Nhắc Hà Nội, lại nhớ vang bóng một thời
Bà ngoại có một cửa hàng bán tơ lụa nội hóa ở giữa phố Hàng Đào, còn mẹ tôi và chị em tôi lại theo bà nội về ở với chú sau khi cha tôi mất từ năm 1937, ở phố Phan Chu Trinh cắt ngang phố Trần Hưng Đạo. Cả hai nơi đều thuộc quận Hoàn Kiếm ngày nay. Thế là cả thuở thơ ấu, tôi như con thoi đi lại giữa hai nơi có lối sống hoàn toàn trái ngược nhau.
Căn nhà vườn tôi ở nằm trong khu phố Tây có nhiều Pháp kiều sinh sống. Nhà phần lớn có vườn bao quanh rộng rãi, thoáng mát, còn đường phố là các đại lộ thênh thang. Hè đi bộ có thảm cỏ hai bên, khung cảnh rất yên tĩnh thuận lợi cho việc học, đọc sách với thư viện tại nhà.
Trong khi ở Hàng Đào có tuyến xe điện chạy qua lúc nào cũng náo nhiệt. Phố đã hẹp lại đông người mua bán tấp nập, thêm các hàng quà rong đủ thứ khiến mỗi lần lên bà ngoại là tôi nghĩ đến việc ăn quà trước tiên. Mẹ tôi thường nói dân hàng phố không những nấu cỗ giỏi, biết làm đủ các thứ bánh mứt vì sản vật Hà Nội phong phú, dân biết thưởng thức từ ăn uống đến may mặc kiểu cách rất sành điệu vì là kinh đô cũ, sĩ tử thời nào cũng đông, kể cả thời Pháp thuộc vì Hà Nội là thủ phủ của Đông Dương.
Mãi đến năm 1945, dân số Hà Nội chỉ khoảng 20 vạn. Mùa hè lên đê sông Hồng hóng mát, chúng tôi chỉ thấy bãi cát chạy dọc sông, không một bóng nhà trừ cái điếm canh. Dân tập trung đông ở khu phố cổ để buôn bán làm ăn. Bà con quen biết nhau cứ như ở làng do quan hệ dòng họ, thông gia, đồng môn, đồng nghiệp… Các làng vây quanh cái “chợ lớn” ấy là phố cổ.
Ba mươi sáu phố phường nhà ống san sát là nơi bán các hàng sản xuất từ các làng nghề vây quanh nội thành. Bà ngoại tôi quê ở làng Kim Bài vùng dâu tằm phía Nam nên bạn hàng đeo tay nải, mang những tấm hàng thủ công như the, lụa, vân, sa ở mạn các làng phía Hà Đông như La Cả, La Khê, Vạn Phúc ra bán. Bà tôi chỉ bán hàng nội hóa còn nhiều cửa hàng lớn bán đủ các hàng len, dạ, gấm, vóc, nhung nhập ngoại màu sắc vô cùng hấp dẫn. Hàng Thiếc chuyên bán đồ dùng bằng kẽm, thiếc và kiêm cắt kính. Tên phố là tên hàng như Hàng Bạc, Hàng Bông Đệm, Hàng Thuốc Bắc, Hàng Đồng… Mối quan hệ giữa thành phố và nông thôn do đó gắn bó chặt chẽ.
Bây giờ phố cổ đã thay đổi về các mặt hàng, hầu như không còn đúng bản chất chợ của các làng nghề ven đô và các huyện xung quanh như xưa kia nữa. Các làng nghề cũng dần biến mất, như làng Bưởi không còn sản xuất giấy bản từ vỏ dó. Làng Ngọc Hà chuyên trồng hoa loa kèn, chân chim, cẩm chướng … đã đô thị hóa, mất hết vườn trồng hoa. Hay làng Đại Yên gần đó chuyên trồng các cây thuốc Nam mang ra các chợ nội đô bán ngày càng hiếm. Một anh bạn học cũ trụ lại ở Hàng Đào thì than: Phố Cổ giờ là phố khổ. Nhà cửa thì chật hẹp, hạ tầng xuống cấp, phải khéo cải tạo mới có thể ở tạm (dù vợ anh là giáo viên về hưu, có được nơi buôn hàng áo quần may sẵn rất đắt hàng). Tất cả những hình ảnh thơ mộng xưa chỉ là vang bóng một thời.
End of content
Không có tin nào tiếp theo