Xã hội

Nhà buôn 'quăng ra', nhà giáo 'ôm vào'

Dù thế nào thì con dấu vẫn là con dấu, nó vô hồn. Nhìn con dấu đóng vào vở của con, hẳn không ít cha mẹ sẽ thấy chạnh lòng.

Trong khi các doanh nghiệp đang hy vọng thoát khỏi vòng "kim cô" của con dấu, công cụ làm gia tăng gánh nặng và chi phí hành chính, thì các giáo viên sau thông tư 30 về bỏ chấm điểm Tiểu học, lại đang "rộn ràng" khắc hàng loạt con dấu để sử dụng thay cho lời nhận xét học trò.

Khách "sộp" mới của thợ khắc dấu?

Chủ trương bỏ chấm điểm tiểu học có giải quyết được căn cơ những tồn tại hiện nay? Ảnh minh họa: Văn Chung


Một người quen của tôi làm nghề khắc dấu. Anh kể rằng được đặt hàng nhiều nhất là dấu dùng trong doanh nghiệp, nào dấu của công ty, dấu tên, dấu sao y bản chính, dấu thừa ủy quyền, dấu mã số thuế, dấu công văn đến, công văn đi...

Nghe thông tin báo chí về đề xuất tiến tới bỏ con dấu trong DN, anh rất buồn. Bởi một con dấu tròn công ty hiện giờ có giá công khắc khoảng 350 ngàn, những con dấu khác cũng tốn ít nhất từ 60-100 ngàn. Mỗi công ty tùy quy mô chỉ riêng tiền khắc dấu không cũng mất ít thì 1 triệu, nhiều thì dăm triệu...

Từ khi khủng hoảng kinh tế, DN ít thành lập mới nên công việc vốn đã giảm, nay nếu mất hẳn nguồn thu này thì có khi thất nghiệp.

Nhưng có lẽ anh sẽ chẳng phải ủ rũ quá lâu, bởi giờ đây anh sẽ có những khách hàng rất tiềm năng khác, không phải các doanh nhân mà là... thày cô giáo tiểu học. Tính ra, đây rất có thể là những khách "sộp". Bởi một người cũng phải đặt cả chục con dấu. Đã thế lại là dấu có nội dung dài, dùng khuôn mới nên có giá cao. Một con dấu cũng có giá chừng 180 - 200 ngàn.

Anh bạn tôi nhẩm tính: Thày cô xài dấu này nhiều hơn cả DN ý chứ. Vì tính sơ sơ một lớp có 50-60 học trò, một ngày học 5 môn, như vậy trung bình mỗi thày cô cũng cần đến vài trăm cuốn vở, bài làm cần phải nhận xét, đánh giá bằng con dấu. Mà xài kiểu này thì dấu mau mòn, mau phải khắc lại. Ngoài dấu thì mực cũng rất tốn.

Những con dấu vô hồn

Trong khi giới thợ dấu hân hoan thì trẻ con tiểu học hẳn cũng sẽ bắt đầu thay đổi cách báo cáo cha mẹ về tình hình học tập hàng ngày. Mỗi chiều về khi đón con, thay vì hỏi "Hôm nay được mấy điểm?", cha mẹ sẽ hỏi trẻ: "Hôm nay cô nhận xét gì?". Và các bé sẽ trả lời, chẳng hạn: Hôm nay con được 3 dấu "Cô khen", một  dấu "Con cần cố gắng nhiều hơn nữa", cùng một dấu "Very Good"...  Và bé sẽ ngây thơ tả lại cảnh cô bận tíu tít, ôm cả chồng vở ngồi giữa cả chục con dấu, chọn hết dấu này đến dấu khác cộp như chớp...

Chỉ vài ngày là bố mẹ và bé đều thuộc làu mấy lời khen trong dấu đóng sẵn của cô, coi như công thức. Ví như: "Con cố gắng viết đúng hơn nhé", "Có tiến bộ hơn trong trả lời câu hỏi", "Em hiểu bài", "Thích múa hát", "Tiến bộ, cần phát huy", "Em chưa có kỹ năng tốt trong bài tập môn Toán","Con cố gắng rèn chữ thêm", v.v...

Con dấu bây giờ cũng được khắc bằng công nghệ cao nên rõ ràng, sắc nét. Nhưng dù thế nào thì con dấu vẫn là con dấu, nó vô hồn. Nhìn con dấu đóng vào vở của con, hẳn không ít cha mẹ sẽ thấy chạnh lòng. Hóa ra con của họ giờ đây hiếm khi biết được nét chữ cô phê với bao tâm huyết trong dạy dỗ, bao trìu mến yêu thương trên bài vở của chúng. Tất cả chỉ còn con dấu trăm cái cộp chính xác cả trăm, ngàn cái chính xác cả ngàn.

Thêm nữa, không lẽ trẻ con trong lớp chỉ có vài loại học sinh với khả năng tương ứng với dăm bảy con dấu của thày cô? Và quan trọng hơn, những đứa trẻ được đào tạo trong một lớp học mà ngay cả lời nhận xét của thày cô cũng đã biến thành con dấu thì rồi đây chúng sẽ trở thành con người thế nào?

Bộ có quyết sách, thày cô có đối sách

Dù đã được tập huấn, triển khai, huấn luyện trên toàn quốc về việc bỏ chấm điểm với học sinh tiểu học, nhưng sau học hành, trao đổi, nhiều thày cô vẫn thấy mông lung trước những hướng dẫn vẫn còn quá chung chung, thiên về cảm tính. Chính vì vậy, trên thực tế, khắc dấu nhận xét và đánh giá, tự trao đổi các "công thức", truyền kinh nghiệm sao cho tiết kiệm thời giờ... là đa dạng đối sách mà nhiều thày cô ở các trường tiểu học đang thực hành để đối phó với những thay đổi từ Bộ Giáo dục.

Bởi mặc dù xuất phát từ mục đích tốt là giảm áp lực cho học trò, nhưng về căn bản, cái mà giáo dục tiểu học Việt Nam cần đổi mới chính là làm sao để học trò tiểu học phải học quá nhiều và quá nặng, lý thuyết suông, thiếu thực hành kỹ năng. Khi học trò tiểu học được học vừa sức, học đi đôi với hành, học trong khi vui chơi như chương trình tiểu học mà nhiều quốc gia tiên tiến đang áp dụng, thì tự dưng việc đánh giá bằng điểm hay bằng lời nhận xét sẽ chỉ còn là thứ yếu.

Còn nếu không, mọi sự có lẽ lại trở về vòng luẩn quẩn của hình thức. Bộ có quyết sách, thày cô sẽ có đối sách, đó là cách dễ dàng giúp thày cô tồn tại qua áp lực do khối lượng công việc đột ngột gia tăng, thời gian ít đi mà lương thì "nguyễn y vân". Đến cuối cùng, người lãnh đủ vẫn là học trò mà thôi.

Vietnamnet
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo