Nhà máy chậm thu mua, người dân đốt mía trồng cây khác
Nhà máy chậm thu mua khiến vùng nguyên liệu Quảng Ngãi chết khô, ảnh hưởng tới chất lượng mía và thu nhập của người dân. Vụ 2012-2013 xảy ra 9 vụ mía cháy, trong đó có nơi người dân bức xúc đốt đồng mía trồng cây hoa màu khác.
(VnExpress)Tại phiên chất vấn kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh Quảng Ngãi khóa 11 ngày 4/7, nhiều đại biểu cho biết, cử tri nhiều địa phương phản ánh Công ty CP Đường Quảng Ngãi chậm thu mua mía theo thời vụ gây ảnh hưởng lớn thu nhập của họ.
Thống kê của Công ty CP Đường Quảng Ngãi, vụ mía 2012-2013, toàn tỉnh có hơn 5000 ha mía, sản lượng khoảng 313.430 tấn. Niên vụ này xảy ra 9 vụ cháy ở các huyện: Đức Phổ, Mộ Đức, Tư Nghĩa và Ba Tơ gây thiệt hại hàng chục ha. Trong số này, có trường hợp người dân cố tình đốt đồng mía vì nhà máy chậm thu mua.
Lý giải vấn đề này, ông Dương Văn Tô, giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Ngãi cho biết, sở dĩ nhà máy chậm thu mua của nông dân do trong quá trình tổ chức thu hoạch thiếu nhân công (vì thời điểm bà con tập trung thu hoạch lúa đông xuân và gieo sạ hè thu). Tháng 5, thời tiết bất thường có mưa dông sớm nên tiến độ không đạt chỉ tiêu đề ra, nhất là vận chuyển mía gặp nhiều khó khăn. Do những tác động khách quan, nhà máy đường Phổ Phong phải điều chỉnh giảm công suất từ 2200 tấn xuống còn 1500-1700 tấn mỗi ngày gây bức xúc.
Tuy nhiên bà Hà Thị Anh Thư, Bí thư Tỉnh đoàn Quảng Ngãi cho rằng, cách giải thích "thiếu nhân công" khiến nhà máy chậm thu mua mía của nông dân nói trên là chưa thỏa đáng. "Mỗi lần chúng tôi tiếp xúc cử tri, người dân ở các địa phương phản ánh khi mía chín trên đồng họ chủ động báo lên xã hơn 10 ngày thế nhưng đợi mãi mà chẳng thấy nhà máy cấp phiếu về thu mua. Nhà máy chậm mua nguyên liệu khiến mía chết khô, chuột cắn phá, trữ lượng đường sụt giảm", bà Thư nói.
Bà Thư dẫn chứng, có trường hợp như ở xã Nghĩa Lâm, huyện Tư Nghĩa do đợi nhà máy mua quá lâu, người dân đã đốt cháy đồng mía lấy đất trồng cây hoa màu khác.
Còn ông Phạm Viết Nho, Bí thư huyện ủy Ba Tơ phàn nàn, huyện Ba Tơ có hơn 800 ha mía, năng suất đạt cao từ 50 đến 80 tấn/ha. Vùng nguyên liệu rộng lớn như vậy nhưng mỗi ngày nhà máy chỉ điều động 1, 2 xe về Ba Tơ vận chuyển làm sao kịp được chứ không phải do thiếu nhân công thu hoạch. "Mặc dù đồng mía ở Ba Tơ có chất lượng cao hơn 10 chữ đường nhưng nhà máy lại "mặc định" 9 chữ đường cho tất cả vùng nguyên liệu trên địa bàn huyện gây thất thu lớn cho bà con nông dân”, ông Nho nói thêm.
Để đảm bảo quyền lợi cho người dân, bà Trương Thị Xuân Hồng, Phó chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ngãi đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định rõ nhiêm vụ trọng tâm từng vụ mía, thu mua mía đúng thời vụ, đúng chữ đường. Thời gian tới, Tỉnh sẽ trực tiếp làm việc với Công ty CP Đường Quảng Ngãi xử lý, tháo gỡ rốt ráo những vấn đề này.
Trí Tin
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo