Nhà nước can thiệp quá sâu vào đời sống của doanh nghiệp
“Tốc độ và mức độ cải cách doanh nghiệp nhà nước (DNNN) nhìn chung còn chậm, diễn ra trong thời gian quá dài, hiệu quả chưa rõ. Định vị vai trò của DNNN và cách quản lý của Nhà nước đối với DNNN chưa tương đồng với thông lệ quốc tế. Hiệu quả kinh doanh và năng lực cạnh tranh còn thấp, làm giảm hiệu quả và sức cạnh tranh chung của nền kinh tế”.
Chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Đình Cung, quyền Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương phát biểu tại hội thảo “Kinh nghiệm cải cách doanh nghiệp nhà nước của Indonesia và bài học với Việt Nam”, diễn ra sáng 27/3 tại hà Nội.
Hiện nay Việt Nam còn 949 doanh nghiệp thuần sở hữu nhà nước tổ chức dưới hình thức công ty TNHH một thành viên, trong đó có 54% là doanh nghiệp địa phương, 36% thuộc các bộ, ngành và 10% thuộc các tập đoàn kinh tế nhà nước.
Tổng nguồn vốn kinh doanh của DNNN trên 2,5 triệu tỷ đồng, tương đương GDP hàng năm, trong đó vốn chủ sở hữu nhà nước trên 1000 tỷ đồng. Hầu hết tài sản, vốn và các nguồn lực quan trọng của DNNN tập trung ở 106 tập đoàn, tổng công ty nhà nước.
Trong bối cảnh đó, cải cách DNNN Việt Nam vừa là đòi hỏi khách quan, vừa là một trong những giải pháp giảm sự can thiệp của Nhà nước, tăng khả năng tự điều tiết của thị trường và cộng đồng doanh nghiệp.
Theo ông Cung, yêu cầu cải cách DNNN không chỉ ở các nước có nền kinh tế chuyển đổi như Việt Nam. Ở nhiều quốc gia, bên cạnh vai trò không thể phủ nhận, DNNN luôn bộc lộ những yếu kém do chính sách bảo hộ, tách DNNN với cơ chế cạnh tranh, với giải thể và phá sản. Vì vậy, Việt Nam bắt đầu đẩy mạnh cải cách DNNN, không chỉ xuất phát từ yêu cầu giảm gánh nặng quản lý Nhà nước mà còn nhằm mục tiêu nâng cao sức cạnh tranh của bản thân doanh nghiệp với hy vọng góp phần nâng cao sức cạnh tranh của toàn bộ nền kinh tế.
Đã có rất nhiều các chinh sách, nguyên tắc, khung khổ pháp lý được đưa ra tuy nhiên, trên thực tế hiện nay các nguyên tắc này chưa được tuân thủ. Các DNNN, đặc biệt là các công ty TNHH một thành viên do nhà nước làm chủ sở hữu vẫn chịu sự điều chỉnh của một hệ thống các văn bản quản lý đặc thù dưới luật về quan hệ sở hữu, quản lý tài chính, nhân sự, tiền lương, …
Nhiều đại biểu khác cho rằng, vì sự can thiệp của nhà nước nên vẫn còn tình trạng độc quyền hoặc thống lĩnh thị trường của các DNNN. Khu vực DNNN nói chung vẫn được Nhà nước ưu tiên đầu tư các nguồn lực quan trọng của đất nước, vì vậy, vẫn giữ vai trò chi phối hoặc có vị thế của doanh nghiệp độc quyền tại hầu hết các lĩnh vực then chốt hoặc có khả năng sinh lời cao như: dầu khí, khoáng sản, điện, hóa chất, vận tải đường sắt, hàng không …
Vẫn còn không ít trường hợp Nhà nước can thiệp trực tiếp vào đời sống kinh tế của các doanh nghiệp hoặc gây ảnh hưởng, làm thiên lệch quan hệ cạnh tranh của các doanh nghiệp trên thị trường bằng các biện pháp như hỗ trợ tài chính, khoanh nợ, xóa nợ, ưu đãi tín dụng, chính sách lao động, tiền lương …
Sau nhiều năm cải cách, cơ cấu ngành, lĩnh vực hoạt động của DNNN thay đổi không đáng kể, chưa đạt yêu cầu “tập trung vào những ngành, lĩnh vực không cần duy trì 100% vốn nhà nước.
Kết quả của quá trình tái cơ cấu lại DNNN mới chỉ dừng lại ở mức độ giảm số lượng DNNN mà chưa có ảnh hưởng rõ rệt đến cơ chế phân bổ nguồn lực của Nhà nước, điều chỉnh chức năng của Nhà nước, tái cấu trúc ngành nghề và hiệu quả hoạt động của khu vực DNNN. Vị trí của DNNN trong tổng thể kết cấu chung của nền kinh tế và khu vực doanh nghiệp không có thay đổi dáng kể. Điều này là không phù hợp với vai trò của Nhà nước trong thể chế kinh tế thị trường; là nhược điểm lớn nhất của việc thực hiện chính sách cơ cấu lại DNNN cũng như chính sách cải cách DNNN nói chung ở Việt Nam.
Như Trâm
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng trong nước ngày 24/12/2024: Vàng nhẫn, vàng miếng SJC đồng loạt giảm
Căn hộ dịch vụ cho thuê thu hút sự chú ý lớn từ các nhà đầu tư
Giá vàng thế giới ngày 24/12/2024: Giảm nhẹ khi nhà đầu tư chờ động thái từ Fed
Triết lý “đô thị vị nhân sinh” dẫn lối hành trình kiến tạo đô thị bền vững tại The Global City
Những dấu ấn nổi bật ngành công thương năm 2024
Giá heo hơi ngày 24/12/2024: Lập đỉnh mới tại miền Bắc, cả ba miền tiếp tục tăng
Cột tin quảng cáo