Trong chuyến kiểm tra công trình nhà Quốc hội chiều 3/10, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Nhà Quốc hội là một công trình biểu tượng quốc gia, trụ sở của Cơ quan quyền lực cao nhất của đất nước.
Tại đây, Thủ tướng đã đi kiểm tra và nghe các cơ quan liên quan báo cáo về tiến độ thi công công trình Nhà Quốc hội và kiểm tra tình hình thực hiện Dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và cảnh quan khu vực khảo cổ học 18 - Hoàng Diệu.
Theo Báo cáo của Bộ Xây dựng, Ban Quản lý Dự án và các cơ quan liên quan, đến nay, hạng mục công trình Nhà Quốc hội, hạng mục cải tạo đường Bắc Sơn, đường Độc Lập… đã cơ bản hoàn thành. Theo đó, toàn bộ công trình đã hoàn thành kiểm định hệ thống thang máy, thang cuốn, hệ thống điều hòa thông gió; đồng thời đã thực hiện kiểm định phúc tra cường độ bê tông tại 3 vị trí; thực hiện các biện pháp kiểm soát an toàn và hiệu quả hệ thống âm thanh; đang chạy thử liên động nội bộ hệ thống chữa cháy, hệ thống báo cháy; đã và đang thực hiện quan trắc công trình, qua các chu kỳ quan trắc, số liệu quan trắc đều nằm trong giới hạn cho phép.
Quá trình thi công tuân thủ đúng quy trình, đúng thiết kế được duyệt, đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật và tiêu chuẩn, quy phạm hiện hành. Đã thực hiện nghiệm thu 2 giai đoạn thi công và đang nghiệm thu 3 giai đoạn thi công còn lại. Công việc này sẽ hoàn thành trước ngày 10/10 để Báo cáo Hội đồng nghiệm thu Nhà nước nghiệm thu công trình trước ngày 15/10/2014.
Đánh giá chung của các cơ quan chịu trách nhiệm về Dự án cho thấy, toàn bộ các hệ thống kỹ thuật đã được vận hành, chạy thử, kiểm tra và cơ bản đáp ứng yêu cầu, đảm bảo phục vụ cho Kỳ họp thứ 8 dự kiến khai mạc vào ngày 20/10 tới. Các hạng mục công trình, bộ phận công trình của Nhà Quốc hội hoàn thành và bàn giao cho Văn phòng Quốc hội tiếp quản và sử dụng gồm Phòng họp Quốc hội, Phòng họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội; các phòng họp tổ, đoàn; các phòng chờ của lãnh đạo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và các thành viên Chính phủ; phòng họp báo, tác nghiệp báo chí; phòng làm việc của lãnh đạo Quốc hội; khu vực làm việc của các bộ phận chức năng, các hệ thống thiết bị, kỹ thuật liên quan.
Các hạng mục còn lại như phòng làm việc của các Ủy ban của Quốc hội, phòng Hội đàm, tiếp khách quốc tế .v.v. sau khi kết thúc Kỳ họp, các nhà thầu thi công sẽ hoàn thiện lần cuối, căn chỉnh thiết bị, chạy thử liên động toàn bộ công trình và bàn giao toàn bộ công trình trong thời gian sớm nhất.
Phát biểu tại cuộc làm việc với các Bộ ngành, cơ quan, đơn vị liên quan, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Công trình Nhà Quốc hội là một công trình biểu tượng quốc gia, trụ sở của Cơ quan quyền lực cao nhất của đất nướcnên được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ hết sức quan tâm, chỉ đạo trong suốt quá trình đầu tư, xây dựng. Đây là công trình xây dựng lớn, hiện đại, có yêu cầu về kỹ thuật, mỹ thuật rất cao nên đòi hỏi tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình, quy phạm, tiêu chuẩn cũng như đào tạo vận hành tòa nhà khi đưa vào sử dụng.
Thủ tướng yêu cầu các đơn vị liên quan tạp trung chỉ đạo quyết liệt, khẩn trương hoàn thành các hạng mục còn lại của dự án theo đúng yêu cầu để đảm bảo phục vụ cho kỳ họp thứ 8, trong đó yêu cầu phải bảo đảm an toàn tuyệt đối về độ chịu lực của các hạng mục công trình, về phòng cháy chữa cháy và các yêu cầu về tiện ích và công năng cơ bản để phục vụ cho Kỳ họp. Thủ tướng cũng yêu cầu các cơ quan liên quan tiếp tục chỉ đạo để hoàn thành các hạng mục còn lại, đảm bảo đầy đủ công năng, các điều kiện sử dụng, vận hành và thẩm mỹ, hoàn tất toàn bộ công trình trước Tết Nguyên đán.
Nhấn mạnh đây là công trình được xây dựng ở khu vực có nhiều di tích lịch sử, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị liên quan tập trung thực hiện các nhiệm vụ bảo tồn tại Khu Di tích 18 - Hoàng Diệu; đề xuất phương án bảo tồn Khu di tích tâm linh đặc biệt thời Lý ở Lô E; hoàn thành Dự án trưng bày dưới tầng hầm Nhà Quốc hội. Riêng đối với Khu di tích tâm linh đặc biệt thời Lý, Thủ tướng đề nghị có đánh giá đầy đủ, khoa học, làm rõ giá trị của di tích đồng thời đề xuất phương án bảo tồn, tương xứng với ý nghĩa, giá trị của di tích lịch sử đặc biệt này.
Giao thông vận tải