thủ nặng ký vì chúng tôi am hiểu sản phẩm, có máy móc hiện đại như họ.
Vấn đề còn lại là quản lý kỹ thuật sản xuất sao cho giá thành sản phẩm thấp ở mức đủ cạnh tranh nhưng vẫn đảm bảo lợi nhuận. Asia Dragon có giá thấp hơn các đối thủ khoảng 5 - 7%, nên sau khi Việt Nam - EU ký hiệp định tự do thương mại, chúng tôi có nhiều khả năng thâm nhập thị trường này.
Gần 99% sản lượng của Công ty là xuất khẩu. Trong tương lai, cơ cấu kinh doanh này có gì thay đổi không?
Không. Chúng tôi vẫn định hướng sản xuất để xuất khẩu. Đối với thị trường trong nước, chúng tôi vẫn triển khai những hỗ trợ cho khu công nghệ cao, Tập đoàn U&I và các công ty nuôi trồng lớn ở các tỉnh nhưng mới dừng ở hỗ trợ để làm quen, cung cấp sản phẩm mang tính tham khảo hơn là bán hàng.
Có phải do chị chưa nhìn thấy cơ hội từ thị trường nội địa?
Trong 7 năm làm việc cho công ty người khác, tôi được cọ xát nhiều về xuất khẩu và cảm thấy rất hứng thú với xuất khẩu. Quan trọng hơn, tôi rất muốn chứng tỏ rằng Việt Nam có thể tạo ra những sản phẩm chất lượng tốt, đủ tự tin để xuất khẩu và cạnh tranh.
Với mục tiêu như vậy và cũng là nhìn cho dài hạn, ngay từ đầu, Asia Dragon đã không ngại đầu tư cho máy móc. Máy móc của chúng tôi đều là mới, nhập từ Ý, Đan Mạch, Tây Ban Nha và Áo... Có máy giá hàng triệu USD nên cho chất lượng và hiệu quả hoạt động rất cao. Nhờ đó chúng tôi yên tâm về sản phẩm mình tạo ra.
Mọi chuyện ở Asia Dragon đang rất thuận buồm xuôi gió?
Đúng là chúng tôi tự tin về sản phẩm, chất lượng, tự tin trong xây dựng mối quan hệ và giữ gìn khách hàng. Chính sách cho xuất khẩu cũng không có vấn đề gì. Nhưng không ai nói trước được điều chi. Những công ty lớn vẫn có thể gặp nạn. Vì thế, tôi chỉ biết cố gắng hết sức giữ gìn cái đang có.
So về thâm niên, Asia Dragon vẫn là doanh nghiệp trẻ. Tính chất trẻ này có làm hạn chế sức bật, khả năng vươn lên mạnh mẽ của doanh nghiệp không?
Asia Dragon ra đời trên những yếu tố thiên thời địa lợi nhân hòa và chúng tôi cũng đã trải qua 16 năm thăng trầm chứ không phải chỉ ở 8 năm thành lập. Do đó, Asia Dragon đã có sự chín muồi chứ không phải là trẻ. Chúng tôi cũng chủ trương phát triển những việc mình hiểu rõ, có khả năng.
Nghĩa là trước giờ chúng tôi đi theo hướng chậm mà chắc và không nôn nóng. Trước mắt, tháng 11 này, dây chuyền sản xuất sợi nông nghiệp mới sẽ về, nâng năng suất sản xuất của Asia Dragon năm 2015 lên 70 - 80% nhu cầu.
Đó là lý do chúng tôi vẫn cần đến hình thức liên doanh. Ngoài ra, chúng tôi đang nghiên cứu một sản phẩm mới cũng có nguồn gốc từ nhựa tổng hợp và phục vụ cho nông nghiệp. Sản phẩm có thể sẽ ra mắt vào năm 2016.
Đó cũng sẽ là sản phẩm để xuất khẩu?
Có lỗi gì trong chuyện doanh nghiệp chuyên tâm vào xuất khẩu không nhỉ? Với Asia Dragon, làm xuất khẩu có nhiều cái lợi. Chúng tôi chỉ làm theo đơn đặt hàng nên không bị tồn kho, lại được thanh toán nhanh.
Tốt gỗ hơn tốt nước sơn
Chị am tường về nghề và có bước khởi nghiệp cũng như kinh doanh thuận lợi phải chăng nhờ vào vị trí cũ mang lại?
Không. Những năm làm cho công ty người khác không ai cho tôi vị trí gì hết. Nhưng tôi vẫn hiển nhiên được cho là điều hành vì khi thực sự đam mê, ai cũng có thể nhìn thấy.
Nếu biến đam mê đó thành hiệu quả thì người ta càng không thể không nhìn thấy. Không cứ phải có chức vụ hay phải màu mè hoa lá thì mới được nhìn nhận. Tốt gỗ vẫn hơn là tốt nước sơn.
Chị có phải đánh đổi gì không để có thành công hiện tại?
Ở vào tuổi này, tôi nghiệm ra được rằng, để có cái này thì phải đánh đổi cái kia. Chuyện đó là đương nhiên. Nước mắt cũng từng rơi, tóc có lúc bạc, da có lúc nhăn nhưng so với nhiều người thì tôi vẫn còn may mắn và được nhiều hơn mất. Tôi luôn nhận được sự ủng hộ từ các đồng nghiệp, bạn hàng.
Việc xây dựng được những mối quan hệ trung thành có phải cần đến yếu tố may mắn không?
May mắn hay cơ hội là do ta biết tìm kiếm nó. Phải tìm kiếm thì mới có. Nếu cứ ngồi thì không ai mang may mắn đến cả. Tuy nhiên, tôi vẫn nghĩ, khi mình làm việc đàng hoàng thì người khác sẽ trân trọng.
Tôi vẫn thường nói với bộ phận kỹ thuật rằng chúng ta không thể đảm bảo không có lúc phạm sai lầm. Nhưng quan trọng là cố gắng kiểm soát nó, sai phải biết sửa sai và đừng lập lại sai lầm cũ.
Những người từng trò chuyện với chị đều cảm thấy ở chị sự thoải mái, cởi mở. Trong điều hành, chị cũng áp dụng sự cởi mở này chứ?
Tôi thích sự thoải mái, không phải quá tính toán, gò bó hay áp đặt. Làm sao để mình dễ thở mà mọi người cũng dễ thở. Tôi nhận thấy, khi càng thoải mái trao việc, người ta càng thể hiện được nhiều khả năng và muốn cống hiến nhiều hơn. Tôi cũng tự nhiên mà sung sướng, nhàn nhã.
Khi đã trao việc như vậy, chị làm sao để vẫn tin và vẫn kiểm soát được?
Chắc tôi có phần may mắn khi những người tôi trao việc đều làm việc hết mình. Tôi chưa thấy ai làm điều gì khuất tất khiến tôi phải suy nghĩ. Nếu có phải bận tâm, tôi chỉ bận tâm hơn ở khâu kỹ thuật, chất lượng sản phẩm.
Thực ra, tôi cho rằng, để tin tưởng khi giao việc, vấn đề nằm ở khâu chia việc. Nếu chia việc rõ ràng cụ thể, công việc sẽ tự nhiên mà trôi chảy. Các chủ doanh nghiệp cần có trách nhiệm chia sẻ quyền lợi cũng như các lợi ích kinh tế. Đây là vấn đề trả ơn cho người đã có những đóng góp cho công ty.
Tư duy quản trị điều hành của chị thường đến từ đâu?
50% là của mình. Nó như một người mẹ chăm con, không trường lớp cụ thể nào dạy cả. Nhưng một người mẹ thương con sẽ tự tìm hiểu, tự học chỗ này chỗ kia để có kiến thức về nhận biết những buồn vui đau mệt của con, biết cách xoa dịu, chăm sóc và nuôi nấng con.
Một người mẹ vô tâm thì không làm được như vậy. Trong công việc cũng vậy. Tôi chủ trương mọi thứ phải đi từ tâm lý khách hàng, xem họ muốn cái gì vì khách hàng có rất nhiều sự lựa chọn.
Chị có chia sẻ không muốn kinh doanh để trở thành cái này hay cái kia. Vậy chị kinh doanh để làm gì?
Để được làm điều mình thích. Để tạo ra những giá trị và chia sẻ nó với cuộc đời.
Khi quan sát cuộc sống, chị thường để ý đến những vấn đề gì?
Nếu liên quan đến trí tuệ thì tôi chú ý đến các vấn đề có tính đổi mới, cải tiến. Nếu liên quan đến cảm xúc thì tôi sẽ chú ý đến khía cạnh cân bằng. Ai làm quản lý cũng gặp phải những vấn đề căng thẳng, mệt mỏi. Nếu không sớm cất nó đi, sẽ ảnh hưởng đến công việc lẫn bản thân.
Những lúc bị căng thẳng, chị cân bằng theo những cách nào?
Cố gắng bình tĩnh lại, ngồi xuống nghe nhạc hoặc hát. Tôi thích hát lắm. Tôi hay viết thư hoặc nói ra để xả stress. Tôi ào ào xong thì lại thấy nhẹ tênh. Tôi cũng thích chiêm ngưỡng vẻ đẹp thiên nhiên. Trời mưa hay nắng, buổi sáng hay buổi chiều gì tôi cũng thấy đẹp.
Tôi thấy đó là quà tặng thì sao ta lại không tận hưởng. Nhưng để "ngộ” ra được những điều này, tôi đã trải qua những lần khủng hoảng. Sau đó nhận ra khi mình khổ, chẳng ai cứu mình hết, chỉ có mình tự cứu mình thôi. Tôi cũng đã tìm đọc sách Phật. Giờ ai cũng bảo, thấy tôi dễ thương hơn xưa.
Yêu mến thiên nhiên, chắc là chị du lịch nhiều để thỏa mãn sở thích này?
Ồ, không! Tôi lại là người ít du lịch. Vì tôi chỉ thích đi với con mà con tôi lại đang tuổi học nên cũng khó.
Ai cũng thích được khen, nhất là khen đúng. Chị thích được khen như thế nào?
Tôi thích được khen là tốt bụng.
Hẳn chị thường xuyên làm từ thiện?
Tôi có làm nhưng xin không nói cụ thể. Tôi còn dự định sẽ lập một quỹ riêng để hỗ trợ đào tạo chuyên sâu cho sinh viên ngành cơ khí.
Chân thành cảm ơn chị về buổi trò chuyện này!
End of content
Không có tin nào tiếp theo