Nhà vệ sinh bạc tỷ ở Việt Nam: Nghèo lại thích... "chơi hoang"
Hết Quảng Ngãi, TPHCM, giờ lại đến Hà Nội và Hà Nội cứ lần lượt đề xuất triển khai nhà vệ sinh tiền tỷ. Thậm chí người ta còn gắn “sao” để thể hiện độ hoành tráng, sang trọng cho nhà vệ sinh.
Sau khi Hà Nội đề xuất xây 14 nhà vệ sinh tiền tỷ, bị dư luận phản đối nên buộc phải tạm dừng nghiên cứu thêm để giảm thiểu chi phí. Rồi đề xuất xây nhà vệ sinh lại tiếp tục được đưa ra để phục vụ nhu cầu của cả khách du lịch và… khách vãng lai.
Khoảng 3 tháng trước đây, sau khi Ban quản lý chỉnh trang đô thị Hà Nội đưa ra vấn đề trên, UBND Hà Nội đã phê duyệt chủ trương xây dựng 14 nhà vệ sinh công cộng với tổng mức đầu tư 15 tỷ đồng.
Tính ra, mỗi nhà vệ sinh có giá trị đến hơn 1 tỷ đồng. Nhiều người đưa ra so sánh nhà vệ sinh Hà Nội xây dựng còn hoành tráng hơn cả một căn nhà ở của người dân, thậm chí còn giá trị gần gấp đôi căn nhà ở thu nhập thấp hiện nay.
Điều đáng bàn là toàn bộ số kinh phí xây nhà vệ sinh “khủng” này lại lấy nguồn từ ngân sách nhà nước. Bởi thế, rất nhiều ý kiến đã cho rằng, việc đầu tư nhà vệ sinh tiền tỷ như vậy là rất lãng phí, không cần thiết.
TS Trịnh Ngọc Thạch - ĐBQH đoàn Hà Nội đã nhấn mạnh đến tính hiệu quả trong việc đầu tư xây nhà vệ sinh tiền tỷ, xây nhà vệ sinh tiền tỷ không phải để trang trí, việc đầu tư như vậy rất lãng phí.
“Cái này các nước phương Tây họ làm rất chặt chẽ. Ta đã nghèo lại còn thích ăn chơi hoành tráng, chỉ để lại cái tiếng thôi, còn hiệu quả thực thì không có. Tất cả những cái đó tôi cho là lãng phí, mà lãng phí thì phải loại bỏ” – ông Thạch thẳng thắn nêu quan điểm.
Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực nội thất, xây dựng cũng lên tiếng về mức giá “khủng” mà BQL chỉnh trang đô thị Hà Nội – chủ đầu tư 14 nhà vệ sinh bằng thép đưa ra. Theo tính toán của TS Phạm Sỹ Liêm, xây nhà vệ sinh nơi công cộng không mất tiền thuê đất, mà mỗi cái lên tới bạc tỷ như vậy là không thể chấp nhận và rất lãng phí.
Trước những thông tin trái chiều, Chủ tịch Hà Nội đã lên tiếng yêu cầu ngành xây dựng phải rà soát lại trên tinh thần đầu tư xây dựng phải hiệu quả, tiết kiệm, tránh lãng phí.
Câu chuyện nhà vệ sinh tiền tỷ ở Hà Nội tạm gác lại, rồi đến lượt TPHCM đề xuất xây dựng nhưng không phải tiền tỷ mà là nhà vệ sinh tầm cỡ 4 – 5 sao.
Mỗi nhà vệ sinh ở TPHCM tính ra khoảng 800 triệu đồng. Thử hỏi với mức giá gần 1,1 tỷ, không biết phải lấy bao nhiêu sao để gắn cho nhà vệ sinh ở Hà Nội? Mặt khác, việc đầu tư ở TPHCM dẫu sao cũng có khác, khi toàn bộ kinh phí được huy động từ nguồn đầu tư xã hội hóa, chứ không phải lấy từ nguồn ngân sách như ở Hà Nội.
Trong khi dư luận còn đang nghe ngóng, với nguồn ngân sách huy động từ xã hội như vậy, TPHCM sẽ triển khai ra sao thì Hà Nội một lần nữa lại lên tiếng, đề xuất tiếp tục xây dựng 14 nhà vệ sinh bằng thép như đã đề xuất trước đó.
Pheo Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục, hiện thành phố có 340 nhà vệ sinh công cộng, nhưng lại bố trí không đồng đều, chưa phục vụ được khách du lịch và…khách vãng lai. Từ thực tế đó, Sở Xây dựng đề xuất tiếp tục xây dựng 14 nhà vệ sinh bằng thép với tổng mức đầu tư 15 tỷ đồng mà BQL chỉnh trang đô thị đã lập dự án trước đó.
Bên cạnh đó đơn vị này còn lập dự án nâng cấp 7 nhà vệ sinh tại quận trung tâm Hoàn Kiếm, trị giá 3,2 tỷ đồng. Ngoài ra Sở Xây dựng còn đề xuất dành kinh phí 1,5 tỷ đồng mỗi năm để cải tạo sửa chữa các nhà vệ sinh hiện có.
Câu chuyện nhà vệ sinh hoành tráng không phải chỉ mới rộ lên mà nó đã được nhắc đến nhiều trong thời gian qua. Giữa năm 2013 dư luận đã rùm beng về câu chuyện nhà vệ sinh trị giá nửa tỷ đồng ở Quảng Ngãi được xây dựng từ chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn của Bộ NN&PTNT. Hay dư luận không khỏi băn khoăn vì kinh phí xây dựng một nhà vệ sinh ở trạm y tế của một xã nghèo Quảng Bình mà kinh phí cũng lên đến 300 triệu đồng.
Việc xây dựng nhà vệ sinh kiểu “dát vàng” liệu có thực sự cần thiết, và có lãng phí không? Vị ĐBQH đoàn Hà Nội hoàn toàn có lý khi cho rằng "nước ta còn nghèo nhưng lại cứ thích ăn chơi hoành tráng".
Nhà vệ sinh tiền tỷ mọc lên, nhiều người không khỏi chạnh lòng, bởi hàng triệu gia đình đang phải khổ sở với cảnh ở trọ, vật vã sinh sống trong những căn nhà lụp xụp, chật chội. Xây dựng nhà vệ sinh “dát vàng” đạt tiêu chuẩn 5 sao và hơn thế nữa trong bối cảnh ấy, liệu có được tiếng là văn minh?
Người ta thường nói muốn biết gia đình ấm cúng đến đâu hãy nhìn vào bếp lửa, còn muốn biết văn minh đến đâu hãy nhìn vào nhà vệ sinh. Nhưng muốn thể hiện cái văn minh ấy, đâu nhất thiết cứ phải “dát vàng” cho nhà vệ sinh với những đồ dùng, trang thiết bị đắt tiền đến vậy?!
Báo Đầu Tư
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo