Môi trường

Nhà đầu tư Việt Nam ở đâu trong thị trường năng lượng tái tạo

(DNHN) - Việt Nam được đánh giá là nước có tiềm năng về năng lượng tái tạo và cũng là cơ hội lớn cho các nhà đầu tư. Nhưng cho đến nay, các nhà đầu tư Việt Nam gần như không có cơ may nào trong lĩnh vực này

Năng lượng của Việt Nam đang ngày càng cạn kiệt, dự báo đến năm 2015 Việt Nam sẽ thiếu 8 tỷ KWh điện năng, năm 2020 thiếu 36-65 tỷ KWh và sẽ thiếu 200-340 tỷ KWh  vào năm 2030

 

Năng lượng tái tạo là một trong những giải pháp để khắc phục tình trạng thiếu năng lượng. Đặc biệt khi Việt Nam  được đánh giá là nước có tiềm năng lớn về năng lượng mặt trời và năng lượng gió .

 

Theo GS.TS Nguyễn Phùng Quang, Giảng viên Đại học Bách khoa Hà Nội, so sánh giữa Việt Nam và các nước láng giềng về chế tạo điện từ gió, Việt Nam có cơ may nhất lớn hơn so với các nước láng giềng. 60% diện tích Việt Nam có thể làm phong điện

 

Trong khi đó, năng lượng mặt trời ở Việt Nam cũng khá lớn, đặc biệt ở miền Nam, miền Trung và một số vùng ở miền Bắc. Việt Nam đã có một số dự án về năng lượng mặt  trời.

 

Tuy nhiên phát triển năng lượng tái tại ở Việt Nam đang gặp phải rào cản về công nghệ, vốn đầu tư, chính sách giá điện.

 

Buổi tọa đàm nhỏ trong khuôn khổ chương trình Cựu học viên từng tu nghiệp ở Đức, Đại sự quán CHLB Đức, Tổ chức trao đổi hàn lâm Đức DAAD, Tổ chức hợp tác quốc tế Đức GIZ và Viện Goethe với chủ đề "Năng lượng tái tạo hay điện hạt nhân - Giải pháp cho Việt Nam trong tương lai?, các nhà khoa học hiện đang giữ những trọng trách khác nhau ở cơ quan nhà nước đều cho rằng, phát triển năng lượng tái tạo là hướng đi cần thiết cho Việt Nam.

 

Tuy nhiên lĩnh vực này dường như các nhà đầu tư Việt Nam chưa với tới được và cũng vì thế, khó có thể thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo trở thành một trong những nguồn năng lượng quan trọng trong cơ cấu năng lượng

 

“Việt Nam đã có một số dự án về năng lượng mặt trời nhưng bản chất các thiết bị, công nghệ đều mua của nước ngoài hoặc được nước ngoài tài trợ. Do đó, thay vì đem lợi nhuận cho doanh nghiệp Việt Nam thì chúng ta lại đang làm lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài”, Ths Ngô Thị Tố Nhiên, Cựu sinh viên TU Flensburg, Bộ Khoa học và Công nghệ nói

 

Cũng cùng quan điểm do rào cản về công nghệ khiến cho các doanh nghiệp trong nước đang đứng ngoài cuộc về năng lượng tái tạo, GS.TS Nguyễn Phùng Quang cho biết, khi Việt Nam đã tài trợ và khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo thì đã có chuyển biến lớn. Nhưng những người hưởng lợi ở đây là các nhà đầu tư nước ngoài còn các chủ đầu tư Việt Nam không có cơ may.

 

Ông Quang cho rằng, dự án này sẽ chết yểu nếu ngành công nghiệp cơ khí của Việt Nam không phát triển. Chính sách hỗ trợ từ nhà nước phù hợp hơn thì nhà đầu tư và người nghiên cứu  mới có cơ may về lĩnh vực này.

 

Vẫn theo  ông Quang, Việt Nam hiện mới chỉ làm được những công nghệ có công suất nhỏ.

 

Chẳng hạn như phong điện, với loại dưới 50kwh, Việt Nam có thể sản xuất được  được từ thiết kế đến chế tạo. Nhưng những công suất nhỏ này chỉ sử dụng ở những xã có vài hộ gia đình.

 

Còn phương diện quốc gia phải cung ứng vài triệu MW chúng ta không làm được. Vấn đề không phải không có các nhà khoa học giỏi nhưng về công nghệ, Việt Nam vẫn bị lỗi thời, lạc hậu. Nếu không tăng cường nghiên cứu công nghệ thì chả còn cách nào khác là nhập khẩu. Hiện nay, Việt Nam chủ yếu là mua của nước ngoài, và phát triển năng lượng tái tạo vẫn đang là  miếng bánh ngon cho các nhà đầu tư nước ngoài

 

Hồng Trang

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo