Xã hội

Nhà vệ sinh dát vàng: Sở Xây dựng Hà Nội có "ngại"?

Theo Sở GD-ĐT tỉnh Lâm Đồng, do thiếu vốn trong khi số lượng trẻ học mầm non tăng mạnh, địa phương chỉ xây được lớp học, nên có những điểm trường đã hơn chục năm nay không có nhà vệ sinh. Trong khi đó, dù đã có phản biện của các chuyên gia, Sở Xây dựng Hà Nội vẫn tiếp tục đề xuất xây nhà vệ sinh tiền tỷ.
Theo báo Tuổi trẻ ngày 8/1/2014, hiện tại xã Lộc Tân, huyện Bảo Lâm có 5 điểm trường dạy khoảng 260 trẻ thì 4 điểm trường lẻ đều không có nhà vệ sinh. Mỗi khi có nhu cầu, các bé phải chạy ra bãi cỏ sau trường.
 
Riêng điểm trường mầm non ở thôn 3, xã Lộc Tân, huyện Bảo Lâm đã 10 năm nay không có phòng vệ sinh dành cho trẻ. Nơi dạy trẻ có diện tích chưa đầy 60m2 cho hai phòng học đưa vào sử dụng cuối năm 2001. 
 
Theo cô Nguyễn Thị Hoa - hiệu trưởng Trường mầm non Lộc Tân, hằng năm số lượng trẻ đều tăng nhưng cơ sở vật chất vẫn giữ nguyên. Việc thiếu nhà vệ sinh khiến môi trường xung quanh ô nhiễm, ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe của trẻ.
 
Các điểm trường mầm non của xã Lộc Tân đều không có nhà vệ sinh
 
Cũng rơi vào hoàn cảnh khổ sở không kém là các điểm trường mầm non Lộc Đức. Từ năm 1995 tới nay điểm trường chính cũng không có phòng vệ sinh riêng biệt. 
 
Hằng ngày gần 70 trẻ phải đi nhờ phòng vệ sinh của các anh chị cấp tiểu học gần trường. Hiện tại sau hơn 10 năm “đi ké” phòng vệ sinh, điểm trường chính đang được xây dựng mới, còn lại bốn điểm trường lẻ thì hai điểm phải mượn nhà dân với phòng vệ sinh xuống cấp, hai điểm khác đều không có phòng vệ sinh.
 
Tình trạng tương tự cũng xảy ra ở các điểm trường lẻ tại các xã khác trong huyện Bảo Lâm như Lộc Thành A, Lộc Bắc, Lộc An, Lộc Phú.
 
Nói về thực trạng này, ông Lê Đức, trưởng Phòng GD-ĐT huyện Bảo Lâm, thừa nhận các điểm trường cấp mầm non trên địa bàn huyện đang thiếu thốn nhiều thứ như cơ sở xuống cấp, lớp học tạm bợ và nhà vệ sinh nơi có nơi không. 
 
Ông Đức cho biết do số lượng trẻ tăng lên nên phải mở thêm các phân hiệu. Khó khăn chung là hầu hết phân hiệu đều mượn từ nhà dân hay các cơ sở như trạm xá, hội trường thôn, nhà văn hóa cũ nên phòng vệ sinh không có, hoặc không đúng quy chuẩn phòng vệ sinh mầm non.
 
Tình trạng trên cho thấy nghịch cảnh nơi thừa, nơi thiếu nhà vệ sinh, nơi nhiều thì đòi xây thêm, nơi thiếu thì lại thiếu vốn đầu tư. Trước đó, đầu tháng 11/2013, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Khôi đã ký quyết định cho phép đầu tư 14 nhà vệ sinh công cộng bằng thép với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 15 tỷ đồng. Toàn bộ số tiền lấy từ ngân sách.
 
Dự án đã vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ từ dư luận. Nhiều đại biểu Hà Nội đã thẳng thắn chỉ rõ "đề án này là lãng phí vì nhiều nhà vệ sinh không sử dụng hết công suất, khóa cửa cả ngày; nhà vệ sinh có dát vàng cũng không đắt như vậy...". Nhiều ý kiến khác thì cho rằng nên để xã hội hóa và không thu phí. 
 
Trước phản ứng của dư luận, Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thế Thảo đã yêu cầu Sở Xây dựng chủ trì phối hợp với các sở ngành, quận huyện rà soát hệ thống nhà vệ sinh công cộng đã xây dựng để khai thác sử dụng hiệu quả.
 
Ông Thảo cũng chỉ đạo việc xây dựng các công trình nhà vệ sinh công cộng phải đảm bảo hiệu quả, công khai, minh bạch, tiết kiệm và tránh lãng phí.
 
Nhà vệ sinh tiền tỷ đang được lên kế hoạch xây dựng
 
Bởi vì, hiện tại 4 quận nội thành cũ của Hà Nội có 310 nhà vệ sinh công cộng do Công ty Môi trường Đô thị Hà Nội quản lý, riêng khu phố cổ và xung quanh hồ Hoàn Kiếm (nơi tập trung đông khách du lịch) có 16 nhà vệ sinh đang hoạt động.
 
Vậy nhưng, sau khi dư luận đã bắt đầu yên lặng khi dự án này được dừng lại, bất chấp chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố, Sở Xây dựng lại tiếp tục đề xuất xây 14 nhà vệ sinh công cộng tiền tỉ. Thật khó lý giải sự mâu thuẫn trong lần tái xuất của đề án này.
 
Mặc dù, trước đó ông Nguyễn Thế Hùng, Giám đốc giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội đã khẳng định: "Đề xuất làm 14 nhà vệ sinh của Ban quản lý chỉnh trang đô thị Hà Nội chỉ là một nội dung để tham khảo, chúng tôi chưa chắc đã xây dựng tất cả 14 nhà vệ sinh đều bằng kim loại".
 
Ông Hùng cho biết thêm, hiện Sở đang rà soát toàn bộ nhu cầu trên toàn thành phố, khu vực nào phù hợp với loại nhà vệ sinh nào sẽ xây dựng loại nhà vệ sinh kiểu đó. 
 

Điều đáng nói, trong khi Chủ tịch thành phố Nguyễn Thế Thảo ra sức kêu gọi Hà Nội tiết kiệm, chống lãng phí đề xuất này của Sở Xây dựng Hà Nội gần như lại đang đi ngược lại.

Đường xe buýt dài 1,3km giá 13 tỷ đồng

Hà Nội vừa đưa vào sử dụng đường thứ hai dành riêng cho xe buýt dài 1,3 km. Đoạn đường này nằm ở làn giữa của đường Yên Phụ, bắt đầu từ điểm trung chuyển xe buýt Long Biên đến nút giao cắt Thanh Niên - Nghi Tàm - Yên Phụ.

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm điều hành giao thông đô thị Hà Nội cho biết, trong tổng số 13 tỷ đồng đầu tư cải tạo tuyến đường dài 1,3 km này thì riêng việc cải tạo mặt đường (trải lại lớp nhựa trên nền đường cũ) đã ngốn hết 8 tỷ đồng. 5 tỷ đồng còn lại để làm biển báo, chiếu sáng, tổ chức giao thông...

Nguồn tiền này thuộc Dự án cải thiện vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt của Hà Nội do vùng Ile de France (Pháp) tài trợ.

Tuy nhiên, tuyến đường dành riêng cho xe buýt vừa đưa vào sử dụng đã lộn xộn. Điểm đỗ Long Biên (nơi vốn là bãi đỗ xe của Đội CSGT số 1) nồng nặc mùi nước tiểu, nước thải. Các hàng quán cũng bắt đầu xuất hiện. Hai bên đường gần trung tâm điều hành xe buýt bị chiếm dụng làm chỗ gửi xe máy. Bố trí hướng đèn bất hợp lý cũng đang khiến ùn ứ giao thông giờ cao điểm trên tuyến phố vốn khá thông thoáng này.

 

Báo Đất việt
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo