Xã hội

Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đánh giá việc thực hiện Di chúc của Bác Hồ

Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu: “Chúng ta phải nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá cho đúng sự thật về tình hình Đảng ta”.

Nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khoá VIII - Lê Khả Phiêu

Nhân dịp kỷ niệm Cách mạng tháng Tám thành công và Quốc khánh 2.9, Đài Tiếng nói Việt Nam phỏng vấn ông Lê Khả Phiêu, nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khoá VIII, về những việc nước nhà đã làm được và chưa làm được theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, và những thách thức mà toàn Đảng, toàn dân ta đang phải đối mặt trong tình hình mới.

Dân Việt trân trọng giới thiệu toàn văn cuộc trả lời phỏng vấn của nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu.

Dân Việt xin tóm lược những nội dung chính của cuộc trả lời phỏng vấn của nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu:

Kính thưa đồng chí Lê Khả Phiêu, năm nay toàn Đảng toàn dân và đất nước ta kỉ niệm ngày thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Có thể nói bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một di sản về tinh thần và chính trị vô giá của dân tộc ta. Theo đồng chí, những điều gì mà đất nước ta đã thực hiện được và chưa thực hiện được trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh?

- Toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đã thực hiện một cách nghiêm túc Di chúc của Người: Một là, Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc và thống nhất đất nước.

Hai là, Đảng ta đã kiên định tích cực phấn đấu để thực hiện lý tưởng XHCN và CNCS cao đẹp mà Người đã vạch ra cho giai cấp công nhân và nhân dân ta. Từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, trong đó chúng ta đã thực hiện việc miễn thuế nông nghiệp.

Đương nhiên chúng ta phải phấn đấu phát triển nhiều hơn nữa, làm cho đất nước chúng ta giàu mạnh, tiến lên xây dựng CNXH, CNCS.

Ba là, vấn đề đoàn kết. Bác từng dặn dò: Phải giữ gìn đoàn kết như con ngươi của mắt mình. Nhờ đoàn kết trong Đảng, trong dân mà cách mạng nước ta mới có thể giành được nhiều thắng lợi. Tuy nhiên cũng có những lúc chưa thực hiện thật tốt tinh thần phê bình và tự phê bình nên vấn đề mất đoàn kết cũng có xảy ra ở nơi này nơi khác với những mức độ khác nhau. Như thế là chúng ta chưa thực hiện nghiêm túc những lời Bác dạy. Đây cũng là một vấn đề sinh tử của một đảng Cộng sản, một đảng cầm quyền.

Bốn là, chúng ta đã tích cực thực hiện học tập và làm theo tấm gương đạo đức của chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhiều Đảng viên, cán bộ đã không sợ hy sinh gian khổ, rèn luyện mình trở thành những chiến sĩ cách mạng kiên cường và được nhân dân tin yêu.

Tuy nhiên việc học tập và làm tấm gương đạo đức của Bác Hồ vẫn chưa thật thấm đẫm, còn hình thức, nói nhiều viết hay nhưng làm lại ít. Những căn bệnh như quan liêu, tham nhũng, lãng phí, cá nhân chủ nghĩa, xa dân, thiếu tôn trọng dân… vẫn còn tồn tại. Đây là vấn đề mà đảng viên, cán bộ các cấp từ trên xuống dưới phải thực hiện triệt để, đầy đủ, phải có biện pháp khắc phục hiệu quả.

Năm là, Đảng ta đã thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, chủ động tích cực hội nhập quốc tế. Lúc đầu chúng ta mới chỉ hợp tác về kinh tế, đến giờ chúng ta đã hợp tác toàn diện. Chúng ta quan hệ với hầu hết các khu vực, các quốc gia, các đảng và đảng cầm quyền trên thế giới (trên 200 đảng có quan hệ với chúng ta).

Vì thế chúng ta cũng có trách nhiệm góp phần vào cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới. Qua đó, uy tín của nước ta trên trường quốc tế ngày càng cao hơn.

Nhiều người phân tích, có 5 nội dung trong Lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh mà đồng chí Lê Duẩn đã thay mặt toàn Đảng, toàn dân hứa trước anh linh của Người. Vậy theo đồng chí, trong bối cảnh hiện nay, thách thức lớn nhất đối với Đảng Cộng sản Việt Nam và đất nước Việt Nam là gì?

- Thách thức đối với Đảng ta, dân tộc ta qua các thời kì của cách mạng thì lúc nào, giai đoạn nào cũng có nhưng mức độ từng thời kì khác nhau.

Nước ta sau khi kết thúc chiến tranh, thống nhất đất nước, đi vào hòa bình và xây dựng CNXH từ 1975 đến sau 1985 gặp nhiều khó khăn. Ta vừa phải hàn gắn vết thương chiến tranh, vừa bị cấm vận. Lương thực thực phẩm thiếu thốn. Sản xuất chậm phát triển. Lại cộng thêm chiến tranh biên giới Tây Nam nên tình hình rất phức tạp.

Đảng đã lãnh đạo nhân dân vượt qua khó khăn với những quyết định đúng đắn về chiến lược và sách lược, biết nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật với những biện pháp thiết thực trong công cuộc đổi mới: chuyển từ chế độ tập trung quan liêu bao cấp sang tự chủ trong kinh tế, phát huy được sáng kiến, trí tuệ của toàn Đảng toàn dân. Nhờ công cuộc đổi mới ấy, chúng ta mới vững bước tiến lên được.

Kết thúc Đại hội VI, bước sang Đại hội VII (1991-1995), chúng ta vượt qua khủng hoảng, mở rộng quan hệ quốc tế. Đặc biệt, tại Đại hội VII đã đề ra Cương lĩnh mới – cương lĩnh thời kì quá độ lên CNXH. Trong những khó khăn, thách thức đã nêu trên thì những vấn đề, thách thức về kinh tế là nổi bật nhất.

Kinh tế nước ta bị ảnh hưởng bởi vấn đề kinh tế suy thoái của thế giới, bản thân chúng ta cũng chưa khắc phục được.

Theo đồng chí, hiện nay khó khăn nào, thách thức nào lớn nhất đối với đất nước ta và Đảng ta? Chúng ta phải làm gì để hóa giải những khó khăn và thách thức này?

- Cái khó lớn nhất là thách thức với bản thân Đảng ta. Vì những yếu kém, khuyết điểm về bản lĩnh lãnh đạo, năng lực, phẩm chất, phương thức… bên cạnh đó là những căn bệnh như quan liêu, cửa quyền, xa dân, không tôn trọng dân, vô cảm trước những hành động vi phạm đến quyền dân chủ và lợi ích chính đáng của nhân dân, cá nhân chủ nghĩa, tham nhũng, tham quyền, những nhóm lợi ích tinh vi, xảo quyệt… ảnh hưởng rất lớn đến sự lãnh đạo của Đảng ta, làm cho sức chiến đấu của Đảng bị giảm sút. Lòng tin của dân đối với Đảng ngày càng phai nhạt...

Những khó khăn, yếu kém đó ta đã đấu tranh nhiều lần trong Đảng nhưng vẫn chưa khắc phục được. Chúng ta phải nhìn thẳng sự thật, đánh giá đúng tình hình của Đảng ta...

Vì vậy tôi đề nghị Đại hội Đảng lần thức XII này cần tập trung giải quyết triệt để việc xây dựng, củng cố Đảng. Mỗi đảng viên, mỗi tổ chức đảng phải xem xét lại chính bản thân mình, nhất là các đồng chí cấp cao từ Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các cơ quan quyền lực của Nhà nước như Quốc hội, Chính phủ, cơ quan tư pháp...

Phải hướng dẫn người dân thực hiện quyền giám sát Đảng và cán bộ đảng viên. Mở rộng dân chủ trong Đảng và trong dân. Phát huy được sức mạnh của dân cả về chính trị, tinh thần… Nếu chúng ta làm được điều đó thì mới có sức mạnh, nội bộ Đảng mới thực sự đoàn kết, Đảng với dân mới thực sự gắn bó.

Nếu chúng ta không làm được điều này, thì những mặt tiêu cực nói ở trên vẫn không khắc phục được, hậu quả sẽ khó lường đối với Đảng ta: suy yếu vị trí lãnh đạo, mất vai trò cầm quyền. Xin cảm ơn đồng chí Lê Khả Phiêu!

Theo Dân Việt
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo