Nhà băng lặng lẽ "tháo chạy" khỏi vàng
Từng đua nhau xin phép Ngân hàng Nhà nước (NHNN) được tham gia kinh doanh vàng, song hiện tại, các ngân hàng đều lần lượt thu hẹp dịch vụ này. Trên thị trường, chỉ còn lại một số ngân hàng duy trì hoạt động giữ hộ vàng, với mức phí khá cao.
Tháng 7/2013, với sự hậu thuẫn của cổ đông lớn DOJI, TPBank rầm rộ cho ra mắt dịch vụ mua - bán vàng trực tuyến (eGold). Thế nhưng, dịch vụ này đã bị TPBank âm thầm “đóng cửa” được gần nửa năm. Các nhân viên của TPBank cho hay, eGold tạm ngừng hoạt động là để “nâng cấp hệ thống”. Tuy vậy, theo những người trong ngành, TPBank phải tạm dừng eGold là do mua - bán online quá ế ẩm.
Việc mua vàng vật chất tại quầy của các ngân hàng hiện cũng rất thưa thớt. Theo danh sách do NHNN công bố, hiện có tới 22 ngân hàng được kinh doanh vàng miếng, song hoạt động mua - bán vàng được các ngân hàng triển khai rất cầm chừng. Nhiều điểm giao dịch của các ngân hàng lớn, như VCB, BIDV… không có dịch vụ này.
Trong khi đó, tại một số ngân hàng TMCP khác, dù hoạt động mua - bán vàng vẫn được duy trì, song nhân viên ngân hàng chỉ nhận giao dịch với số lượng lớn (thường từ 1 lượng trở lên). Theo giải thích của các ngân hàng, lượng vàng trong quỹ của ngân hàng hầu hết là vàng miếng mệnh giá lớn, nên khách hàng đều bị từ chối nếu muốn mua vàng mệnh giá nhỏ.
Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo một ngân hàng TMCP lý giải: “Trước đây, ngân hàng nào cũng mong muốn được kinh doanh vàng, vì khi đó đầu tư vàng vẫn còn “hot”. Từ cuối năm 2013, vàng rớt giá không phanh, nhà đầu tư quay lưng với vàng, không ngân hàng nào muốn kinh doanh vàng, vì doanh số thấp, chi phí lớn, rủi ro cao mà lời lãi không đáng kể… Chính vì vậy, ngoài những ngân hàng chưa hoàn thành tất toán vàng, các ngân hàng còn lại hầu như tạm dừng hoạt động mua vàng”.
Số liệu của NHNN cho thấy, nhu cầu vàng của các ngân hàng, kể cả những ngân hàng đang có nhu cầu vàng tất toán trạng thái dư nợ vàng đều không tăng, thậm chí còn giảm. Tại TP.HCM, tính đến cuối tháng 2/2014, dư nợ vàng của các ngân hàng chỉ còn khoảng 100.000 lượng, giảm hơn 28.000 lượng so với cuối năm 2013.
Ông Vũ Minh Châu, Tổng giám đốc Công ty Bảo Tín Minh Châu khẳng định, kinh doanh vàng giờ đây rất gian nan, ngay cả với các doanh nghiệp kinh doanh vàng lâu năm, dày dạn kinh nghiệm. Vì vậy, việc các ngân hàng thương mại “buông” vàng không có gì đáng ngạc nhiên.
Ngân hàng cũng không mặn mà với dịch vụ giữ hộ vàng
Theo quan sát của phóng viên Báo Đầu tư, ngoài hoạt động mua - bán vàng, thì dịch vụ giữ hộ vàng vốn được các ngân hàng đua nhau mở ra một thời nay cũng đang teo tóp dần. Hiện cả nước có 16 ngân hàng được NHNN cấp phép dịch vụ giữ hộ vàng, song số ngân hàng còn duy trì hoạt động này rất ít.
Đại diện một số ngân hàng như ACB, Sacombank… đều cho biết, đã tạm dừng dịch vụ này. Thay vì giữ hộ vàng, các ngân hàng khuyến khích khách hàng sử dụng dịch vụ két an toàn, với mức phí khoảng 120.000 đồng/tháng, với loại két nhỏ.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu phân tích, trước đây, khi giữ hộ vàng cho khách, ngân hàng sẽ được sử dụng số vốn này để kinh doanh. Tuy nhiên, hiện tại, với quy định chặt chẽ của NHNN, các ngân hàng không được phép sử dụng vàng giữ hộ để kinh doanh, điều kiện giữ hộ vàng rất chặt chẽ, chi phí bảo quản không nhỏ, trong khi phí dịch vụ thấp, do đó, ngân hàng không mặn mà giữ hộ vàng.
Đại diện NamA Bank cho hay, hiện NamA Bank chỉ triển khai dịch vụ này để giữ chân khách hàng, chứ lời lãi thu về chẳng được bao nhiêu, trong khi nếu xảy ra sơ suất, thì rủi ro mà ngân hàng gánh chịu lại rất lớn.
Được biết, hiện các ngân hàng, như Eximbank, NamABank, TPBank, DongABank… vẫn tiếp tục triển khai dịch vụ giữ hộ vàng, với mức phí dao động từ 8.000 đến 15.000 đồng/lượng/tháng.
Nhận định việc các ngân hàng đang lặng lẽ “nhả vàng” là dấu hiệu tốt, song các chuyên gia kinh tế đề nghị thêm, NHNN nên tận dụng thời điểm này để quét sạch vàng ra khỏi hệ thống ngân hàng.
GS-TS Trần Ngọc Thơ, Trưởng khoa Tài chính (Đại học Kinh tế TP.HCM) cho rằng, việc có tới 22 ngân hàng vẫn đang được phép kinh doanh vàng (theo Nghị định 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ) đang ẩn chứa rủi ro cho hệ thống, bởi qua các công ty sân sau, ngân hàng có thể sở hữu lượng vàng có giá trị quá 2% vốn điều lệ.
“Ngày nào hệ thống ngân hàng còn nắm giữ vàng, thì bất ổn vẫn luôn tiềm ẩn”, ông Thơ cảnh báo.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Bộ Công Thương lý giải quy định gỡ bỏ “tầng nấc trung gian” trong kinh doanh xăng dầu
Đề xuất ưu đãi thuế đặc biệt cho báo chí
Cân nhắc kỹ việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường
Vàng vẫn là ‘chân ái', trở thành top 1 mặt hàng nên mua vào năm 2025
Công bố bộ quy tắc đạo đức, ứng xử nghề nghiệp môi giới bất động sản
Đề xuất cho doanh nghiệp tự quyết giá xăng dầu có tỷ trọng tiêu thụ thấp