Xã hội

Nhầm giá để đồ là bảng vàng, bạn trẻ mải mê cầu ước

Từ sự không hiểu biết, sùng tín nhiều người dân đặc biệt là các bạn trẻ đã biến những giá để đồ trong Văn Miếu-Quốc Tử Giám trở thành những bảng vàng để cầu đỗ đạt.

Dịp đầu năm, di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám đón lượng khách tới tham quan khá lớn. Khá nhiều trong số này là các bạn trẻ tới cầu đỗ đạt, may mắn trên con đường thi cử, danh vọng.

Nhiều bạn trẻ nghĩ những giá để đồ ở Văn Miếu là bảng vàng (Ảnh:Văn Chung).
 
Tuy nhiên, từ sự không hiểu biết, sùng tín nhiều người dân đặc biệt là các bạn trẻ đã biến những giá để đồ trong Văn Miếu-Quốc Tử Giám trở thành những bảng vàng để cầu đỗ đạt.
 
Những giá để đồ sơn son, viền thếp vàng trông giống các ô cửa nhỏ đặt ở 4 góc trong khu thờ ở Văn Miếu, gần nơi thờ nhà giáo Chu Văn An. Nhiều người dân đứng chờ để được dùng ngón tay mình viết những dòng chữ là ước mong của mình lên bảng.
 
Nguyễn Hòa, một nữ sinh viên 22 tuổi cho biết: “Mình nghe nói đây là bảng vàng. Mình tới đây viết những dòng tượng trưng lên bảng để cầu mong thi cử gặp nhiều thuận lợi. Viết xong mình để dưới hộc tủ tờ 1000 đồng để mong ước đạt điểm cao sẽ thành hiện thực”. Thậm chí trên bảng còn có nhiều vết khắc với mong đường khoa cử sẽ đến chắc chắn hơn.
 
Một số vị khách nước ngoài vì không biết nên cũng làm theo, ghi điều mong ước lên những giá để đồ này. (Ảnh: Văn Chung).
 
Ông Nguyễn Đức Hảo, nhân viên trông coi khu vực di tích có đặt các “bảng vàng” cho biết: “Thực tế đây chỉ là những giá để đồ, không phải bảng vàng bảng ước gì. Có lẽ màu sắc bắt mắt nên mọi người nghĩ vậy. Một người làm rồi người này rỉ tai người kia nên ai cũng tới đây để ghi điều ước lên bảng”.
 
Theo ông Hảo: “Do kho đồ của di tích chật hẹp nên ban quản lí mới sắp xếp chúng ra đây được gần 3 năm. Hành động biến giá để đồ thành bảng vàng đã xuất hiện từ 1-2 năm nay. Chuyện truyền miệng này cũng giống như người dân xoa đầu rùa cầu may mắn vậy”.
 
“Mình cũng giải thích nhiều nhưng người đến đông, nói sao hết. Có người bỏ ngoài tai nói làm như vậy đâu ảnh hưởng gì tới di tích. Thậm chí có người còn cài tiền, nhét vào tay các tượng.” – ông Hảo cho hay.
 
Trao đổi với VietNamNet, GS Ngô Đức Thịnh (Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia) cho rằng: “Chúng ta đang có hiện trạng người dân ít hiểu biết về văn hóa, tôn giáo nhưng lại sùng tín. Kết quả là nhiều người cứ thấy bát hương là lao vào thắp hương mà không cần biết nơi đó thờ gì”.
 
Giá để đồ trong gian thờ Chu Văn An tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám chằng chịt tên khắc. (Ảnh: Văn Chung)
 
Bà Phạm Thị Thúy Hằng Phó Giám đốc Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám cho biết: “Bảng vàng là những tấm giấy vàng đề tên người thi đỗ chính bảng được nhà vua phê chuẩn. Những tấm bảng mà người dân cứ đồn thổi là bảng vàng thực chất chỉ là khoang tủ để treo hiện vật lịch sử. Hiện vì đang trong quá trình tu bổ nên nó được đặt tạm ở đó. Chúng tôi cũng chưa bao giờ đưa ra thông tin đó là những tấm bảng vàng cả”.
 
Chưa hết, bà Hằng cũng khá bức xúc khi những giá để đồ trưng bày trong gian thờ Chu Văn An cũng bị người dân đặt tiền hay khắc tên nhằng nhịt lên trên để cầu xin may mắn, đỗ đạt. “Ngày Tết nhiều người còn thắp hương lên cả những chậu cây cảnh.
 
Thôi thì chỗ nào có thể thắp hương, khấn vái hay ghi tên thì họ làm. Người trông nom, quản lí di tích thì ít nên nhắc nhở không xuể. Việc làm hàng rào ngăn mọi người sờ đầu rùa có người phản ánh thiếu thẩm mỹ nhưng đành phải vậy để bảo vệ di tích” – bà Hằng chia sẻ.
 
Bà Hằng cho biết ban quản lí di tích cũng đang tính tới việc di dời những giá để đồ này đi nơi khác khi có điều kiện.
 
Vị phó giám đốc mong mỏi mọi người khi đi thắp hương ở các khu di tích nên tìm hiểu về nơi mình sẽ đi, nơi nào được khấn vái, khói hương để có hành vi đúng văn hóa.
Vietnamnet
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo