Nhà thầu Trung Quốc ngừng thi công: Truy trách nhiệm đến cùng!
Nhà thầu Trung Quốc giá rẻ giả vờ
Trao đổi với Đất Việt, bà Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội lo ngại, hiện tượng nhà thầu Trung Quốc bỏ thầu rẻ rồi chậm trễ, kéo dài thời gian thi công sau đó đòi tăng giá, không được đáp ứng thì ngừng thi công đang dần trở nên phổ biến.
Bà lấy ví dụ, năm 2012, nhà thầu Trung Quốc thắng thầu thi công nhà máy nhiệt điện Nông Sơn (Quảng Nam) do bỏ giá rẻ nhưng ì ạch từ năm 2008 đến năm 2012 thì dừng hẳn, rút công nhân về nước sau khi chậm tiến độ hơn 2 năm trong khi công trình mới xây dựng được phân nửa khối lượng.
Hay cầu Đông Trù bắc qua sông Đuống khởi công từ năm 2006 nhưng đến tháng 6/2012, phía nhà thầu Trung Quốc xin rút khỏi dự án vì không thỏa thuận được dự toán chi phí khi họ đưa ra mức dự toán chi phí quá cao so với mức dự án được duyệt khiến công trình bị đình trệ 2 năm không thể thi công tiếp.
Gần đây nhất, chủ đầu tư dự án thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh cũng đã phải chấm dứt hợp đồng với nhà thầu Trung Quốc do chậm tiến độ và bỏ thi công giữa chừng sau khi nhà thầu này yêu sách đòi tăng chi phí không thành.
"Cách hành xử của nhà thầu Trung Quốc rất phi văn hóa, không tuân thủ tất cả các cam kết trong hợp đồng", bà An thẳng thắn.
Theo bà An, một giai đoạn dài ở Việt Nam hễ nhà thầu bỏ giá rẻ là trúng thầu, thế nhưng chúng ta không tinh, không sắc ở chỗ không hề nhận ra ngay rằng đó chỉ giá rẻ giả vờ. Thực chất sau đó nhà thầu phát sinh nhiều khoản chi phí, đội giá lên, chủ đầu tư lại cho quyết toán, cuối cùng công trình rẻ hóa đắt trong khi chất lượng không đảm bảo. Vậy nên mới xảy ra câu chuyện trong dự án thủy điện Thượng Kon Tum, nhà thầu Trung Quốc bỏ giá thầu rẻ chỉ bằng một nửa so với nhà thầu khác mà vẫn trúng thầu để rồi sau đó viện đủ lý do để tăng giá xây dựng.
Con voi lọt lỗ kim?
Dù sau này đã nhìn thấy bản chất nhà thầu Trung Quốc như vậy nhưng chúng ta lại tiếp tục để cho nhà thầu giá rẻ, chất lượng kém trúng thầu ở các công trình khác. Xảy ra quá nhiều trường hợp như thế cần đặt lại vấn đề quản lý nhà nước: tổ chức đấu thầu, thẩm định thầu, tư vấn thế nào... mà vẫn để lọt?
"Cần phải truy trách nhiệm đến cùng người đứng đầu các công trình, ai là người duyệt thầu? Tại sao lại để những công ty Trung Quốc không đủ năng lực tài chính, năng lực kỹ thuật mà vẫn trúng thầu thì sẽ minh bạch ngay. Liệu có lợi ích nhóm trong đó không? Hợp đồng sơ hở là trách nhiệm của người đứng đầu công trình. Để xảy ra tình trạng chậm thi công, đội vốn rồi nhà thầu ngừng thi công mà không có giải pháp gì thì lỗi vẫn do người đứng đầu. Còn trách nhiệm liên đới thế nào thì đó là chuyện sẽ bàn sau", đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội nói.
"Hãy minh bạch tất cả những cái đó ra, còn xử lý thế nào là việc của Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền".
Bà An cũng nhấn mạnh, cần xem xét kỹ các điều khoản trong hợp đồng. "Trong hợp đồng kinh tế bao giờ cũng có điều khoản hai bên phải cam kết những nội dung nêu trong hợp đồng là trung thực, nếu bên nào vi phạm sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Nếu mình đúng pháp luật thì cân nhắc khởi kiện. Tất nhiên để đưa nhà thầu sai phạm ra pháp luật không dễ dàng gì nhưng phải cố gắng".
Hãy làm như Bộ Giao thông
Theo đại biểu Bùi Thị An, các ngành đều nhìn thấy được chất lượng nhà thầu Trung Quốc có vấn đề nhưng lại không xử được, trừ ngành giao thông.
Bà An cho rằng, Bộ Giao thông đã chỉ được mặt hàng loạt doanh nghiệp năng lực kém, trong đó có nhiều công ty của Trung Quốc. Bản thân Bộ trưởng Đinh La Thăng đã tuyên bố thẳng sẽ cấm cửa các nhà thầu này tham gia vào các dự án giao thông khác của Việt Nam nếu không tích cực đẩy nhanh tiến độ.
Chính vì thế, các ngành cần rà soát lại xem có bao nhiêu công trình nhà thầu Trung Quốc trúng thầu có tình trạng chậm tiến độ, đội vốn, gây thất thoát cho nhà nước để xử lý tận cùng, không để xảy ra những chuyện tương tự.
Đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội cũng đánh giá, việc sửa Luật Đấu thầu là một tín hiệu tốt để hạn chế các nhà thầu Trung Quốc năng lực kém.
"Bây giờ không phải cứ nhà thầu nào chào giá rẻ nhất là trúng. Đó mới chỉ là điều kiện cần mà thôi. Để trúng thầu phải xem xét tổng thể các yếu tố kỹ thuật, năng lực, kinh nghiệm, chất lượng, tiến độ công trình... Nếu nhà thầu Trung Quốc chứng minh được họ đảm bảo được tất cả các điều kiện ấy thì mới cho trúng thầu".
Theo Đất Việt
End of content
Không có tin nào tiếp theo